Văn hóa

Hát Môn tập trung khai thác giá trị lịch sử, văn hóa

Nguyễn Mai 07/02/2025 - 06:36

Xã Hát Môn (huyện Phúc Thọ) là vùng đất cổ - nơi Hai Bà Trưng phất cờ khởi nghĩa chống lại ách thống trị của nhà Hán năm 40 sau Công nguyên.

Hiện nay, trên địa bàn xã có đền Hát Môn được công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt và lễ hội đền Hát Môn là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Gắn với xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, chính quyền địa phương đang quan tâm khai thác giá trị văn hóa, lịch sử độc đáo của quê hương để phát triển du lịch.

hat-mnon.jpg
Nghi lễ rước bánh trôi tại lễ hội truyền thống đền Hát Môn (huyện Phúc Thọ). Ảnh: Minh Phú

Từ trung tâm thành phố Hà Nội di chuyển theo quốc lộ 32, qua thị trấn Phùng (huyện Đan Phượng) hoặc theo Đại lộ Thăng Long qua xã Sài Sơn (huyện Quốc Oai) rồi men theo đê sông Đáy là tới xã Hát Môn (huyện Phúc Thọ) - vùng đất cổ giàu truyền thống lịch sử, văn hóa.

Theo lời kể của cụ Trần Viết Hỗ, Phó Trưởng ban Quản lý di tích đền Hát Môn: Năm 40 sau Công nguyên, nước ta bị giặc phương Bắc đô hộ, Hai Bà Trưng đã dựng cờ khởi nghĩa giành lại độc lập cho đất nước. Năm 43, thế giặc mạnh, buộc Hai Bà Trưng lui quân đến khu vực thuộc xã Hát Môn, huyện Phúc Thọ ngày nay và tuẫn tiết bên dòng sông Hát. Cảm kích công ơn Hai Bà, nhân dân địa phương đã lập đền thờ, gọi là đền Hát Môn, hay còn gọi là đền Quốc tế (tế lễ cấp quốc gia).

Theo Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Phúc Thọ Nguyễn Minh Tuấn, cả nước hiện có nhiều đền thờ Hai Bà Trưng nhưng đền Hát Môn là một trong những ngôi đền có quy mô lớn nhất. Đền gồm nhiều hạng mục quan trọng như: Nhà Ngự dội, nhà Tạm ngự, Quán Tiên, Nghi môn, Thủy đình, Đàn thề đá, cổng Tam quan, đền chính (nhà Đại bái, Thiêu hương, Hậu cung), Tả mạc, Hữu mạc, nhà Che bia, Gò Giấu ấn, nhà Tưởng niệm bà Nguyễn Thị Định, nhà khách và không gian lễ hội rộng lớn… Đền Hát Môn đã được Nhà nước công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt.

Bên cạnh di tích, trên địa bàn xã còn có lễ hội đền Hát Môn được tổ chức vào mùng 6-3 âm lịch. Đây là lễ hội quy mô vùng, thu hút đông đảo nhân dân và khách thập phương về chiêm bái. Nét độc đáo nhất trong lễ hội chính là màn rước và dâng bánh trôi, được thực hiện với quy trình nghiêm ngặt. Gia đình được chọn làm bánh trôi cũng phải là những gia đình hòa thuận, không tang chế và đáp ứng nhiều yêu cầu khác. Lễ hội truyền thống đền Hát Môn đã được Nhà nước công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.

Theo Chủ tịch UBND xã Hát Môn Đặng Văn Lập, ngoài Di tích quốc gia đặc biệt đền Hát Môn, xã còn có Di tích lịch sử cấp quốc gia Phủ thờ Quận công Nguyễn Ngọc Trì cùng nhiều di tích lịch sử, công trình văn hóa, tín ngưỡng, thờ tự khác… Đây là nguồn tài nguyên quý giá để địa phương phát triển văn hóa và du lịch. Để khai thác tiềm năng, lợi thế, những năm gần đây, cộng đồng dân cư xã Hát Môn đã tham gia tập huấn về công tác quản lý nhà nước và đón khách tham quan do Sở Du lịch thành phố Hà Nội tổ chức, nhờ vậy hoạt động quảng bá, giới thiệu điểm đến du lịch văn hóa ngày thêm hiệu quả. Bên cạnh sự đầu tư từ Nhà nước, những năm qua, xã huy động xã hội hóa tu bổ, tôn tạo các di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn. Từ năm 2019 đến nay, đã có khoảng 7 tỷ đồng từ nguồn xã hội hóa phục vụ việc tu bổ, tôn tạo nhiều công trình di tích…

Hằng năm, xã Hát Môn đón hàng nghìn lượt khách tham quan, chiêm bái đền và tìm hiểu lịch sử văn hóa đặc sắc tại địa phương. Tháng 9-2024, đền Hát Môn được UBND thành phố Hà Nội công nhận là điểm du lịch của thành phố. Cuối năm 2024, xã Hát Môn được thành phố thẩm định đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu trên 3 lĩnh vực: Y tế, văn hóa và du lịch…

Kết quả này là minh chứng cho nỗ lực của chính quyền và nhân dân địa phương trong khai thác giá trị lịch sử văn hóa để phát triển du lịch. Đây cũng là tiền đề và động lực để Hát Môn phát triển mạnh mẽ hơn trong lĩnh vực này, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân; đồng thời thêm điều kiện thuận lợi để xây dựng địa phương ngày càng giàu đẹp, xứng đáng với công đức oanh liệt của các bậc tiền nhân...