"Biển người" chen chân tại chợ Viềng "mua may, bán rủi" đầu năm
Chợ Viềng đã hình thành từ lâu đời, bày bán các sản phẩm gắn liền với đời sống của cư dân nông nghiệp như dao, liềm, cuốc, xẻng, nơm, đó... và các loại cây cối.
Đã thành thông lệ, cứ vào ngày mùng 7 và mùng 8 tháng Giêng Âm lịch, người dân tại tỉnh Nam Định lại tổ chức chợ Viềng với mục đích “mua may, bán rủi”.
Đây là một nét đẹp văn hóa, thể hiện niềm tin, ước vọng của người dân về một năm mới tốt lành. Đông đảo người dân địa phương và các tỉnh, thành lân cận đã nô nức tham gia tạo nên không khí rộn ràng những ngày đầu xuân.
Tại Nam Định có 2 chợ Viềng nổi tiếng là chợ Viềng Chùa tại huyện Nam Trực gắn liền với Chùa Đại Bi và chợ Viềng Phủ tại huyện Vụ Bản gắn liền với quần thể di tích Phủ Dầy.
Chợ Viềng đã hình thành từ lâu đời, những năm trước đây bày bán các sản phẩm gắn liền với đời sống của cư dân nông nghiệp như dao, liềm, cuốc, xẻng, nơm, đó... và các loại cây cối.
Những năm gần đây khi xã hội ngày càng phát triển, chợ Viềng dần bày bán đầy đủ mọi thứ để phục vụ nhu cầu của người dân, nhưng các sản phẩm của đời sống “tam nông” vẫn chiếm phần lớn trong các gian hàng tại chợ.
Chiều tối 4-2 (mùng 7 tháng Giêng Âm lịch), thời tiết tại tỉnh Nam Định se lạnh, trời tạnh ráo phù hợp cho những chuyến xuất hành đầu năm mới.
Ngay từ 18h, đường vào khu vực chợ Viềng từ xã Trung Thành kéo dài khoảng 6km đến xã Kim Thái, huyện Vụ Bản đã chật cứng các loại phương tiện, người dân phải nhích từng bước để tiến vào khu vực họp chợ. Càng về đêm, lượng người đi chợ càng đông, những tiếng cười nói, trao đổi, mua bán làm không khí của phiên chợ ngày xuân thêm đông vui, tấp nập.
Tại chợ Viềng, các gian hàng bày bán các loại cây cảnh như cây sung, cây xanh, cây hải đường, cây trà cho đến các loại cây ăn quả như mít, hồng xiêm, táo..., nhận được sự quan tâm của phần lớn khách khi đến chợ. Nhiều người chọn mua một số loại cây phù hợp với gia đình để lấy may dịp đầu xuân năm mới.
Cầm trên tay chậu cây kim tiền, anh Nguyễn Hữu Huấn, xã Yên Đồng, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định chia sẻ, loại cây này có cái tên rất hay, mang ý nghĩa tài lộc, giàu sang. Hơn nữa, việc chăm sóc cây cũng khá đơn giản, chỉ cần tưới nước đều đặn là cây sẽ phát triển. Năm nay, anh quyết định mua cây kim tiền về trồng với hy vọng mua được nhiều may mắn về nhà.
Các gian hàng bán cây cối tại chợ Viềng phần lớn là của người dân địa phương và một số tỉnh lân cận tự trồng, ươm giống được, mang đi bán để lấy may nên giá cả cũng phải chăng.
Ông Đoàn Xuân Công, xã Nam Điền, huyện Nam Trực cho biết, gia đình bày bán cây tại đây từ sáng mùng 6 tháng Giêng. Ngay từ chiều mùng 6 Tết đã có rất đông người đến chợ, người mua cây cũng nhiều. Hiện, gia đình đã bán được 2/3 số cây, hy vọng đến sáng mai sẽ bán được hết hàng.
Bên cạnh các gian hàng bán cây thì các gian hàng bày bán những kỷ vật nghề nông như rọ đựng cá, nơm bắt cá, thúng, mủng... hay các gian hàng bày bán đồ cổ, giả cổ cũng thu hút được đông đảo người dân, du khách tham quan và mua về làm kỷ niệm.
Đặc biệt, chợ Viềng có rất nhiều gian hàng bày bán thịt bò thui, món đặc sản không thể thiếu của phiên chợ. Thịt bò tại đây có mùi vị thơm, ngon nên được khách hàng ưa chuộng.
Theo các tài liệu lịch sử, sở dĩ thịt bò nổi danh ở chợ Viềng là do gắn liền với truyền thuyết mẫu Liễu Hạnh ở Phủ Dầy. Trong một số văn bia ở Phủ Dầy có ghi: Ngày mồng 3 tháng 3 hoặc mồng 4 tháng 3 đều dùng hai mâm xôi (mỗi mâm 10 đấu gạo), một buồng cau to, hai vò rượu và đặc biệt là một con bò thui để cúng Thánh.
Do đó, ngoài việc tới chợ Viềng, nhiều du khách cũng ghé thăm các đình, phủ, chùa, lăng trong quần thể khu di tích Phủ Dầy để tham quan, vãn cảnh dịp đầu xuân.
Những năm gần đây, giao thông đi lại thuận tiện nên nhiều du khách ở Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh... dễ dàng đến với chợ Viềng.
Để đảm bảo an toàn cho người dân, du khách đến chợ Viềng vui xuân, Công an tỉnh Nam Định đã xây dựng kế hoạch phân luồng, đảm bảo trật tự an toàn giao thông, huy động trên 300 cán bộ, chiến sĩ chia làm 38 chốt để điều tiết giao thông, thực hiện tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, lối vào chợ Viềng.
Ông Đỗ Văn Kỳ, Phó Chủ tịch UBND huyện Vụ Bản, Trưởng ban Chỉ đạo hội chợ Viềng Xuân cho biết, Ban tổ chức đã quy định cụ thể từng khu vực kinh doanh, dịch vụ trong chợ, lên phương án đảm bảo an ninh, phòng, chống cháy nổ, đồng thời tăng cường các tổ an ninh tiến hành tuần tra giải quyết, xử lý các tệ nạn hành khất, cờ bạc, trộm cắp, đổi tiền lẻ, kinh doanh hàng cấm, trò chơi kiếm tiền bất hợp pháp trong thời gian diễn ra chợ Viềng./.