Văn hóa

Lễ vật trong hội làng mùa xuân

Trần Văn Mỹ 03/02/2025 - 12:41

Hà Nội có tới 1.206 lễ hội, chủ yếu diễn ra vào dịp Tết và mùa xuân.

Hằng năm, sau Tết Nguyên đán ít ngày, từ thành thị đến khắp các làng quê đều mở hội. Như tên gọi, trong các hội làng, hội vùng bao giờ cũng có phần lễ và phần hội. Mở đầu phần lễ, các chức sắc và quan viên tế ở mỗi làng tổ chức trọng thể việc dâng lễ vật lên ban thờ đức Thành hoàng, các vị tổ nghề một cách thành kính. Các lễ vật là những sản phẩm do người nông dân tự làm ra trên đồng đất quê nhà.

lon.jpg
“Ông lợn” - lễ phẩm dâng thành hoàng làng trong lễ hội làng La Phù (Hoài Đức). Ảnh: Internet

Ngay từ đầu năm, sau mỗi dịp lễ hội, người dân làng La Phù, huyện Hoài Đức lại họp để tìm người làm cai đám cho năm sau. Người này được làng giao ruộng cày cấy lấy hoa lợi làm chi phí các khoản trong dịp lễ hội của làng. Đặc biệt, ông cai đám phải nuôi lợn để rước và tế Thành hoàng vào đêm 13 tháng Giêng. Lợn phải là lợn đực thiến, lông đen tuyền, không sứt tai, cụt đuôi lại phàm ăn. Sau đó, ông cai đám phải nhờ một người mát tay, gia đình song toàn, con cái ngoan ngoãn thả lợn vào chuồng. Chủ không bao giờ cho người lạ vào xem vì sợ vía dữ làm cho lợn biếng ăn. Hằng ngày, gia chủ phải thắp hương khấn Thổ công cầu cho gia đình được bình yên, chú lợn trong chuồng mạnh khỏe, không bị ma quỷ quấy nhiễu. Lễ vật cúng Thổ công chỉ có trầu, rượu. Vào ngày rằm có thêm oản quả, xôi thịt.

Lợn rước của làng La Phù, sau khi mổ để nguyên con. Muốn tạo dáng cho lợn khi nằm trên chõng như còn sống, người ta phải lồng vào trong con lợn một cái khung bằng tre uốn cong hình dẻ sườn. Phần còn lại của nội tạng, sau khi luộc chín được xếp vào mâm. Vòng ngoài là vòng dồi, bên trong là tim, thận, lòng non; trên cùng là buồng gan. Sau đó, người ta phủ lá mỡ cơm xôi (phần mỡ quanh dạ dày của lợn, phần này gọi là lớp màng sang) lên mình lợn, từ đầu xuống đến thân tạo nên những đường nét hoa văn đẹp. Việc làm này tượng trưng cho việc mặc áo cho lợn trước khi rước đi cúng thần.

anh-vu-cuong.jpg
Cá sông Tích được dùng làm lễ phẩm dâng thánh trong Lễ hội đền Và (Sơn Tây). Ảnh: Vũ Cường

Lễ vật đầu bảng của cỗ mặn là xôi. Theo nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Đặng Thiêm, "xôi lễ thánh phải là xôi trắng, tinh khôi nếp cái hoa vàng, thơm ngon đệ nhất”. Xôi đồ xong được đơm vào đĩa, đóng oản hoặc đơm vào mâm đồng. Trên mâm xôi có đặt một con gà trống hoặc thủ lợn.

Làng Yên Lộ, xã Yên Nghĩa, huyện Hoài Đức (nay là phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông) trước đây có 6 giáp, mỗi giáp chọn một gia đình lo việc nhà thánh. Ngay từ năm trước, làng giao cho mỗi gia đình cày cấy ruộng công, cấy loại nếp quýt hoa vàng. Khi lúa đã chắc xanh phải lựa cắt hết bông cời. Khi giã phải nhẹ nhàng, chân giậm cần cối đều nhịp chày để gạo sóng tăm tắp. Trước khi đồ xôi phải tãi gạo ra nong nia, dùng đũa vót nhọn gắp bỏ những hạt sạn, hạt tẻ, hạt óc cá, hạt gãy... còn sót. Lại chỉ chọn con trai chưa vợ, con gái chưa chồng, nết na mới được giao việc. Tính riêng công đoạn làm gạo kỹ như thế, có nhà phải nuôi cơm con cháu đến giúp việc nhộn nhịp hằng tuần.

Xôi đồ xong được bày lên mâm rồng sơn son thếp vàng. Mâm tròn đường kính 80cm, có bốn chân cao 60cm, mặt mâm quây như quây cót thóc bằng ba vòng đai sơn đỏ, mỗi đai cao 20cm. Xôi phải đơm đầy 3 đai ấy mới đạt mức khoán.

Tuy nhiên, không giáp nào chịu dừng ở đấy, họ tiếp tục đúc cao cây xôi bằng cách quây những vòng đai mới. Những vòng đai này phải làm bằng tre cật già, cạo sạch tinh, đan lóng hình hoa gấm. Mỗi đai cao 20cm. Người đan phải bắc ghế lên cao dần. Cứ đua tài như thế, cây xôi nào cũng rất to rất nặng, khó bề chuyển dịch. Để khắc phục tình trạng này, các giáp thực hiện công đoạn cuối cùng tại vị trí đặt lễ đã định trước đình. Sau khi bỏ đai tre, giữ lại 3 đai sơn, 6 cây xôi như có phép màu, thoắt hóa thành những cây thiêng với phần đế đỏ óng, phần thân trắng muốt.

Vùng đất thiêng núi Tản sông Đà đã bổ sung cho lễ vật dâng thần vùng Hà Nội ngày càng phong phú. Đó là Hội đánh cá thờ ở đền Và; tiệc bánh trôi ở đền Hát Môn; cháy cơm nếp làng Cổ Đô dâng thành hoàng Vũ Minh; bánh cuốn tôm dâng thần làng Hoàng Xá, thị trấn Vân Đình; gỏi cá cháy tế tổ ở làng chài Vạn Thanh Long... Đặc biệt, có lễ vật dâng Đức thánh Tản Viên tại đền Trung dưới chân núi Ba Vì. Lễ vật của người Mường tại đây có quả đu đủ xanh hái ở rừng để cả vỏ luộc chín bổ ra đặt trên mâm nan có đế, bên cạnh là đĩa muối vừng giã nhỏ. Ngoài ra có thêm củ cọc rào, thứ củ trồng ở vườn nhà.

Đôi khi người Mường còn sắm đồ lễ gọi là cỗ sơn trang. Ấy là những sản vật kiếm được ở rừng như rau thơm, cua, ốc, tôm, cá nướng, cá luộc, thịt thú rừng khô để lễ tạ ở đền Lang Mẫu thờ bà Ma Thị, người cai quản núi Ba Vì và là mẹ nuôi Đức thánh Tản Viên. Thứ nữa phải kể đến xôi nếp cúng thánh ở đền Trung. Đó là loại nếp Mùn, gạo trắng tinh, vo nước suối Tiên, đồ chín xôi nếp Mùn rất dẻo. Các lễ tiết thánh Tản ở đền Trung ít khi vắng thiếu hai thứ bánh: Bánh giầy dẹt đã tròn, lại trắng và bánh chưng chay làm bằng gạo nếp không nhân bọc lá dong cuốn tròn hình thỏi.

Nói về tập tục và các lễ vật dâng cúng thánh Tản, nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Thức cho rằng, những thứ cá cua, củ quả trên rừng, nếp Mùn lốc trên nương là những vật phẩm không thể thiếu và đã ra đời từ thời kỳ săn bắt hái lượm. Còn bánh chưng chay hình thoi, bánh giầy dẹt hình tròn là ước vọng về sự phồn thực, mong cầu cho vạn vật sinh sôi nảy nở và phát triển.

Mỗi lần Tết đến, tôi lại có dịp tìm hiểu đường ăn nét ở của ông bà, càng thương quý và kính trọng những người một nắng hai sương vất vả làm ra hạt lúa củ khoai để nuôi con người. Vượt lên những ý nghĩa vật chất thông thường đó, người dân ở khắp các làng quê đã nâng tầm, gắn với tâm linh làm ra hàng nghìn lễ vật tinh tế để dâng cúng các vị thần trên đất Thăng Long - Hà Nội. Ngày nay, qua bao biến đổi, các thế hệ cháu con vẫn chăm lo gìn giữ, các nhà nghiên cứu đã ghi chép lưu lại cho đời sau.

Từ lâu, một số lễ vật đã trở thành đặc sản, có thể kể tới như bỏng chủ của các làng có chung hội “Bát xã Cổ Loa”, nay đã phát triển thành một nghề. Thông thường, sau hội tháng Giêng, sau khi làm lễ tiến bỏng lên An Dương Vương ở đình Cổ Loa (Đông Anh), việc làm bỏng đem bán ở các chợ của các gia đình mới bắt đầu. Hay như làng Thạch Xá, huyện Thạch Thất thờ Trương Chủng có công giúp Lý Bí đánh đuổi quân nhà Lương dựng nước Vạn Xuân (544), khi dân làng mở hội tưởng niệm vị thành hoàng làng, trong lễ vật thế nào cũng có bánh chè lam. Bánh chè lam Thạch Xá có cách chế biến riêng, giữ được hương vị cổ truyền nên được du khách trẩy hội chùa Hương rất ưa chuộng...