Hành trang bước vào kỷ nguyên mới
Sự vận động của ý thức dân tộc trước tình huống thịnh hay suy bao giờ cũng xoay quanh vấn đề cốt lõi là tìm kiếm một hướng đi, một cách vượt thoát hoàn cảnh cho cả dân tộc. Nhìn lại một số dấu mốc của lịch sử dân tộc sẽ thấy điều đó không phải là ngẫu nhiên, mà mang tính phổ quát.
1. Trước khi quyết định dời đô ra Thăng Long, vua Lý Thái Tổ đã hỏi quần thần về nơi có thể định đô muôn đời. Có thể có người sẽ nói ngài đã quyết định rồi thì việc hỏi chỉ như một phép thử để hiểu lòng quan quân. Dù điều đó có thật thì vấn đề mà đức vua muốn ở đây hẳn là sự đồng thuận trên dưới, vì “Ý trời là thiêng liêng nhưng lòng người lại quyết định sự thành bại”.
Trước cuộc kháng chiến chống quân Nguyên - Mông lần thứ hai, nhà Trần cũng làm một phép thử để thấu hiểu lòng dân trước thế giặc hung hãn. Khi các bô lão thay mặt cho dân chúng hô vang “Xin đánh!”, và Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn khảng khái nói: “Nếu bệ hạ muốn hàng, trước hết xin hãy chém đầu thần đi đã”, thì Thái Thượng hoàng Trần Thánh Tông tin rằng sự đồng lòng của quân dân sẽ là điểm tựa cho chiến thắng. Bởi không gì có thể bẻ gẫy được ý chí của một dân tộc đã kết thành một khối. Nhờ tinh thần ấy mà giặc Nguyên - Mông dù chinh phục khắp Á Âu cũng phải ba lần gục ngã trước quân dân Đại Việt.
GS Trần Văn Giàu từng chia sẻ, suốt đời ông luôn băn khoăn trước hai câu hỏi lớn: Vì sao thời nhà Nguyễn, chỉ có hai trăm quân Pháp mà có thể lấy thành Hà Nội dễ dàng, và vì sao năm 1945 Đảng Cộng sản chỉ có khoảng 5.000 đảng viên mà làm nên cuộc cách mạng long trời lở đất? Sức mạnh nhân dân hay vận nước đã đến? GS Trần Văn Giàu bảo, ông chỉ nghĩ trong lòng thôi, nhưng bằng cảm nhận của người trong cuộc, ông tin rằng, khi biết dựa vào dân, vì dân, người lãnh đạo có thể nhân lên gấp bội sức mạnh dân tộc và chiến thắng kẻ thù hung bạo, mạnh hơn mình nhiều lần. Chân lý giản dị thế thôi.
Chúng ta làm cách mạng giải phóng dân tộc, thắng Pháp, thắng Mỹ khiến nhân loại nể phục nhưng họ không hiểu hết sức mạnh Việt Nam. Chúng ta hiểu rõ vì chúng ta là người trong cuộc. Trong lịch sử Việt Nam, nhiều triều đại đã biết tạo hành trang cho đất nước bước vào thời đại mới bằng sức mạnh tổng hợp, trong đó truyền thống văn hóa - lịch sử, sức mạnh nội sinh là vô cùng quan trọng. Đảng Cộng sản Việt Nam trong cuộc cách mạng dân tộc, dân chủ, giành và giữ độc lập dân tộc đã vận dụng tuyệt vời bài học kinh nghiệm này. Qua mỗi thời kỳ, kho kinh nghiệm ấy lại được đúc kết dày thêm, vừa là tri thức vừa rèn nên bản lĩnh của cộng đồng, trở thành hành trang cho dân tộc hướng về phía trước xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
2. Có người sẽ hỏi: Vậy sức mạnh đó thực sự là gì? Dân tộc nào chả có truyền thống? Người dân nước nào chả yêu quê hương, Tổ quốc mình? Xin vâng, chuyện này không cần bàn cãi, nhưng cách ứng xử của mỗi người trước hoàn cảnh cụ thể sẽ khác. Trần Quốc Tuấn đã gác tình riêng mà hết lòng vì xã tắc, khi ốm nặng đã trăng trối lại với vua Trần rằng kế sách giữ nước là “khoan thư sức dân làm kế sâu rễ bền gốc”, và để làm được điều này thì phải “anh em trên dưới một lòng”.
Nói như nhà văn Nguyễn Đình Thi, nhiều trí thức Nho giáo nước ta đã yêu nước và chết cho đất nước theo giáo lý sách vở. Nhưng rất may Nguyễn Trãi không làm thế. Thời cả nước đánh giặc thì ông nghĩ cách giành lại đất nước từ tay giặc, nhưng trước lúc đuổi giặc để giành lại đất nước phải nghĩ cách giành lại từng người dân, vì có dân mới có thể giành lại nước. Đó là sự minh triết, là tầm nhìn xa thấy rộng, là cách giải quyết vấn đề từ gốc. Với ông, nước mất thì nhà cũng không còn. Ông đứng về phía nhân dân, dân tộc, giống nòi và vì thế ông vượt rất xa những người cùng thời.
3. Thời điểm cách mạng mới thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu vấn đề “Tổ quốc trên hết”, yêu cầu mọi cán bộ phải nghĩ đến việc phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân làm đầu. Người coi mọi người Việt Nam là “đồng bào” và cố gắng cao nhất khơi dậy ở mỗi người ý thức tự tôn dân tộc, lòng yêu nước thương nòi. Chính điều đó đã cảm hóa rất nhiều nhân sĩ, quan lại, nhà tư sản, thân hào và đông đảo nhân dân đứng lên bảo vệ nền độc lập của nước nhà.
GS Phan Ngọc, nhà cách mạng Đào Phan đã khẳng định tư tưởng nhân nghĩa ở Hồ Chí Minh có nguồn gốc sâu xa từ truyền thống nhân nghĩa của dân tộc và cả tinh thần trọng tự do, lòng bác ái mà nhân loại đã chung đúc nên. Không phải ngẫu nhiên mà trong “Di chúc” để lại, Người mong muốn đến ngày đất nước thống nhất sẽ đi khắp thế giới để cảm ơn sự giúp đỡ của nhân loại tiến bộ đã vì nền độc lập của Việt Nam mà không tiếc tiền của, công sức, không sợ bất kỳ một sự đàn áp, khủng bố nào. Chính Hồ Chí Minh, từ khi cuộc chiến đấu của chúng ta chưa thành công đã không ít lần tri ân những tấm lòng vì Việt Nam của bè bạn và khẳng định trong chiến thắng của chúng ta có đóng góp của bạn bè. Tinh thần ấy ở giai đoạn lịch sử mới ngày nay càng cần được phát huy, và trên thực tế Việt Nam muốn làm bạn với tất cả các nước, là đối tác tin cậy của các bên, đó là điểm tựa cho chúng ta hội nhập và phát triển. Vị thế của Việt Nam ngày càng được nâng cao, nhiều nước và các tập đoàn lớn trên thế giới đã chọn nước ta là điểm đến tin cậy để đầu tư lâu dài.
4. Quá trình hội nhập và phát triển trong giai đoạn hiện nay là một nhu cầu tất yếu. Nhưng, để hội nhập thì cần đổi mới. Đổi mới không phải là sự điều chỉnh, cải cách, mà ở nhiều khâu, nhiều việc phải là một cuộc cách mạng. Tổ chức lại bộ máy, định hướng lại mục tiêu và lộ trình phát triển, thay đổi phương thức hành động để đưa đất nước vào thời kỳ phát triển mới. Vừa hội nhập, hợp tác để phát triển, vừa đấu tranh để giữ bản sắc của mình và cũng là để đóng góp cho nhân loại, đó là hướng đi đúng nhưng cũng cần sự thay đổi ở chính mình. Ông cha ta có câu: “Hòa nhi bất chi thù đồng”, chúng ta nói gọn lại là hòa nhập chứ không hòa tan, hội nhập nhưng không đánh mất bản sắc của mình.
Chủ trương là thế, nhưng làm thế nào để công cuộc hội nhập đồng nghĩa với phát triển và hiện đại hóa đất nước, để sánh vai với bạn bè khắp năm châu nhưng ta vẫn giữ được cốt cách của ta? Đó là điều không đơn giản, bởi vấn đề đặt ra là làm thế nào để đuổi kịp nhân loại mà không bị cuốn vào cuộc chơi lớn ấy, để không đánh mất mình.
Lịch sử nhân loại đã để lại nhiều bài học về những thất bại đau đớn của các quốc gia hoặc sự lụi tàn của những nền văn minh trước sự xâm lăng văn hóa, những bẫy phát triển trong quá trình này. GS Phan Ngọc, khi nghiên cứu về tính cách người Việt, đã tổng kết tính uyển chuyển, khả năng thực tiễn của người Việt như một nét trội. Đây không phải là chuyện ngẫu nhiên, mà có căn nguyên từ thực tiễn đời sống ở mọi cấp độ. Quan hệ họ tộc, làng xã, cộng đồng, làng nước suốt chiều dài lịch sử vừa chống xâm lăng, vừa chống thiên tai đã liên tục diễn ra những cuộc soát xét lại chính mình, đổi mới chính mình để tồn tại. Nhưng không phải chỉ có từ thực tiễn. Những tổng kết về kinh nghiệm sống như “nhất nghệ tinh, nhất thân vinh”, “một nghề thì sống, đống nghề thì chết”... nói về việc chọn gì để học, làm gì để vươn lên trong thế giới mênh mông ấy. “Phi trí bất hưng, tôn tài đại thịnh” không chỉ là đúc kết của cá nhân, của một nhà, mà là chuyện của quốc gia. Nhà thơ Nguyễn Khuyến từng dặn con “học hải yếm nghi phù phiếm dật” (bể học mênh mông cốt nhất cần tránh học điều phù phiếm). Không học điều phù phiếm, không làm điều phù phiếm mà phải thấm nhuần trong tinh thần đổi mới của thời đại ngày nay.
Mỗi sự đổi thay đều cần cách nhìn đầy trách nhiệm và tỉnh táo này. Chúng ta bước vào cuộc hội nhập lớn ở thế của người đi sau, nhưng đi sau không phải chỉ có bất lợi mà còn có những lợi thế. Đó là lựa chọn những gì thiết thực nhất, phù hợp nhất, tiên tiến nhất, có triển vọng nhất để học và làm. Xã hội đang chuyển mình, đó là một thực tế. Đổi mới vì dân tộc, vì tương lai giống nòi phải trở thành “kim chỉ nam” cho mọi tư duy, hành động. Cần sự đúng hướng, cần sự đồng lòng, cần những tấm lòng chung tay vì một nước Việt phồn thịnh, nhân dân hạnh phúc. Đó là hành trang để chúng ta cùng nắm tay nhau bước vào kỷ nguyên mới.