Dấu ấn công nghiệp văn hóa Thủ đô
Là trung tâm sáng tạo lớn nhất cả nước, Hà Nội đang đi đầu trong phát triển công nghiệp văn hóa.
Nhiều sản phẩm văn hóa, du lịch mang đậm bản sắc, tinh thần Việt tạo sức hút lớn và trở thành những mô hình mang tính tiên phong cho công nghiệp văn hóa Việt Nam.
Hồn dân tộc trong sáng tạo mới
Chương trình “Anh trai vượt ngàn chông gai” gây sức hút lớn với công chúng, trở thành một trong hai chương trình truyền hình có sức ảnh hưởng lớn đến thị hiếu giải trí của người dân trong năm 2024. Không chỉ bùng nổ trên sóng truyền hình, các đêm diễn trực tiếp của chương trình tại khu vực Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh đều “cháy vé”, thu hút hàng vạn khán giả đến xem.
Có lẽ đã lâu rồi, kể từ sau sự kiện nhóm ca sĩ Hàn Quốc BlackPink đến biểu diễn năm 2023, người Hà Nội mới có cảm giác chờ đợi, “săn vé” như vậy. Họ xếp hàng nhiều giờ để được thưởng thức đêm diễn trong tiết trời giá lạnh. Điều tạo nên dấu ấn của chương trình này là hàng loạt ca khúc mang âm hưởng dân gian truyền thống, như "Đào liễu", "Dạ cổ hoài lang", điệu Trống quân... được các nghệ sĩ sáng tạo theo phong cách dân gian đương đại trẻ trung và tươi mới, đưa nghệ thuật dân tộc đến gần hơn với công chúng, khẳng định sức sống trong đời sống đương đại.
Nói về dấu ấn công nghiệp văn hóa Thủ đô trong thời gian qua, không thể không nhắc tới Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội năm 2024, diễn ra vào tháng 11, thu hút hơn 300.000 lượt khách - con số kỷ lục về lượng du khách tham gia một lễ hội văn hóa ở Hà Nội. Ấn tượng về lễ hội này không chỉ là cộng đồng sáng tạo tham gia với quy mô lớn nhất từ trước đến nay - hơn 500 người, mà còn là sự bùng nổ sức sáng tạo mang tinh thần Việt Nam trong giới trẻ. Ít người biết rằng, lễ khai mạc chương trình với đa số là tiết mục dân gian như quan họ, chèo kết hợp với âm nhạc dân gian đương đại cùng hoạt động diễu hành trên đường phố là do chàng trai 9x - Nguyễn Quốc Hoàng Anh làm Tổng đạo diễn.
Nói về ý tưởng sáng tạo dựa trên “chất liệu” văn hóa truyền thống, Hoàng Anh chia sẻ: “Tôi muốn thể hiện tình yêu văn hóa truyền thống qua lăng kính của người trẻ. Ở đó, khán giả có thể thấy chất liệu dân tộc vẫn giữ nguyên hồn cốt nhưng được thể hiện theo cách mới lạ. Đó là cách giữ gìn và phát huy di sản hiệu quả, góp phần phát triển công nghiệp văn hóa Thủ đô”.
Biểu diễn thời trang trên nền nhạc hát văn tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, diễu hành cổ phục Việt dọc các tuyến phố cổ Hà Nội... để duy trì sự hiện diện mang tính xuyên suốt của vốn cổ, của tinh thần Việt, bản sắc Việt - bằng cách này giới sáng tạo trẻ đã chứng minh rằng văn hóa truyền thống có sức ảnh hưởng lớn đến thế nào trong đời sống đương đại.
Sau 5 năm tham gia Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO, Hà Nội luôn nỗ lực triển khai các sáng kiến, giải pháp phát huy tiềm năng sáng tạo, coi đó là nguồn lực phát triển không thể thiếu. Đến nay, Thủ đô có gần 200 không gian sáng tạo, trong đó có những không gian mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam, để lại dấu ấn mạnh mẽ cho người dân và du khách. Nhiều di tích nổi tiếng trở thành không gian sáng tạo với sản phẩm có sức hút mạnh mẽ, như di tích Nhà tù Hỏa Lò là nơi khởi nguồn cho hoạt động du lịch đêm với chương trình nổi bật “Đêm thiêng liêng”; Văn Miếu - Quốc Tử Giám, cái nôi của đạo học trở thành không gian sáng tạo, làm nền cho những hoạt động văn hóa truyền thống có tính thời đại mà điểm nhấn là tour đêm “Tinh hoa đạo học”...
Thủ đô hiện có hơn 20 sản phẩm du lịch đêm. Mới đây, Sở Du lịch Hà Nội và UBND quận Ba Đình giới thiệu dự án "Tuyến tàu điện số 6 - Toa Bao cấp: Bếp - Chạn - Mâm", đưa người dân và du khách trở về với một Hà Nội thời gian khó nhưng rất đỗi tự hào. Đó là một không gian đầy tính hoài niệm về văn hóa, ẩm thực, lối sống Hà Nội một thời mà ai cũng muốn tìm hiểu. Theo cách lý giải của Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang, sức hút đó được tạo ra khi sản phẩm du lịch hàm chứa câu chuyện văn hóa giàu bản sắc.
Bản sắc văn hóa trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc
Những năm qua, công nghiệp văn hóa Việt Nam có sự khởi sắc rõ nét. Sự đột khởi dường như đã đến vào năm 2024 khi "Công nghiệp văn hóa đột phá với các chương trình có tầm vóc, sức thu hút và hiệu ứng xã hội lớn" đã được bình chọn là 1 trong 10 sự kiện Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiêu biểu của năm. Là một trung tâm sáng tạo lớn của cả nước, Hà Nội đi tiên phong trong việc phát triển công nghiệp văn hóa, tạo dựng những mô hình đậm đà bản sắc văn hóa Việt Nam.
Khi đất nước bước vào “kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình”, hơn lúc nào hết, sức mạnh văn hóa, bản sắc dân tộc và tinh thần Việt càng cần được nêu cao. Đó là linh hồn, yếu tố cốt lõi, và là nền tảng cho sự phát triển bền vững. Tại Hà Nội, công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Thành ủy, UBND và các cấp chính quyền đều làm rõ yếu tố then chốt khi phát triển công nghiệp văn hóa, đó là phát huy giá trị di sản, giữ gìn bản sắc kết hợp với sức sáng tạo mang hơi thở thời đại. Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 22-2-2022 của Thành ủy về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” chỉ rõ, Thành phố sẽ triển khai số hóa, kết nối, chia sẻ dữ liệu số đảm bảo phát triển công nghiệp văn hóa có tính liên thông và chuyên nghiệp; đầu tư, phát triển sản phẩm, dịch vụ văn hóa có chất lượng cao, đa dạng, độc đáo, có thương hiệu, mang đậm bản sắc văn hóa Thủ đô. Hà Nội sẽ “tập trung phát triển văn hóa Thủ đô xứng tầm với truyền thống nghìn năm Thăng Long - Hà Nội; xây dựng Hà Nội thực sự là trung tâm hội tụ, kết tinh văn hóa của cả nước, trở thành nguồn lực phát triển mới cho Thủ đô”...
Hà Nội đã định ra phương hướng, kế hoạch dài hạn cho việc phát triển văn hóa dựa trên nền truyền thống, lấy bản sắc Việt, bản sắc Thăng Long - Hà Nội làm nền tảng cho sự phát triển công nghiệp văn hóa. Tinh thần ấy đã được thể hiện trong thực tế, được thực tế chứng minh về tính hiệu quả, như có thể thấy qua hoạt động của các không gian sáng tạo ở Thủ đô, qua sức sáng tạo không ngừng nghỉ của giới trẻ Hà Nội. Trong các đợt kiểm tra việc thực hiện Chương trình 06-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021 - 2025 tại các sở, ngành và một số địa phương trên địa bàn thành phố, Phó Chủ tịch UBND thành phố Vũ Thu Hà đã không ít lần khẳng định rằng, các địa phương cần có sự sáng tạo, đổi mới nhưng vẫn phải giữ được bản sắc, giá trị văn hóa cốt lõi trong xây dựng sản phẩm công nghiệp văn hóa, có như vậy thì mới tạo được sức hút với du khách, tăng nguồn thu từ hoạt động văn hóa.
Việt Nam đang ở vào thời kỳ hội nhập và phát triển mạnh mẽ, văn hóa Việt Nam đứng trước nhiều thời cơ phát triển quan trọng, đòi hỏi những giải pháp, hành động cấp thiết để vươn mình trên trường quốc tế. Nằm trong định hướng phát triển công nghiệp văn hóa chung của cả nước, Hà Nội đang từng ngày nỗ lực đổi mới sáng tạo trên nền tảng truyền thống để khẳng định vị thế của một Thành phố sáng tạo đúng nghĩa.