Phát hiện thiên hà khổng lồ lớn gấp 32 lần Dải Ngân Hà
Kính viễn vọng MeerKAT của Nam Phi đã phát hiện ra một thiên hà vô tuyến mới có kích thước khổng lồ, lớn gấp 32 lần Dải Ngân Hà.
Trong công bố ngày 1-2, Jacinta Delhaize, giảng viên tại Đại học Cape Town và là người dẫn đầu công trình nghiên cứu, nhấn mạnh phát hiện mới nhất của Kính MeerKAT có ý nghĩa “phi thường”. Bài báo công bố phát hiện này, đăng tải cùng ngày trên Independent Online (IOL) - một nền tảng tin tức của Nam Phi, nêu rõ các luồng plasma từ hai điểm đầu và cuối của thiên hà khổng lồ này trải dài 3,3 triệu năm ánh sáng - lớn hơn 32 lần so với Dải Ngân Hà chứa Hệ Mặt Trời.
Bà Delhaize cho biết thiên hà khổng lồ nằm cách Trái Đất 1,44 tỷ năm ánh sáng, được đặt biệt danh là "Inkathazo", có nghĩa là "rắc rối" trong tiếng Xhosa và Zulu của châu Phi, xuất phát từ thực tế rằng giới khoa học hiện vẫn gặp nhiều khó khăn để tìm hiểu bản chất vật lý của thiên hà mới này. Theo nữ khoa học gia, việc phát hiện ra thiên hà Inkathazo đã mở ra cơ hội hiếm có để nghiên cứu các thiên hà vô tuyến khổng lồ. Đây là thử thách đối với các mô hình hiện có của ngành thiên văn, cho thấy giới khoa học vẫn chưa hiểu nhiều về vật lý plasma phức tạp trong không gian.
Thiên hà vô tuyến là các loại thiên hà hoạt động rất "sáng" tại bước sóng vô tuyến. Trong khi đó, các thiên hà vô tuyến khổng lồ là những kết câu hiếm hoi trong vũ tỏa ra các luồng plasma nóng trải dài hàng triệu năm ánh sáng trên không gian liên thiên hà.
Kính viễn vọng MeerKAT, nằm ở vùng Karoo của Nam Phi, bao gồm 64 đĩa vô tuyến và được Đài quan sát thiên văn vô tuyến Nam Phi (SARAO) vận hành. Đây là dự án tiền thân của Square Kilometer Array (SKA), kính viễn vọng lớn nhất thế giới, dự kiến sẽ bắt đầu hoạt động vào năm 2028. SKA là mạng lưới gồm hàng nghìn ăng-ten vô tuyến với nhiều loại và kích cỡ khác nhau, được đặt tại một số địa điểm ở Tây Australia và Nam Phi. Dự án khoa học lớn quốc tế này được hơn 10 quốc gia tài trợ, xây dựng và điều hành.