Đến Đồng Mô, xem Lễ cúng giọt nước
Lễ cúng giọt nước (hay còn gọi là Tế giọt nước) của đồng bào Tây Nguyên sẽ được tái hiện tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội) vào ngày 9-2-2025 (tức ngày 12 tháng Giêng năm Ất Tỵ).
Việc tái hiện tín ngưỡng độc đáo này không chỉ nhằm bảo tồn, phát huy giá trị dân tộc mà còn mang đến hoạt động trải nghiệm độc đáo, thu hút du khách đến với Thủ đô.
Lễ cúng giọt nước nằm trong khuôn khổ chuỗi hoạt động mang chủ đề “Sắc Xuân trên mọi miền Tổ quốc) diễn ra xuyên suốt tháng 2-2025 tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam. Theo Ban Quản lý Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, cùng với nhiều hoạt động giới thiệu phong tục, tập quán, tín ngưỡng của đồng bào các dân tộc trên mọi miền Tổ quốc, Lễ cúng giọt nước của nhóm đồng bào các dân tộc Tây Nguyên không chỉ đơn thuần là hoạt động tín ngưỡng mà còn nâng cao ý thức của đồng bào dân tộc trong việc bảo vệ, giữ gìn nguồn nước, buôn làng.
Lễ cúng giọt nước là một trong những nghi lễ quan trọng nhất của đồng bào các dân tộc ở Tây Nguyên, vì họ quan niệm giọt nước là mạch nguồn của sự sống. Giọt nước không đơn thuần là nơi tập trung lấy nước phục vụ sinh hoạt mà bà con còn thể hiện ý thức của cộng đồng trong việc bảo vệ môi trường xanh - sạch - đẹp. Mục đích của Lễ cúng giọt nước là cầu mong Thần nước phù hộ cho dân làng mạnh khỏe, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, vạn vật trong buôn làng đều tươi tốt, không có bệnh dịch xảy ra.
Theo truyền thống, trước khi tổ chức Lễ cúng giọt nước, già làng họp dân huy động đóng góp, giao nhiệm vụ cho từng gia đình để chuẩn bị cho buổi lễ. Phụ nữ đảm nhận việc làm sạch sẽ đường làng, ngõ xóm, dọn dẹp khu vực đường xuống giọt nước. Thanh niên vào rừng chặt tre, nứa đan thành các vòm hoa văn, dựng một cây nêu tại khu vực làm lễ cúng. Người già chuẩn bị trang phục truyền thống, các bài văn tế trong lễ tế thần nước.
Khi Lễ cúng giọt nước bắt đầu, già làng cùng những người uy tín làm các nghi thức riêng, đọc lời cúng gọi Yàng (Thần) xuống phù hộ cho dân làng mạnh khỏe, mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu, vạn vật tươi tốt, không có bệnh dịch xảy ra, mọi sự bình an. Lời khấn kết thúc, mọi người sẽ lần lượt xuống khu vực chứa nước để hứng nước vào các bầu, chai, rửa mặt, rửa tay và tạt nước vào nhau với ý nghĩa mang lại may mắn. Sau đó, cả làng sẽ cùng nhau nhảy múa, ăn mừng trong tiếng cồng chiêng rộn ràng.
Quyền Trưởng ban Ban Quản lý Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam Trịnh Ngọc Chung cho biết, bên cạnh việc tái hiện Lễ cúng giọt nước đặc sắc, nhiều hoạt động giới thiệu văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên sẽ được tái hiện tại làng như: Múa xoang, cồng chiêng, làm nhạc cụ dân tộc bằng tre, các nghề thủ công truyền thống dệt vải, ẩm thực độc đáo... Ngày hội “Sắc Xuân trên mọi miền Tổ quốc” là sự kiện diễn ra thường niên vào dịp đầu xuân năm mới tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, tái hiện không khí đón xuân tươi vui của cộng đồng các dân tộc đang sinh sống trên mọi miền đất nước. Ngày hội tạo nên không gian văn hóa đa sắc màu, trở thành điểm đến cuốn hút du khách vào dịp đầu xuân. Năm nay, ngày hội “Sắc Xuân trên mọi miền Tổ quốc” sẽ diễn ra rất nhiều hoạt động văn hóa độc đáo về các phong tục chúc Tết truyền thống của các dân tộc. Hơn 100 đồng bào của 16 dân tộc: Nùng, Tày, Dao, Mông, Mường, Lào, Thái, Khơ Mú, Tà Ôi, Ba Na, Xơ Đăng, Gia Rai, Cơ Tu, Raglai, Ê Đê, Khmer với sự tham gia của 11 địa phương (Thái Nguyên, Hà Nội, Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình, Thừa Thiên Huế, Ninh Thuận, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Sóc Trăng) sẽ tham gia chương trình.
Chương trình “Sắc Xuân trên mọi miền Tổ quốc” diễn ra xuyên suốt tháng 2-2025 sẽ giới thiệu, tổ chức các hoạt động lễ hội, văn hóa đặc sắc vào dịp năm mới của các dân tộc. Du khách đến với Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam dịp này sẽ có cơ hội tìm hiểu phong tục tập quán đặc sắc và văn hóa ẩm thực rất riêng của đồng bào các dân tộc như: Thịt gà nấu măng, cá ốt đồ, rau đồ, cá nướng, các món ăn từ thịt lợn, xôi màu của dân tộc Mường; khau nhục, cá om măng chua, lạp sườn, thịt gác bếp, măng nhồi của dân tộc Tày; cá nướng, gà nướng, xôi màu của dân tộc Thái...