Góc nhìn

Để lễ hội đầu Xuân vui tươi, an toàn

Hà Trang 02/02/2025 - 07:02

Nhằm bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, an toàn vệ sinh thực phẩm trên địa bàn Thủ đô, trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã ký ban hành Công điện số 01/CĐ-UBND ngày 24-1-2025 về việc tăng cường tuyên truyền, phòng chống tội phạm về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo, bảo đảm tuyệt đối an toàn các sự kiện, ngày lễ lớn trên địa bàn thành phố năm 2025.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Vũ Thu Hà cũng đã ký ban hành Văn bản số 310/UBND-KGVX ngày 26-1-2025 về việc thực hiện Công điện số 05/CĐ-TTg ngày 22-1-2025 của Thủ tướng Chính phủ, nhằm bảo đảm an toàn thực phẩm dịp Tết Nguyên đán và lễ hội Xuân năm 2025.

Tuy nhiên, trong những ngày nghỉ Tết vừa qua, Hà Nội vẫn ghi nhận nhiều người khám, cấp cứu do rối loạn tiêu hóa, ngộ độc thức ăn tự chế biến, say rượu... Trong đó, nhiều trường hợp phải nhập viện theo dõi, điều trị.

Còn về tai nạn giao thông, Công an thành phố Hà Nội cho biết, trong 6 ngày nghỉ Tết Nguyên đán 2025 (từ ngày 25-1 đến 30-1), trên địa bàn xảy ra 13 vụ tai nạn giao thông, làm 8 người tử vong, 11 người bị thương, so với cùng kỳ 6 ngày nghỉ Tết Giáp Thìn 2024, số vụ tai nạn giảm 9, số người tử vong giảm 3, số người bị thương giảm 8...

Kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Ất Tỵ sắp qua, bắt đầu vào mùa lễ hội đầu Xuân. Các lễ hội Xuân của Hà Nội từ lâu trở thành điểm đến không thể bỏ lỡ, thu hút du khách trong và ngoài nước. Lễ hội Xuân không chỉ mang ý nghĩa tâm linh mà còn gắn liền với những giá trị lịch sử và văn hóa truyền thống, tạo nên nét đặc sắc riêng biệt cho mảnh đất ngàn năm văn hiến. Chính vì vậy, việc bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm và an toàn giao thông cho nhân dân và du khách tham gia các lễ hội Xuân năm 2025 phải được coi là nhiệm vụ quan trọng.

Để thực hiện có hiệu quả chỉ đạo của thành phố, các sở, ngành, địa phương cần tiếp tục tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật, kiến thức về an toàn thực phẩm; thường xuyên tổ chức kiểm tra liên ngành việc thực hiện các quy định bảo đảm an toàn thực phẩm; đồng thời, duy trì kiểm tra đột xuất các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm có nguy cơ cao, chợ đầu mối, cơ sở kinh doanh thực phẩm tại các khu phục vụ lễ hội Xuân, các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm, chế biến, kinh doanh thịt, cá, mứt, bánh, kẹo, rượu...

Các sở, ngành, địa phương cần kiên quyết đình chỉ hoạt động đối với cơ sở vi phạm, thu hồi và xử lý thực phẩm không an toàn; xử lý nghiêm, công khai các tổ chức, cá nhân vi phạm an toàn thực phẩm theo quy định.

Bên cạnh đó, các tổ chức đoàn thể cũng cần vào cuộc để tuyên truyền, vận động nhân dân thay đổi các tập quán ăn uống lạc hậu, như: Không uống rượu tự ngâm các loại cây, củ, rễ, nội tạng động vật, rượu không có nguồn gốc xuất xứ; không lạm dụng rượu bia trong những ngày lễ hội.

Đối với vấn đề bảo đảm an toàn giao thông, cần tiếp tục tuyên truyền làm thay đổi hành vi của người tham gia giao thông, nhất là phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu của đảng viên, công chức, viên chức; thực hiện các giải pháp căn cơ kéo giảm tai nạn lứa tuổi học sinh; cương quyết xử lý hành vi vi phạm pháp luật. Các cơ quan chức năng của thành phố cũng cần khẩn trương nghiên cứu, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác quản lý, xử lý vi phạm về an toàn giao thông.

Về lâu dài, thành phố Hà Nội cần tiếp tục dành nguồn lực đầu tư vào hạ tầng giao thông và phát triển giao thông công cộng… Phấn đấu giảm tai nạn giao thông từ 5% trở lên so với năm 2024 trên cả 3 tiêu chí (số vụ, số người chết, số người bị thương) như mục tiêu thành phố đề ra tại lễ ra quân Năm An toàn giao thông 2025 tổ chức mới đây; giảm ùn tắc giao thông, phục vụ tốt nhu cầu đi lại của nhân dân, du khách trong các lễ hội đầu Xuân. Mục tiêu chính là để các lễ hội đầu Xuân thực sự vui tươi, an toàn và Hà Nội luôn là điểm đến hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.