Hoàn thiện công cụ tổ chức không gian Thủ đô
Quy chế Quản lý kiến trúc thành phố Hà Nội vừa được công bố là một trong những nội dung quan trọng, cụ thể hóa chỉ đạo, định hướng tại các nghị quyết của Trung ương và Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065.
Bảo đảm quản lý tổng thể
Phó Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội Nguyễn Bá Nguyên cho biết, trước đây, thực hiện Luật Quy hoạch đô thị, Sở đã hoàn thiện Quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc chung thành phố Hà Nội và được UBND thành phố phê duyệt tại Quyết định số 70/2014/QĐ-UBND ngày 12-9-2014.
Tuy nhiên, sau khi Luật Kiến trúc ra đời (năm 2019), quy chế cần nhấn mạnh quản lý kiến trúc nhiều hơn, đặc biệt phải căn cứ theo Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
“Việc thành phố Hà Nội chính thức ban hành Quy chế quản lý kiến trúc là thiết thực và phù hợp với các yêu cầu phát triển kiến trúc cảnh quan đô thị trong bối cảnh Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 đã chính thức được phê duyệt cũng như sứ mệnh trong kỷ nguyên mới đưa Thủ đô vươn mình phát triển hiện đại - văn minh - bản sắc”, kiến trúc sư Phạm Hoàng Phương (Viện Kiến trúc quốc gia, Bộ Xây dựng) nhận định.
Cũng theo kiến trúc sư Phạm Hoàng Phương, là Thủ đô nghìn năm văn hiến, bảo tồn và phát huy bản sắc kiến trúc, cảnh quan đô thị luôn được xem là một nội dung quan trọng. Quy chế quản lý kiến trúc đã đề cập một số nội dung thiết yếu với cách tiếp cận cụ thể, không chỉ theo tinh thần của luật mà còn có cách tiếp cận khoa học, kế thừa và phát huy nhiều nội dung quy chế quản lý riêng với các khu vực văn hóa lịch sử đặc trưng như khu phố cổ, khu phố cũ.
Phân tích về một số quy định cụ thể, đi sâu vào quản lý kiến trúc, không gian, cảnh quan thành phố Hà Nội, ông Nguyễn Bá Nguyên nêu, Quy chế quản lý kiến trúc có những quy định về khu vực đặc thù, các khu vực phải thi tuyển… là những nội dung mới hơn so với trước đây. Trong đó, Sở Quy hoạch - Kiến trúc đã cập nhật các quy chế riêng lẻ, chắt lọc nội dung liên quan đến lĩnh vực kiến trúc đưa vào quy chế, bảo đảm quản lý tổng thể trên địa bàn Thủ đô.
Sớm hoàn thiện một số nội dung
Ở quy mô tổng thể, kiến trúc sư Phạm Hoàng Phương nhận định, các nội dung về bảo tồn và phát huy không gian giá trị kiến trúc cảnh quan đô thị, kết hợp các giá trị đặc trưng kiến trúc cảnh quan với các đặc trưng tự nhiên và văn hóa đã được đề cập cơ bản đồng bộ, khoa học, cụ thể với cả không gian nội đô và ven đô. Giá trị cảnh quan mặt nước, sông hồ và không gian xanh được phát huy để gìn giữ và tạo dựng hình ảnh đô thị xanh của Hà Nội.
Với không gian nội đô hiện hữu, các quy định tăng cường cải tạo cảnh quan, kiến trúc công trình tại các khu vực có tính đặc trưng văn hóa; bảo tồn phục dựng các công trình kiến trúc và các trục không gian đô thị có giá trị hay chỉnh trang các trục cảnh quan thuộc không gian phố cũ, kết nối với không gian cảnh quan ngoài sông Hồng.
Đối với các khu vực giáp ranh nội và ngoại thị, Quy chế quản lý kiến trúc chú trọng bảo vệ và phát huy các hình thái nông thôn truyền thống, cấu trúc làng xóm, kiến trúc cảnh quan của địa phương, quản lý kiểm soát bảo tồn tôn tạo và tái tạo các không gian văn hóa truyền thống, các công trình, cụm công trình có giá trị văn hóa, lịch sử, kiến trúc...
Tuy nhiên, còn một số các nội dung cần sớm được tiếp tục hoàn thiện để đưa quy chế đi vào cuộc sống là xây dựng tiêu chí và hoàn thành lập danh mục công trình kiến trúc có giá trị để đề cập rõ trong phần phụ lục của Quy chế.
"Đây là nội dung còn tương đối phức tạp khi các công trình này thường có đặc thù khác biệt so với các di tích xếp hạng theo Luật Di sản văn hóa như số lượng lớn, thuộc nhiều loại công trình (nhà ở, công cộng…), hình thức kiến trúc đa dạng phong phú thuộc nhiều phong cách kiến trúc khác nhau, đa số thuộc sở hữu tư nhân, nhiều công trình đã bị xuống cấp nghiêm trọng, có thể bị cải tạo và biến đổi nhiều so với nguyên gốc trong quá trình sử dụng”, kiến trúc sư Phạm Hoàng Phương nêu.
Bên cạnh đó, việc lập danh mục các công trình kiến trúc có giá trị mới chỉ chú trọng đến các công trình cũ, cổ. Trong khi đó, việc đánh giá, xem xét và đưa các công trình cận đại và đương đại mang nhiều đặc trưng kiến trúc của đô thị trong giai đoạn phát triển hiện nay vào danh mục công trình kiến trúc có giá trị để được bảo tồn, phát huy các giá trị cũng cần được cân nhắc, xem xét đầy đủ, thấu đáo.
Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam Đào Ngọc Nghiêm:
Cần tuyên truyền rộng rãi tới người dân
Thời gian qua, thành phố Hà Nội đã hoàn thiện hệ thống các văn bản, công cụ quản lý để phát triển Thủ đô như Luật Thủ đô năm 2024, hai đồ án quy hoạch Thủ đô, điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô và nay có thêm Quy chế quản lý kiến trúc thành phố Hà Nội và Chương trình phát triển đô thị thành phố Hà Nội giai đoạn đến năm 2035...
Quy chế quản lý kiến trúc thành phố Hà Nội vừa ban hành đã đưa ra quy định rõ về loại hình công trình và khu vực cụ thể, thể hiện sự nghiêm túc nghiên cứu của thành phố Hà Nội. Tuy nhiên, quy chế chỉ là hoạch định về khung, khi cụ thể từng khu vực sẽ phức tạp hơn nhiều. Do đó, trong quá trình hoàn thiện nên có sự kế thừa các nghiên cứu trước đây. Thành phố cũng cần tiếp tục có hướng dẫn cụ thể về tổ chức thực hiện và vai trò giám sát của cộng đồng để làm tốt được định hướng đã đưa ra. Ngoài ra, cần đặc biệt lưu ý tuyên truyền định hướng nội dung của những công cụ quản lý rộng rãi tới người dân, chứ không chỉ cơ quan quản lý biết.
Giám đốc Ban Quản lý đồ án, Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội Nguyễn Hoàng Quân:
Phát triển đô thị cả về quy hoạch, kiến trúc và cảnh quan
Quy chế quản lý kiến trúc thành phố Hà Nội được ban hành nhằm quản lý cảnh quan đô thị, nông thôn và kiến trúc các công trình xây dựng theo quy hoạch được duyệt, kiểm soát việc xây dựng mới, cải tạo, chỉnh trang đô thị theo định hướng phát triển, bảo vệ cảnh quan, bản sắc văn hóa, đặc trưng kiến trúc Thủ đô Hà Nội. Quy chế cũng cụ thể hóa các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch, kiến trúc và xây dựng, để quản lý kiến trúc đô thị phù hợp với điều kiện thực tế của Thủ đô và của từng khu vực trên địa bàn thành phố…
Quy chế được hoàn thiện căn cứ theo các quy hoạch được duyệt, đặc biệt là Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Triển khai quy chế sẽ giúp phát triển đô thị một cách đồng bộ về quy hoạch, kiến trúc và cảnh quan. Đây là công cụ rất tốt cho Sở trong việc tham mưu thành phố phát triển đô thị văn hiến, văn minh, hiện đại.
Chị Hoàng Thị Hồng Hạnh (45 tuổi, quận Long Biên):
Tính đến đặc điểm, đặc thù từng khu vực
Quy chế quản lý kiến trúc thành phố Hà Nội được ban hành là hết sức cần thiết nhằm tạo công cụ quản lý không gian, kiến trúc, góp phần bảo tồn, phát huy, gìn giữ những giá trị của đô thị Hà Nội mà không ở đâu có. Quản lý kiến trúc cần phải tính đến các đặc điểm, đặc thù của từng khu vực, phong tục tập quán, văn hóa truyền thống. Do đó, các công trình xây dựng trên địa bàn thành phố, đặc biệt là các công trình lớn, mang nhiều ý nghĩa phải được quản lý chặt chẽ đồng bộ về kiến trúc, không gian, cảnh quan. Triển khai quy chế này, nếu thành phố tạo ra được từng khu vực đặc thù, mang đậm dấu ấn riêng về cảnh quan thì sẽ góp phần nâng giá trị của đô thị Thủ đô lên rất nhiều.
Thành phố cần bố trí các khu vực phát triển các công trình là điểm nhấn, tạo diện mạo đô thị mang đẳng cấp quốc tế, hướng tới sự văn minh, hiện đại. Trong trường hợp cần thiết phải đầu tư xây dựng mới thì kiến trúc công trình xây dựng mới phải bảo đảm hài hòa với các công trình, không gian di tích, danh lam thắng cảnh.
Hồng Anh thực hiện