Tổng thống Litva đề nghị NATO "thể hiện sức mạnh" trước mối đe dọa từ phía Đông
Hãng tin RT của Nga đưa tin, Tổng thống Litva Gitanas Nauseda đã đề nghị NATO và Liên minh châu Âu (EU) cần thể hiện sức mạnh, triển khai quân đến vùng biển Baltic.
Theo đó, Tổng thống Litva cho rằng, NATO nên tăng cường sự hiện diện của mình ở biển Baltic để ngăn chặn các bên liên quan tiến hành các hoạt động gây phương hại. Tuyên bố trên của ông Gitanas Nauseda được đưa ra sau một loạt sự cố liên quan “vụ việc bí ẩn” liên quan đến cáp ngầm tại khu vực này.
“NATO và EU nên có trách nhiệm hơn trong việc đánh giá (tình hình) biển Baltic, tăng cường năng lực hàng hải để ngăn chặn những sự cố như vậy trong tương lai”, ông Nauseda đã đề cập trong một cuộc phỏng vấn với hãng tin AP vào cuối tuần qua. Tổng thống Litva cũng cho rằng, đã đến lúc khối quân sự NATO do Mỹ đứng đầu cần thể hiện sức mạnh.
Theo AP, tổng cộng có 11 sự cố liên quan đến hư hỏng cáp ngầm đã được ghi nhận kể từ tháng 10-2023. Vụ việc mới nhất được Latvia báo cáo cách đây hơn 1 tuần. Các quan chức Litva tuyên bố rằng, một tuyến cáp quang kết nối quốc gia này với đảo Gotland của Thụy Điển đã bị hư hỏng và nhiều khả năng là do nguyên nhân từ bên ngoài.
Sau tuyên bố ban đầu của Latvia về thiệt hại, phía Thụy Điển đã bắt giữ một tàu liên quan đến hành động được gọi là "phá hoại nghiêm trọng". Một tàu khác chở thủy thủ đoàn người Nga đã bị bắt giữ tại Na Uy với cáo buộc rằng tàu này có thể có liên quan đến vụ việc, nhưng đã được thả ngay sau đó.
Tờ Washington Post trích dẫn nguồn tin tình báo phương Tây đưa tin rằng, thiệt hại đối với cơ sở hạ tầng biển Baltic có thể là hậu quả của các vụ tai nạn hàng hải liên quan đến tàu thuyền bảo dưỡng kém và thủy thủ đoàn thiếu kinh nghiệm, mà không phải là hành động phá hoại.
Trong cuộc phỏng vấn với AP, ông Nauseda khẳng định rằng, khu vực này không thể được đảm bảo an ninh vì mối đe dọa thường trực do phía Nga gây ra. "Bạn không bao giờ có thể cảm thấy an toàn khi sống ở khu vực này của thế giới, vì chúng ta có nước láng giềng này, và chúng ta vẫn sẽ có nó sau 100 hoặc 200 năm nữa", ông tuyên bố, đồng thời nói thêm rằng "luôn có mối đe dọa từ phía Đông".
Gần đây, NATO cũng đã tăng cường sự hiện diện của mình ở vùng Baltic để ứng phó với những gì được gọi là "các cuộc tấn công vào cơ sở hạ tầng quan trọng". Vào giữa tháng 1, NATO đã công bố một chiến dịch có tên Baltic Sentry, bao gồm các cuộc tuần tra tăng cường trong khu vực với sự tham gia của các tàu hộ vệ, máy bay và thiết bị không người lái của hải quân nhằm cung cấp, tăng lượng "năng lực giám sát và răn đe tăng cường".
Vào tháng 12-2024, NATO cũng đã tổ chức các cuộc tập trận lớn ở phía Bắc Estonia, được coi là khu vực "trước cửa nhà" của Nga. Trong đó, cuộc tập trận Pikne (Tia chớp) kéo dài 2 tuần này có sự tham gia của khoảng 2.000 quân từ Estonia, Latvia, Mỹ, Anh và Pháp.
Về phía Nga, nước này đã nhiều lần nhấn mạnh rằng, không có ý định tấn công bất kỳ thành viên NATO nào. Moskva cũng đã cảnh báo rằng, bất kỳ cuộc đối đầu trực tiếp nào giữa Nga và khối quân sự NATO do Mỹ lãnh đạo đều có thể leo thang thành một cuộc xung đột hạt nhân.
Vừa qua, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Aleksandr Grushko cho biết, Moskva sẽ không để NATO biến khu vực biển Baltic thành "hồ nước nội địa" của khối này. "Chúng tôi sẽ làm mọi thứ cần thiết để đảm bảo rằng các lợi ích của chúng tôi... ở khu vực biển Baltic được bảo vệ một cách đáng tin cậy", nhà ngoại giao này cho biết.