Chung tay xây dựng Thủ đô xanh
“Mùa xuân là Tết trồng cây/Làm cho đất nước càng ngày càng xuân". Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, mỗi độ xuân về, Tết trồng cây lại được tổ chức khắp các địa phương trong cả nước, trở thành nét văn hóa lan tỏa sâu rộng. Xuân Ất Tỵ 2025, thành phố Hà Nội hưởng ứng Tết trồng cây, cùng nhau bảo vệ môi trường, xây dựng Thủ đô xanh...
1. Ngày 28-11-1959, nhân dịp thi đua lập thành tích mừng Đảng 30 tuổi, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kêu gọi nhân dân cả nước: "Bên đợt thi đua ấy, chúng tôi đề nghị tổ chức một ngày "Tết trồng cây". Việc này tốn kém ít mà lợi ích nhiều". Người đề nghị 11 triệu người từ 8 tuổi trở lên ở miền Bắc trồng một hoặc vài ba cây và khẳng định nếu làm được như vậy, trong 5 năm từ 1960 đến 1965, chúng ta sẽ có 90 triệu cây, vừa cây ăn quả, cây có hoa, vừa cây làm cột nhà. Như vậy, việc trồng cây mang lại nguồn lợi kinh tế to lớn, góp phần cải thiện đời sống nhân dân. Bác Hồ cũng sớm thấy rõ mối quan hệ gắn bó giữa trồng cây, trồng rừng với bảo vệ môi trường, khí hậu. Chính vì vậy, Người động viên nhân dân cả nước ra sức trồng cây để "chắn gió phục vụ thâm canh lúa, bảo vệ đê, chống xói mòn, chống cát bay…" và khẳng định: "Những dải rừng được trồng ở ven biển, dọc đường giao thông, trong thôn xóm, đã có tác dụng lớn".
Cách đây hơn 65 năm, ngày 11-1-1960, vào dịp Tết Nguyên đán Canh Tý 1960, trong không khí sôi nổi mừng Đảng, mừng xuân, Bác đã trồng cây đa tại Công viên hồ Bảy Mẫu (sau này là Công viên Thống Nhất; nay là Công viên Lênin), mở đầu cho một phong trào mới tốt đẹp vào dịp Tết Nguyên đán cổ truyền của dân tộc - Tết trồng cây.
2. Phát huy truyền thống đó, tại thành phố Hà Nội, phong trào trồng cây đầu năm mới đã trở thành ngày hội của toàn Đảng, toàn dân tham gia, nhất là trong bối cảnh trái đất đang đứng trước tình trạng ô nhiễm môi trường, sự nóng lên do hiệu ứng nhà kính, biến đổi khí hậu, thiên tai lũ lụt. 65 năm qua, thành phố Hà Nội luôn thực hiện có hiệu quả phong trào, mỗi năm trồng 300.000-500.000 cây xanh, góp phần làm đẹp cảnh quan môi trường, xây dựng Thủ đô xanh.
Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội) Trần Quang Vinh cho biết, năm 2025, thành phố Hà Nội triển khai kế hoạch tổ chức “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” Xuân Ất Tỵ gắn với trồng rừng, góp phần thực hiện có hiệu quả Quyết định số 524/QĐ-TTg ngày 1-4-2021 của Thủ tướng Chính phủ về đề án trồng mới một tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025 và Kế hoạch số 84/KH-UBND ngày 15-3-2022 của UBND thành phố Hà Nội về trồng cây, trồng rừng giai đoạn 2021-2025 tại các huyện và thị xã Sơn Tây để nâng tỷ lệ che phủ rừng, kiến tạo nhiều thảm cây xanh trên địa bàn thành phố.
Đặc biệt, để khôi phục lại hệ thống cây xanh, cây ăn quả bị gãy, đổ do bão số 3 (bão Yagi) gây ra, năm 2025, toàn thành phố giao chỉ tiêu cho các quận, huyện, thị xã, sở, ngành, đơn vị trồng mới 700.000 cây xanh các loại, tăng 250.000 cây xanh so với năm 2024. Ngoài ra, thành phố còn triển khai đến các huyện, thị xã có rừng trồng mới 20-30ha rừng sản xuất, quản lý bảo vệ tốt hơn 18.000ha rừng. Cây xanh đô thị là sấu, phượng vĩ, bằng lăng, long não, sữa, Osaka, ban Tây Bắc. Cây rừng là lim xanh, thông, keo, lát hoa, trám, de, mỡ. Cây ăn quả gồm bưởi, nhãn, vải, mít...
Để hoàn thành mục tiêu này, UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo UBND các quận, huyện, thị xã bố trí trồng cây ở những nơi đất trống tại khu đô thị, khu dân cư, vườn hoa, công viên, trường học, bệnh viện, trụ sở các cơ quan đơn vị, dọc tuyến giao thông, đặc biệt là tuyến đường mới mở. UBND xã, phường, thị trấn tuyên truyền, vận động mỗi hộ gia đình trồng 1-2 cây xanh các loại.
3. Thực hiện chỉ đạo của thành phố, UBND huyện Sóc Sơn đã xây dựng kế hoạch và phương án tổ chức “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” Xuân Ất Tỵ 2025 tới các xã, thị trấn. Huyện yêu cầu các xã, thị trấn đăng ký số lượng cây trồng, đồng thời tiến hành rà soát những tuyến đường, khu vực có cây xanh bị chết, đổ gãy để trồng thay thế. Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Đỗ Minh Tuấn cho biết, với chỉ tiêu được giao trồng mới 55.000 cây xanh các loại trong năm 2025, huyện yêu cầu các xã, thị trấn, đơn vị tổ chức Tết trồng cây phải thiết thực, hiệu quả. Việc lựa chọn loại cây, kích cỡ cây, quy mô, diện tích, địa điểm tổ chức phải phù hợp điều kiện địa phương, trồng cây nào sống tốt cây đó.
Theo Trưởng phòng Kinh tế huyện Quốc Oai Nguyễn Thị Thu Trang, huyện phát động Tết trồng cây vào ngày làm việc đầu tiên của năm mới Ất Tỵ, đồng loạt 17 xã, thị trấn cùng hưởng ứng. Năm nay, Quốc Oai phấn đấu trồng 35.000 cây xanh, cây ăn quả các loại, tăng 22.000 cây so với năm 2024. Đặc biệt, để Tết trồng cây thực chất, Quốc Oai không tổ chức trồng cây tại trụ sở UBND huyện mà phát động tại các xã, thị trấn. Mỗi địa phương chọn nơi công cộng để trồng cây thành hàng hoặc vườn tập trung; tuyên truyền tới toàn dân, nhất là học sinh, thanh thiếu niên tích cực tham gia trồng, chăm sóc, bảo vệ cây xanh.
Chủ tịch UBND quận Nam Từ Liêm Mai Trọng Thái cho biết, để tăng thảm cây xanh, quận đề nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền tích cực tuyên truyền sâu rộng về mục đích, ý nghĩa của Tết trồng cây. Qua đó, giúp người dân thấy rõ vai trò của cây xanh đối với phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái, hạn chế ảnh hưởng tiêu cực của biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính, hướng tới mục tiêu net zero...
Theo kế hoạch “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” Xuân Ất Tỵ 2025 được UBND thành phố Hà Nội phát động từ ngày 3-2 đến ngày 12-2 (từ mùng 6 đến 15 tháng Giêng năm Ất Tỵ), các đơn vị, địa phương được giao chỉ tiêu trồng cây xanh tăng so với nhiều năm trước như: Huyện Chương Mỹ trồng 75.000 cây, huyện Ba Vì 55.000 cây, thị xã Sơn Tây 40.000 cây, quận Long Biên 10.000 cây, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội 15.000 cây…