Chỉ bàn làm, không bàn lùi
Với sự quyết liệt của cả hệ thống chính trị cũng như ý thức trách nhiệm của người dân, sự chung tay của cộng đồng doanh nghiệp xã hội, cả nước vừa trải qua một kỳ nghỉ Tết kéo dài 9 ngày an vui, lành mạnh, tiết kiệm theo đúng tinh thần chỉ đạo của Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ.
Với tinh thần “nhà nhà có Tết, người người có Tết”, dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 cả nước đã hỗ trợ, tặng quà 13,5 triệu lượt đối tượng với tổng kinh phí gần 8.000 tỷ đồng. Trong đó, 3,8 triệu lượt đối tượng bảo trợ xã hội, người cao tuổi, trẻ em nghèo có hoàn cảnh khó khăn được hỗ trợ, tặng quà Tết với tổng kinh phí gần 2.600 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, nhờ triển khai các giải pháp đồng bộ, trong đó có việc tiếp tục thực hiện Nghị định số 168/2024/NĐ-CP ngày 26-12-2024 của Chính phủ (quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ; trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe) đã giúp an toàn, trật tự giao thông được bảo đảm hơn. Toàn quốc xảy ra 411 vụ tai nạn giao thông, làm chết 191 người, 354 người bị thương, giảm từ 38% đến 40% số vụ, số người chết và bị thương do tai nạn giao thông so với cùng kỳ Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024.
Tuy nhiên, thế giới vừa bước vào năm 2025 chưa được bao lâu thì những khó khăn thách thức đã diễn biến ngày càng khó lường, tác động trực tiếp tới nước ta, nhất là khả năng xảy ra chiến tranh thương mại thế giới. Trong bối cảnh đó, việc hiện thực hóa quyết tâm của Chính phủ với tinh thần “chỉ bàn làm, không bàn lùi” là yêu cầu cấp thiết với các bộ, ngành, địa phương hiện nay.
Trên tinh thần đó, trong phiên họp giữa Thường trực Chính phủ với các bộ, ngành đánh giá tình hình Tết và triển khai nhiệm vụ trọng tâm sau Tết (ngày 3-2) và phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1-2025 (ngày 5-2), Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương tiếp tục phấn đấu với tinh thần tư tưởng phải thông, quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả, làm việc nào ra việc đó, mang lại hiệu quả, sản phẩm cụ thể.
Để hoàn thành được các mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm đề ra trong năm nay, trước mắt, các bộ, ngành và các địa phương cần tập trung cao độ hoàn thành các dự án hạ tầng chiến lược đang triển khai và chuẩn bị tốt việc triển khai các dự án hạ tầng lớn trong thời gian tới như các dự án đường sắt, nhà máy điện hạt nhân…
Cùng với đó, các bộ, ngành, địa phương cần tập trung đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công ngay từ ngày đầu, tháng đầu, quý đầu của năm 2025, nhất là các chương trình, dự án, công trình quan trọng quốc gia, các Chương trình mục tiêu quốc gia; lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư, tăng cường hợp tác công tư. Trong đó, đề cao trách nhiệm người đứng đầu, khắc phục các hạn chế, bất cập, quyết liệt tháo gỡ khó khăn vướng mắc đối với từng dự án.
Đặc biệt, có chế tài xử lý nghiêm, kịp thời đối với các hành vi tham nhũng, tiêu cực, gây cản trở, làm chậm tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Trong đó, tập trung xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026-2030; bố trí vốn tập trung, trọng tâm, trọng điểm, kiên quyết không dàn trải, manh mún, bảo đảm tổng số dự án nguồn ngân sách trung ương giai đoạn 2026-2030 không quá 3.000 dự án (cả dự án chuyển tiếp và dự án mới)…
Với phương châm “chỉ bàn làm, không bàn lùi” và tinh thần phân công "5 rõ" (rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ tiến độ, rõ sản phẩm), chúng ta hoàn toàn có thể hoàn thành những mục tiêu đề ra trong năm 2025 - năm quan trọng để đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới.