"Vụ nổ lớn" chăng?
Mới đây, không những chỉ có giới nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo mà cả chính trị thế giới cũng bị rúng động bởi thông cáo của Hãng DeepSeek của Trung Quốc về sự ra đời của ứng dụng trí tuệ nhân tạo R1 của hãng này.
Trước thời điểm thông cáo, cái tên "DeepSeek" gần như chưa từng được đề cập đến trên thế giới. Nhưng sau đấy, câu hỏi được đặt ra là phải chăng đã xảy ra cái gọi là "Vụ nổ lớn" trong thế giới liên quan đến trí tuệ nhân tạo.
Nếu những thông tin liên quan đến ứng dụng DeepSeek R1 được hãng này công bố là thật thì đúng là đã xảy ra "Vụ nổ lớn" thật bởi từ nay thế giới phải nhìn bằng con mắt khác trước về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo. Và hơn nữa, thành tựu này của Hãng DeepSeek của Trung Quốc có tác động rất mạnh mẽ, sâu rộng tới tương lai của việc nghiên cứu, phát triển, ứng dụng trí tuệ nhân tạo, tới chính trị thế giới và quan hệ quốc tế.
Lý do ẩn hiện trên ba phương diện. Thứ nhất, chi phí mà Hãng DeepSeek đã bỏ ra để có được ứng dụng DeepSeek R1 - ứng dụng trí tuệ nhân tạo đầu tiên của hãng này, quá nhỏ bé so với những khoản tiền khổng lồ mà các tập đoàn lớn như OpenAI, Microsoft hay Meta đã chi ra để có được những ứng dụng trí tuệ nhân tạo của họ. Theo Hãng DeepSeek, tổng chi phí cho ứng dụng DeepSeek R1 chỉ khoảng 5,6 triệu USD, rẻ hơn 95% so với ứng dụng ChatGPT của Hãng OpenAI. Như thế có nghĩa là doanh nghiệp nhỏ với ngân sách nhỏ chứ không nhất thiết phải là tập đoàn lớn với ngân sách lớn mới có thể nghiên cứu, phát triển và tạo nên ứng dụng trí tuệ nhân tạo.
Thứ hai, Hãng DeepSeek mở mã nguồn chế tạo nên bên ngoài có thể vừa kiểm chứng, vừa có thể sao chép hoặc tham khảo. Như thế có nghĩa nhiều hãng khác được mở đường, khích lệ và có tiền đề thuận lợi để nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo.
Thứ ba, DeepSeek là một doanh nghiệp của Trung Quốc. Hãng này thành công có nghĩa là Trung Quốc thành công và Mỹ hay các nước phát triển khác bị mất thế độc quyền và bị cạnh tranh quyết liệt trên lĩnh vực trí tuệ nhân tạo nói riêng cũng như về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo nói chung. Thời của trí tuệ nhân tạo mới chỉ bắt đầu đối với nhân loại và cuộc ganh đua về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo sẽ đóng vai trò quyết định tới sự phân vai, xếp hạng giữa các nền kinh tế trên thế giới về sức mạnh và tiềm lực.
Cho nên, không có gì là khó hiểu khi Mỹ và nhiều quốc gia thành viên khác trong khối phương Tây ngay lập tức như thể bị báo động. Đã có quốc gia phương Tây ngăn chặn ứng dụng của DeepSeek.
Tổng thống Mỹ Donald Trump chưa hết hân hoan về dự án Stargate liên minh các tập đoàn công nghệ lớn của Mỹ để phát triển trí tuệ nhân tạo đã phải vội vã trao đổi, tham vấn với các hãng lớn này về DeepSeek của Trung Quốc. Rồi đây, họ chắc chắn sẽ tìm mọi cách để kiềm chế DeepSeek và ngăn cản Trung Quốc trở thành cường quốc thế giới về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo.
Nếu Hãng DeepSeek của Trung Quốc hiện chưa tạo nên hiệu ứng như của "Vụ nổ lớn" trên lĩnh vực trí tuệ nhân tạo thì cũng đã phát đi tín hiệu đầu tiên về việc vụ nổ lớn này sớm muộn rồi cũng xảy ra. Điều đó thể hiện chắc chắn được nhờ DeepSeek là không ai có thể độc quyền về nghiên cứu, phát triển và chế tạo ứng dụng trí tuệ nhân tạo.
Xem ra, không thể ngẫu nhiên mà ứng dụng DeepSeek R1 được khai sinh đúng vào ngày ông Donald Trump chính thức trở lại trị vì nước Mỹ.