Thế giới

ECB giảm lãi suất lần thứ năm liên tiếp:Liệu pháp kích thích tăng trưởng kinh tế

Quỳnh Dương 02/02/2025 - 08:34

Trong bối cảnh nền kinh tế khu vực có dấu hiệu chững lại và có nguy cơ suy giảm, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã quyết định cắt giảm lãi suất 0,25%, xuống còn 2,75%.

Đây là lần cắt giảm lãi suất thứ năm kể từ khi ECB bắt đầu nới lỏng chính sách tiền tệ vào tháng 6 năm ngoái. Động thái này nhằm thúc đẩy tiêu dùng và sản xuất khi lạm phát gần như đã được kiểm soát, đưa về gần mức mục tiêu 2%.

chu-tich-ecb.jpg
Chủ tịch ECB Christine Lagarde (giữa) thông báo cắt giảm lãi suất.

Theo Cơ quan Thống kê Liên minh châu Âu (Eurostat), Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Liên minh châu Âu (EU) chỉ tăng trưởng 0,1% vào quý IV-2024, kém hơn nhiều so với mức 0,4% đạt được trong quý III-2024. Đây cũng là mức tăng trưởng yếu nhất kể từ quý IV-2023. Lực cản lớn nhất đối với tăng trưởng đến từ Đức và Pháp, hai nền kinh tế “đầu tàu” trong EU, ghi nhận mức suy thoái tệ hơn dự kiến.

Nền kinh tế Đức đã phải chứng kiến năm thứ hai liên tiếp rơi vào suy thoái với mức giảm GDP là 0,2%. Về tổng thể, nền kinh tế "đầu tàu" châu Âu vẫn đang trong tình trạng ảm đạm do bất ổn chính trị và sự cạnh tranh ngày càng tăng từ châu Á. Điều này được thể hiện ở hầu hết các ngành công nghiệp, khi không có xu hướng tăng rõ ràng ở bất kỳ ngành nào.

Một trong những nguyên nhân là do sự không chắc chắn về mặt chính trị khi Đức đang chuẩn bị cho cuộc bầu cử liên bang mới. Việc các doanh nghiệp không rõ chính sách kinh tế của chính phủ mới sẽ như thế nào đã cản trở họ gia tăng đầu tư. Ngoài ra, cường quốc xuất khẩu hàng đầu châu Âu này đang phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ Trung Quốc và các nước châu Á khác.

Bên cạnh đó, nước Đức phải vật lộn với cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt một phần do giá năng lượng “phi mã”, liên quan đến cuộc xung đột Nga - Ukraine. Từng là một khách hàng lớn mua khí đốt giá rẻ của Nga, Đức đã gặp nhiều thách thức khi phải tìm kiếm các nguồn cung mới sau khi không nhập khẩu năng lượng từ Mátxcơva.

Biến đổi khí hậu và các yếu tố khác trong chuỗi cung ứng quốc tế cũng góp phần làm tăng lạm phát và tăng chi phí cho các mặt hàng thiết yếu như hàng tạp hóa và đồ dùng vệ sinh. Mối lo ngại về triển vọng việc làm khiến xu hướng tiết kiệm của người dân gia tăng. Điều này cũng ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế. Nhiều dự báo của các viện nghiên cứu ở Đức cho rằng, kinh tế nước này tiếp tục đối mặt với năm 2025 đầy khó khăn và khó có thể phục hồi mạnh mẽ.

Với nước Pháp, các nhà lãnh đạo có thể mất nhiều thời gian để ổn định chính trị, do Quốc hội bị chia rẽ sâu sắc. Các phe phái bất đồng về cách giải quyết thâm hụt ngân sách và cuộc bầu cử sớm nhất phải đến tháng 7-2025 mới diễn ra. Theo số liệu từ Viện thống kê Pháp, nền kinh tế lớn thứ hai của Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) tuy tăng trưởng 1,1% trong cả năm 2024 nhưng có dấu hiệu đi xuống khi quý IV-2024 suy giảm ở mức 0,1%.

Nguyên nhân được xác định phần lớn do bất ổn chính trị. Thủ tướng Michel Barnier buộc phải từ chức vào tháng 12-2024 vì không giành được sự ủng hộ đối với dự thảo ngân sách "thắt lưng buộc bụng" để củng cố tình hình tài chính bấp bênh của đất nước. Người kế nhiệm ông, Francois Bayrou hứa sẽ đưa thâm hụt ngân sách công xuống còn 5,4% GDP trong năm nay và tiến tới mức 3% theo quy định của EU vào năm 2029. Tuy nhiên, mục tiêu này sẽ rất khó đạt được trong bối cảnh tăng trưởng yếu hiện nay.

Các cuộc thảo luận về ngân sách dự kiến sẽ rất căng thẳng, cũng như những cuộc thảo luận về cải cách lương hưu, làm dấy lên khả năng Chính phủ Pháp có thể sụp đổ một lần nữa. Điều này cũng khiến các nhà đầu tư giữ thái độ cầm chừng trong giai đoạn nửa đầu năm 2025.

Theo các nhà phân tích, quyết định hạ lãi suất của ECB sẽ khiến người gửi tiền tại các ngân hàng tìm kiếm kênh đầu tư khác, kích thích các hoạt động kinh tế. Các nhà đầu tư sẽ mạnh dạn hơn khi được hưởng lợi từ lãi suất thấp hơn và nợ tiêu dùng cũng như thế chấp trở nên rẻ hơn.

Một trong những tín hiệu tích cực ngay sau khi ECB cắt giảm lãi suất là các chỉ số chính trên thị trường chứng khoán khu vực có xu hướng gia tăng. Trên thị trường trái phiếu, lãi suất giảm có nghĩa là lợi suất thấp hơn, đẩy giá trái phiếu lên cao hơn. Lãi suất thấp hơn cũng khiến trái phiếu hiện có, đặc biệt là những trái phiếu đã được phát hành trong thời kỳ lãi suất cao, trở nên hấp dẫn hơn về lợi suất. Chính vì vậy, ECB cũng sẵn sàng tiếp tục giảm lãi suất trong năm 2025 để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế.