Văn hóa

Sẵn sàng mùa lễ hội tươi vui

Hoàng Lân 01/02/2025 - 17:05

Sau Tết Nguyên đán, nhiều địa phương trên địa bàn Hà Nội bắt đầu mùa lễ hội tươi vui, đón khách du xuân. Những lễ hội truyền thống, có sức hút lớn đã sẵn sàng công tác chuẩn bị. Từ mùng 5 tháng Giêng, hàng loạt lễ hội truyền thống lớn của Hà Nội khai hội, mở màn cho mùa lễ hội của cả năm.

Mùa lễ hội hấp dẫn, đổi mới và sáng tạo

Thành truyền thống, vào ngày mùng 5 tháng Giêng, lễ hội kỷ niệm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đasẽ khai hội, mở đầu cho mùa lễ hội của Hà Nội. Năm nay, lễ hội kỷ niệm 236 năm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa sẽ diễn ra trong 3 ngày, từ ngày 2 đến 4-2 (tức từ ngày mùng 5 - 7 tháng Giêng, năm Ất Tỵ 2025), được tổ chức quy mô lớn nhất từ trước đến nay.

dong-da-6.jpg
Lễ hội kỷ niệm 236 năm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa sẽ diễn ra buổi tối, điểm nhấn là chương trình nghệ thuật đặc sắc được làm theo hình thức bán thực cảnh kết hợp công nghệ 3D mapping hiện đại. Ảnh: BTC

Lễ hội năm nay có nhiều điểm mới, đó là diễn ra vào buổi tối. Sau lễ khai mạc là chương trình nghệ thuật đặc sắc được làm theo hình thức bán thực cảnh kết hợp công nghệ 3D mapping hiện đại. Chương trình kể câu chuyện lịch sử theo một cách thức hiện đại và mới mẻ với sự tham gia của các nghệ sĩ tên tuổi: NSND Thanh Lam, ca sĩ Trọng Tấn, Minh Quân, Vũ Thắng Lợi…

Với quy mô lễ hội tổ chức lớn nhất từ trước đến nay nên công tác tổ chức lễ hội đã được Ban tổ chức tăng cường, giám sát để bảo đảm lễ hội diễn ra an toàn, chất lượng, chuyên nghiệp. Phó Chủ tịch UBND quận Đống Đa Nguyễn Thanh Tùng cho biết, lễ hội đã sẵn sàng, bảo đảm không khí tươi vui, hấp dẫn. Quận đã có phương án về điện lưới, tăng cường chiếu sáng các tuyến phố quanh khu vực diễn ra lễ hội; bổ sung nhiều thùng rác, nhà vệ sinh lưu động; lên phương án phân luồng, đỗ xe để không gây ùn tắc.

dong-da-2.jpg
Kiểm tra công tác tổ chức lễ hội kỷ niệm 236 năm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa. Ảnh: Hoàng Lân

Vào ngày mùng 6 tháng Giêng (tức 3-2), hàng loạt lễ hội truyền thống lớn của Hà Nội sẽ cùng khai hội, đó là: Lễ hội chùa Hương (huyện Mỹ Đức), lễ hội Gióng đền Sóc (huyện Sóc Sơn), lễ hội Hai Bà Trưng (huyện Mê Linh), Lễ hội Cổ Loa (huyện Đông Anh). Hiện các địa phương đã sẵn sàng phương án tổ chức, bảo đảm lễ hội diễn ra tươi vui, an toàn.

Năm nay, lễ hội chùa Hương có nhiều điểm mới. Ban tổ chức đã thực hiện việc tích hợp vé thắng cảnh và vé xuồng đò cho du khách về tham quan lễ Phật bằng vé điện tử. Giá vé cũng đã được niêm yết, đúng quy định. Lễ hội năm nay có các chương trình kết hợp du lịch như: Hội chợ trưng bày các sản phẩm OCOP; biểu diễn văn hóa, nghệ thuật truyền thống…

chua-huong.jpg
Lễ hội chùa Hương bảo đảm các khâu tổ chức an toàn, văn minh cho du khách. Ảnh: Hoàng Lân

Trưởng Ban Quản lý khu di tích thắng cảnh Hương Sơn Bùi Văn Triều cho biết, lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát xử lý việc bày bán các mặt hàng không phù hợp gây phản cảm, bảo đảm công tác an ninh trật tự và phòng chống cháy nổ. Ngoài ra, Ban tổ chức duy trì các nhà vệ sinh công cộng miễn phí; thường xuyên thu gom, vận chuyển rác; bố trí các điểm sơ, cấp cứu tại các khu vực tập trung đông người như cổng động Hương tích, ga cáp treo, sân Thiên Trù đảm bảo an toàn cho du khách. Các xuồng đò đã được sơn đồng màu theo quy định, có đầy đủ áo phao, giỏ đựng rác, ô che, ghế ngồi, nước uống miễn phí…

Còn tại đền Sóc, công tác chuẩn bị Lễ hội Gióng truyền thống đến thời điểm này đã hoàn tất. Lễ vật đã được các thôn chuẩn bị tươm tất, sẵn sàng lễ rước truyền thống vào 6h30 sáng mùng 6 tháng Giêng. Lễ hội năm nay có nhiều đổi mới, phần hội gồm nhiều hoạt động tham quan, trải nghiệm, giới thiệu sản phẩm du lịch, ẩm thực địa phương. Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Hồ Việt Hùng cho biết, để bảo đảm an toàn cho lễ hội, Ban tổ chức và chính quyền địa phương sẽ tổ chức trông giữ phương tiện cho du khách theo quy định; bố trí sắp xếp hàng quán ngăn nắp; nghiêm cấm việc nâng giá, bán hàng rong, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng; sẵn sàng các phương án phòng cháy chữa cháy…

Bảo đảm lễ hội an toàn, tươi vui

Theo Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội, hiện thành phố có hơn 1.500 lễ hội, trong đó phần lớn tập trung vào đầu năm. Để bảo đảm công tác tổ chức lễ hội vừa giữ gìn bản sắc truyền thống vừa có sự sáng tạo đổi mới, hấp dẫn, từ trước Tết, Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội cùng đoàn kiểm tra liên ngành phối hợp với các địa phương tổ chức kiểm tra, đôn đốc hoàn thành các hạng mục của lễ hội.

den-soc-.jpg
Công tác kiểm tra tại lễ hội Gióng đền Sóc trước ngày khai hội. Ảnh: Hoàng Lân

Phó Giám đốc Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội Phạm Xuân Tài để nghị các địa phương phải bám sát kịch bản chi tiết đã được phê duyệt; tuân thủ nghiêm Nghị định số 110/2018/NĐ-CP về quản lý và tổ chức lễ hội và Thông tư 04/2023/TT-BTC về thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức. Các nghi lễ cần được thực hiện đúng truyền thống văn hóa, đồng thời phải bảo đảm nếp sống văn minh và quy tắc ứng xử của thành phố, đặc biệt là tại nơi thờ tự. Ông Phạm Xuân Tài cũng lưu ý công tác trang trí lễ hội cần thực hiện đúng quy định. Các địa phương phải đẩy mạnh tuyên truyền việc thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội, hạn chế đốt vàng mã; kiểm soát nội dung các trò chơi trong lễ hội, ngăn chặn các tệ nạn, cờ bạc trá hình; tăng cường công tác kiểm tra, xử lý các vấn đề về niêm yết giá, hàng giả hàng nhái…

Lưu ý cho công tác tổ chức lễ hội tại Hà Nội, Phó Cục trưởng Cục Văn hoá cơ sở (Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch) Lương Đức Thắng cho rằng, Hà Nội là địa phương có nhiều lễ hội lớn nhất cả nước, trong đó có những lễ hội có sức hút lớn. Vì thế, các địa phương cần có sự tập huấn đội ngũ phục vụ; bổ sung thêm hệ thống nhà vệ sinh vì lượng khách có xu hướng tăng hơn mọi năm; tăng cường công tác phối hợp giữa các đơn vị trong việc kiểm tra, giám sát các hoạt động trong lễ hội.

UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch về việc tăng cường các biện pháp trong quản lý và tổ chức lễ hội trên địa bàn thành phố năm 2025. Trong đó, thành phố yêu cầu các địa phương tổ chức lễ hội phải an toàn, tiết kiệm, trang trọng, thiết thực, hiệu quả. Các lễ hội được tổ chức trang nghiêm, trọng thể về phần lễ, đa dạng và phong phú về phần hội, tạo ra được các sản phẩm văn hóa đặc sắc, hấp dẫn, bảo đảm yếu tố bảo tồn, tôn vinh và phát huy giá trị văn hóa truyền thống gắn với các yếu tố hiện đại của thời đại...

Thành phố cung cấp số điện thoại đường dây nóng để tiếp nhận và xử lý phản ánh của người dân và du khách là: 0965404557.