Câu chuyện âm nhạc: Ca khúc thể hiện khát vọng hòa bình của người Hà Nội
Giải trí - Ngày đăng : 07:15, 08/01/2023
Nhạc sĩ Vĩnh Cát từng tâm sự: Năm 1964, nhân kỷ niệm 10 năm Ngày giải phóng Thủ đô, ông đã sáng tác ca khúc này. Cảm hứng trong ông lúc đó là niềm tự hào về Hà Nội, về truyền thống cách mạng của Thủ đô, nhưng sau này ông bỗng “giật mình” khi bài hát như muốn nói về trận “Điện Biên Phủ trên không” diễn ra vào 8 năm sau đó (năm 1972): “Hà Nội, Điện Biên tầm cao ý chí” như một dự báo lịch sử.
Với giai điệu trữ tình, ca khúc thể hiện khát vọng hòa bình từ ngàn năm nay của người dân Hà Nội: “Nơi đây bốn mùa xanh biếc hàng cây/ Quanh năm trời xanh xanh thắm/ Nắng tràn đường phố đông vui rộn ràng/ Tháp Rùa hồ Gươm soi bóng/ Tây Hồ nằm nghe tiếng sóng/ Hồng Hà reo đời vui”.
Nhạc sĩ Vĩnh Cát sinh năm 1934, quê ở huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên, sống ở Hà Nội từ nhỏ. Trong kháng chiến, ông tham gia Đoàn thiếu nhi nghệ thuật do nhạc sĩ Lưu Hữu Phước phụ trách và sáng tác âm nhạc từ rất sớm với các ca khúc “Nhớ Bác Hồ”, “Việt Bắc”.
Ông học khóa I Trường Âm nhạc Việt Nam, học sau đại học tại Liên Xô (cũ), từng làm Phó Giám đốc Nhạc viện Hà Nội, Giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin Hà Nội, là giám đốc đầu tiên của Trung tâm Hoạt động văn hóa, khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám, được nhà nước phong học hàm Phó Giáo sư năm 1991.
Ông được biết đến với các tác phẩm “Sa Pa thành phố trong sương”, “Vườn nhãn quê hương”… Riêng với Hà Nội, ông dành tình cảm sáng tác khá nhiều: “Gửi bạn Thủ đô” (1950); “Hà Nội của ta” (1964); “Hà Nội Thủ đô ta đó” (1967); “Ngôi sao Hà Nội” (1986); “Thuở ấy tình yêu” (1994); “Hà Nội vào thu” (1995)… Ông còn nổi tiếng với các tác phẩm thính phòng, giao hưởng và kịch hát…
Năm nay đã gần 90 tuổi nhưng Phó Giáo sư, nhạc sĩ Vĩnh Cát vẫn luôn lạc quan và ông khiêm tốn tự nhận mình là “ngôi sao không tên” âm thầm tỏa sáng trên bầu trời Hà Nội như chính ca từ trong bài hát “Ngôi sao Hà Nội” rất nổi tiếng của ông.