Nhạc sĩ Ngọc Khuê:Mùa xuân là nguồn cảm hứng đẹp nhất
Mỗi khi giai điệu của ca khúc “Mùa xuân, làng lúa, làng hoa” cất lên, người nghe như được hòa mình vào vẻ đẹp dịu dàng, thơ mộng của Hà Nội, nơi có những làng lúa xanh ngát và làng hoa ngát hương.
Trải qua 45 năm, bài hát vẫn luôn là một kỷ niệm đẹp trong lòng nhạc sĩ Ngọc Khuê. Với ông, mùa xuân mang một ý nghĩa rất đặc biệt, bởi nó khơi dậy cảm giác bồi hồi, rộn rã, vừa phấn chấn vừa xốn xang. Có lẽ chính vì thế, những cung bậc tình cảm thương mến và nồng nàn nhất của ông đều được gửi gắm trọn vẹn vào mùa xuân.
1. Gần 10 năm quen biết nhạc sĩ Ngọc Khuê, tôi luôn thấy ông sôi nổi, nhiệt huyết và hết lòng với bạn bè, đồng nghiệp. Đặc biệt, đối với những thế hệ con cháu như chúng tôi, ông luôn coi là những người bạn vong niên để sẻ chia, tâm tình. Mỗi khi cần xin ý kiến đánh giá về một nhạc sĩ nào đó hoặc cần xin số liên hệ của nhạc sĩ để viết bài, ông luôn ân cần và nhiệt tình giúp đỡ tôi. Hơn ai hết, ông thấu hiểu những đóng góp của từng nhạc sĩ ở các góc độ khác nhau đối với nền âm nhạc nước nhà. Chỉ cần một định hướng từ ông, bài viết đã có thể trở nên thuyết phục hơn với bạn đọc. Đôi khi, tôi lại thấy ông xuất hiện trên báo không phải với tư cách là nhân vật chính, mà là tác giả. Những nhân vật trong bài viết của ông thường là những người bạn đã cùng ông chiến đấu, sinh hoạt văn nghệ và gắn bó thân thiết. Lối viết của ông gần gũi, giản dị nhưng vẫn lôi cuốn, dễ dàng chạm tới cảm xúc của người đọc.
Xuất thân là người lính cao xạ bảo vệ cầu Hàm Rồng (Thanh Hóa), sau này trở thành Trưởng đoàn Văn công Phòng không - Không quân, cả cuộc đời ông gắn bó với quân đội. Những sáng tác đầu tiên của ông như “Tiếng hát bên dòng sông Mã”, “Đồi quyết thắng” (phổ thơ Từ Nguyên Tĩnh), đã ghi lại những kỷ niệm đầy gian khổ nhưng cũng thật vinh quang về những tháng ngày “nằm gai nếm mật” của những người lính tuổi đời còn rất trẻ, trong tiết xuân ấm áp, rạo rực đang về trên xứ Thanh. Những ca khúc của ông, được đồng đội và nhân dân Thanh Hóa yêu thích, say sưa hát, đã trở thành động lực to lớn giúp ông quyết tâm theo đuổi niềm đam mê sáng tác, trở thành một nhạc sĩ nổi tiếng. Để rồi, sau hơn nửa thế kỷ, khi nhớ về những ngày tháng được đứng trong hàng ngũ quân đội, sống giữa những năm tháng hào hùng khi quân dân Thủ đô đánh thắng Đế quốc Mỹ trên bầu trời Hà Nội, ông đã sáng tác những ca khúc đầy tự hào như “Ông tôi là một người anh hùng”, “Hà Nội mùa đông năm ấy” (phổ thơ Đoàn Nguyên Hiếu)... Từ những ngày tập tành sáng tác cho đến những tác phẩm sau này, người ta luôn thấy một Ngọc Khuê muôn sắc, muôn màu, bám chặt vào âm nhạc dân gian, đồng thời kết hợp sáng tạo với âm nhạc hiện đại.
2. Nhiều người vui vẻ gọi nhạc sĩ Ngọc Khuê là “vua săn giải”, bởi không chỉ trong thời kỳ sung sức mà ngay cả hiện nay, ông vẫn vượt qua nhiều tác giả trẻ để giành những giải thưởng âm nhạc danh giá. Từ cuộc thi sáng tác âm nhạc về thành phố Hải Dương, quận Bắc Từ Liêm cho đến cuộc thi sáng tác về đề tài dân tộc thiểu số (do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức), về Điện Biên... nhiều lần thấy tên ông được xướng lên. Ông viết khá đa dạng, sử dụng nhuần nhuyễn các chất liệu âm nhạc vùng miền, đôi khi là những bài hát theo đơn “đặt hàng” nhưng lại có sức sống trong lòng người nghe. Âm nhạc của ông không phô trương về khúc thức, không sa đà vào những kỹ thuật phức tạp, mà luôn tạo cảm giác gần gũi, dễ gần và cũng dễ hát. Đặc biệt, cách ông sử dụng lời ca rất “đắt”, giàu tính văn học, khiến các tác phẩm dễ dàng chạm đến cảm xúc của người nghe.
Nhạc sĩ Ngọc Khuê có nhiều ca khúc về mùa xuân, mang nét nhạc vui tươi, rộn ràng nhưng cũng đầy khắc khoải. Như ca khúc “Ông đồ” (phỏng thơ Vũ Đình Liên), được sáng tác trong năm đầu tiên ông ăn Tết ở Hà Nội. Hình ảnh ông đồ già ngồi cho chữ ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám gợi nhắc về một nét văn hóa đặc trưng của Hà Nội, nhưng qua thời gian đã dần mai một. Ông mong muốn, thông qua âm nhạc, “kéo” người dân Thủ đô trở lại với tục cho chữ, đồng thời hy vọng ngày càng có nhiều “ông đồ” xuất hiện ở Hà Nội. Đặc biệt, ca khúc “Mùa xuân, làng lúa, làng hoa”, ra đời vào dịp giáp Tết năm 1980, đã khẳng định tên tuổi của ông trong nền âm nhạc nước nhà. Ca khúc khắc họa hình ảnh hồ Tây với một bên là lúa, một bên là hoa, vừa thơ mộng vừa phản ánh cuộc sống của người dân Hà Nội khi đó đang trên đà phát triển. Thấp thoáng trong đó là tình yêu đôi lứa sáng trong, ngọt ngào, tình tứ và thiết tha. Tình yêu ấy rất kín đáo, nhẹ nhàng, phần nào phản ánh được tính cách, con người Thủ đô hào hoa, phong nhã.
Nhạc sĩ Ngọc Khuê cho biết, đã có quá nhiều ca khúc nổi tiếng về hồ Tây, về Hà Nội, nên khi bắt đầu viết ca khúc này, ông khá dè dặt. Hơn nữa, ông không muốn chỉ viết về hoa, cũng không muốn viết riêng về hồ Tây, bởi ông cảm thấy như thế chưa đủ để diễn đạt tình yêu của mình với mảnh đất này. Lần ấy, khi đi thăm nhà một người bạn, đi qua làng Xuân La (nay là phường Xuân La, quận Tây Hồ) và làng Xuân Đỉnh (nay là phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm), ông đã cảm nhận được hương lúa ngào ngạt và nhận ra một nét đẹp khác về Hà Nội. Trước khung cảnh đẹp thanh bình, một Hà Nội đầy đủ hương vị đã “bật” lên trong trái tim người nhạc sĩ những ca từ đầu tiên: “Lúa ơi thơm ngát cho em hát cùng người/ Bởi lúa yêu cuộc đời nên xanh thắm tươi ruộng đồng/ Sóng lấp lánh mặt hồ cho hoa em ngào ngạt...”.
3. Nhạc sĩ Ngọc Khuê là người lính đã có gần nửa thế kỷ phục vụ trong quân ngũ, giờ đây hai người con của ông cũng tiếp bước cha để trở thành người lính. Con gái ông cũng là một nghệ sĩ đàn tỳ bà điêu luyện, từng giành Huy chương Vàng Hội diễn Nghệ thuật chuyên nghiệp toàn quân năm 2018. Đặc biệt, con trai ông, Đại tá, nhạc sĩ Mai Kiên, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội, cũng tham gia nhiều công việc đào tạo, sáng tạo âm nhạc, như chỉ huy âm nhạc, phối khí, dàn dựng và đã sáng tác được một số ca khúc được nhiều người biết đến như “Non sông người chiến sĩ”, “Non sông ngàn năm gấm vóc”... Cháu nội của ông cũng bộc lộ năng khiếu âm nhạc và đã phối khí thành công một số tác phẩm của ông. Cứ như vậy, âm nhạc trở thành một dòng chảy xuyên suốt, là sợi dây gắn kết các thế hệ trong gia đình nhạc sĩ, vào cuối tuần hoặc dịp Tết, họ lại quây quần bên nhau ca hát.
Mùa xuân này, từ thành thị đến nông thôn, khắp nơi lại vang lên giai điệu quen thuộc của ca khúc “Mùa xuân, làng lúa, làng hoa”. Từ thế hệ Nghệ sĩ Nhân dân Thanh Hoa đến nay, ca khúc đã được hàng chục nghệ sĩ thể hiện, mỗi người mang đến một sắc thái riêng biệt, góp phần không nhỏ vào sự thành công của họ. Dù cách thể hiện khác nhau, tất cả đều truyền tải được hồn cốt và tinh thần mà tác giả gửi gắm đến công chúng qua các thời kỳ. Đó là sự hòa quyện giữa tình yêu đôi lứa và tình yêu quê hương đất nước, tạo nên một bản hòa ca đậm hương vị mùa xuân, mang âm hưởng của sự giao mùa, sự sinh sôi, nảy nở. Hình ảnh lúa và hoa biểu trưng cho đời sống vật chất và tinh thần của con người, gắn bó mật thiết không thể tách rời. Chúng còn là biểu tượng cho sự tinh túy của đất trời mỗi dịp Tết đến, xuân về, góp phần làm nên vẻ đẹp độc đáo của mùa xuân Việt Nam.
Thượng tá, nhạc sĩ Ngọc Khuê sinh năm 1947 tại xã Yên Sở, huyện Hoài Đức, Hà Nội. Ông đã được tặng nhiều giải thưởng trong đó có Giải thưởng Nhà nước về Văn học, nghệ thuật năm 2012 cho chùm ca khúc “Mùa xuân, làng lúa, làng hoa”, “Hạt nắng, hạt mưa”, “Tình yêu với người chiến sĩ”. Gần đây, ông đã sáng tác một số ca khúc được nhiều khán giả ưa thích như “Biên cương âm vang lời Bác”, “Tình Bác với chiến sĩ canh trời”, “Người chiến binh mang tên sông Thạch Hãn”...