Văn hóa

Tin tức đặc biệt trên báo in Hànộimới ngày 6-2-2025

Thư Ký 06/02/2025 05:55

Hà Nội cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ: Đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch chi tiết; Lừa đảo trực tuyến và tấn công mạng: Cần biện pháp ứng phó hiệu quả hơn; Giám sát chặt dịch bệnh sau Tết; Nhặt “sạn” trong lễ đền, chùa đầu Xuân; Thị trường ô tô đã qua sử dụng: Năm mới dễ tìm xe cũ; Phát huy tính Đảng trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa... là những thông tin đáng chú ý trên Báo Hànộimới số ra ngày 6-2-2025.

Hà Nội cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ: Đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch chi tiết

khu-tap-the-cu-thanh-cong-quan-ba-dinh-.-anh-nguyen-quang.jpg
Khu tập thể cũ Thành Công (quận Ba Đình). Ảnh: Nguyễn Quang

Ngay từ những tháng đầu tiên của năm 2025, theo chỉ đạo của UBND thành phố Hà Nội, hàng loạt khu chung cư cũ trên địa bàn thành phố Hà Nội sẽ phải trình phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500. Đây là cơ sở để triển khai các nội dung tiếp theo theo quy trình cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn Thủ đô.

Nhằm đạt tiến độ đặt ra trong năm 2025, Phó Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Nguyễn Bá Nguyên cho biết, sẽ tiếp tục đôn đốc, nắm bắt tiến độ, tình hình triển khai cũng như các khó khăn, vướng mắc trong quá trình UBND các quận, huyện, thị xã triển khai thực hiện để tổng hợp, báo cáo, đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch chi tiết các khu chung cư cũ theo đúng chỉ đạo của UBND thành phố.

Lừa đảo trực tuyến và tấn công mạng: Cần biện pháp ứng phó hiệu quả hơn

van-hanh-he-thong-giam-sat-an-ninh-mang-cua-viettel-giup-bao-ve-an-toan-thong-tin-cho-khach-hang.-anh-duc-tho.jpg
Vận hành hệ thống giám sát an ninh mạng của Viettel giúp bảo vệ an toàn thông tin cho khách hàng. Ảnh: Đức Thọ

Sự phát triển bùng nổ của các công nghệ mới liên tục được tội phạm mạng sử dụng để tấn công mạng và lừa đảo người dùng. Do vậy, các chuyên gia cảnh báo trong năm 2025, Việt Nam sẽ tiếp tục đối mặt với những thách thức lớn về an ninh mạng, cần những biện pháp ứng phó hiệu quả hơn...

Theo Hiệp hội An ninh mạng quốc gia, các cơ quan, doanh nghiệp đã quan tâm đến đầu tư cho sản phẩm, giải pháp công nghệ, tích cực đào tạo nâng cao nhận thức và triển khai, chuẩn hóa quy trình bảo đảm an ninh mạng.

Tuy nhiên, để bảo đảm an ninh mạng không thể thiếu các giải pháp công nghệ, trong khi tỷ lệ trang bị các giải pháp an ninh mạng tại Việt Nam mặc dù có chuyển biến, song vẫn còn khá xa với yêu cầu thực tế.

Giám sát chặt dịch bệnh sau Tết

tiem-vac-xin-phong-chong-dich-benh-mua-dong-xuan-cho-tre-tai-he-thong-tiem-chung-vnvc..jpg
Tiêm vắc xin phòng, chống dịch bệnh mùa đông - xuân cho trẻ tại Hệ thống tiêm chủng VNVC.

Theo quy luật, sau Tết, thời tiết chuyển từ mùa đông sang mùa xuân với nhiều thay đổi về nhiệt độ, độ ẩm cùng với nhu cầu đi lại, tham gia lễ hội đầu năm tăng cao, tạo điều kiện thuận lợi cho các dịch bệnh truyền nhiễm, như: Sởi, sốt xuất huyết, tay chân miệng, cúm, thủy đậu, ho gà… phát sinh và lây nhiễm. Thực tế này đòi hỏi các biện pháp phòng, chống dịch bệnh mùa đông - xuân cần tiếp tục được triển khai đồng bộ và quyết liệt.

Về tình hình dịch bệnh trong năm 2025, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) Nguyễn Lương Tâm nhận định, sốt xuất huyết, sởi, tay chân miệng vẫn là thách thức lớn, đòi hỏi phải có phương án dự phòng và đáp ứng nhanh, quyết liệt. Đặc biệt, với bệnh sởi, các bệnh lây truyền qua đường hô hấp, các bệnh viện cần phân tuyến, phân luồng sàng lọc ca bệnh ngay khi nhập viện, kiểm soát nhiễm khuẩn, hạn chế tối đa lây nhiễm chéo.

Nhặt “sạn” trong lễ đền, chùa đầu Xuân

khong-gian-yen-tinh-thanh-binh-tai-khu-vuon-tuong-o-chua-bang-quan-hoang-mai-..jpg
Không gian yên tĩnh, thanh bình tại khu vườn tượng ở chùa Bằng (quận Hoàng Mai).

Lễ đền, đình, chùa, phủ đầu Xuân là nét đẹp văn hóa ngàn đời của người dân đất Việt nói chung, người Hà Nội nói riêng, để cầu mong một năm mới bình an, vạn sự tốt lành. Thực tế, đa phần người dân ngày càng có trách nhiệm và văn minh hơn trong hoạt động tâm linh này. Tuy nhiên, ở một số nơi vẫn còn nhiều “sạn” cả ở khâu tổ chức cũng như ý thức của người dân.

Một điểm chung ở hầu hết cơ sở thờ tự là việc rải tiền lẻ trên khắp các ban thờ trong đình, đền, chùa. Dù trước ban thờ nào cũng bố trí hòm công đức, nhưng ít người để tiền lễ vào đó, mà tìm cách cài trên những bình hoa, rải trên mặt ban thờ..., khiến cơ sở thờ tự phải sắp đặt người thu gom, nhặt tiền lẻ đưa vào hòm công đức...

Nói về việc đốt tiền, vàng mã, thầy Thích Đàm Xuyến khẳng định, đạo Phật không dạy bảo việc đốt vàng mã... Đây là việc làm gây lãng phí lớn và ô nhiễm môi trường. Nhà chùa đã phải mất nhiều thời gian để tạo nếp không thắp hương bừa bãi, không đốt tiền, vàng như hiện nay.

Thị trường ô tô đã qua sử dụng: Năm mới dễ tìm xe cũ

kiem-tra-chat-luong-o-to-da-qua-su-dung-tai-mot-cua-hang-mua-ban-o-to-o-quan-bac-tu-liem..jpg
Kiểm tra chất lượng ô tô đã qua sử dụng tại một cửa hàng mua bán ô tô ở quận Bắc Từ Liêm.

Sau năm 2024 với nhiều biến động, thị trường ô tô đã qua sử dụng đang ở trạng thái cung vượt cầu, mang đến cho người tiêu dùng nhiều cơ hội sở hữu phương tiện che mưa nắng “ngon, bổ, rẻ”.

Chính sách giảm lệ phí trước bạ 50% cho xe lắp ráp trong nước những tháng cuối năm 2024 tác động mạnh tới nhu cầu mua sắm ô tô, khiến sự quan tâm dành cho xe cũ giảm.

Dù vậy, đầu năm 2025 vẫn là thời điểm lý tưởng để mua xe cũ. Anh Đoàn Anh Dũng (Cầu Giấy, Hà Nội), chuyên gia lâu năm trong lĩnh vực xe đã qua sử dụng, cho rằng, đây là giai đoạn nhiều salon bán xe đã qua sử dụng đang tích cực điều chỉnh giá bán tốt hơn để xả hàng cắt lỗ sau nhiều quý tồn xe do sức mua giảm.

Phát huy tính Đảng trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa

tien-si-chu-manh-hung-bi-thu-dang-uy-chu-tich-hoi-dong-truong-dai-hoc-luat-ha-noi..jpg
Tiến sĩ Chu Mạnh Hùng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Luật Hà Nội.

Để góp phần đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, Tiến sĩ Chu Mạnh Hùng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Luật Hà Nội cho rằng, việc hoàn thiện hệ thống pháp luật với tính chất là công cụ tạo ra sự “đột phá” như khẳng định trong Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng là yêu cầu cấp thiết.

Trên cơ sở kế thừa những kết quả đạt được và đáp ứng yêu cầu của bối cảnh mới, cần thiết phải có tư duy và hoạt động mới về xây dựng và tổ chức thực hiện pháp luật nhằm xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Đất nước sắp bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Vì vậy, toàn bộ hệ thống chính trị tiếp tục phải được đổi mới để theo kịp sự vận động của thực tiễn, phát huy nguồn lực và động lực để phát triển đất nước.