Xã hội

Để Tết thêm đầm ấm, an vui

Mai Hoa 01/02/2025 06:30

Đầu năm 2024, Hà Nội còn 690 hộ nghèo và 15.835 hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều, nhưng đến cuối năm, toàn thành phố đã không còn hộ nghèo. Số hộ cận nghèo theo chuẩn hộ cận nghèo của Hà Nội giảm còn 9.928 hộ.

Công tác an sinh xã hội, chăm sóc người có công, người có hoàn cảnh khó khăn... luôn được Thành phố đặc biệt quan tâm, góp phần nâng cao chất lượng phúc lợi xã hội và đời sống nhân dân. Những con số, kết quả đó khiến không khí đón xuân Ất Tỵ 2025 thêm đầm ấm, an vui!

an-sinh.jpg
Khám sức khỏe cho người cao tuổi tại Trung tâm Bảo trợ xã hội 3 Hà Nội. Ảnh: Trung tâm Bảo trợ xã hội 3 Hà Nội

Kết nối yêu thương từ những việc làm bình dị

Bà Lê Thị Minh, sinh năm 1944, vào Trung tâm Bảo trợ xã hội số 3 (Tây Mỗ, Nam Từ Liêm, Hà Nội) đã gần 20 năm. Mang trong người bệnh suy tim mạn tính, bà thường khó thở, thậm chí có lúc ngất lịm khi căng thẳng hoặc suy nghĩ quá độ. Năm 2023, bà trải qua một đợt ốm đau thập tử nhất sinh, phải nhập viện cấp cứu vì suy tim mức độ nặng tại Trung tâm Tim mạch Bệnh viện E. Thể trạng gầy yếu, trọng lượng cơ thể khi đó chỉ có 25kg, phải đặt thở ô xy liên tục trong ngày. Không may trong quá trình điều trị bà lại bị mắc Covid- 19 nên sức khỏe càng suy kiệt, tiên lượng không tốt, vì vậy Bệnh viện đã trả bà về Trung tâm chăm sóc. Tại đây, bà luôn nhận được sự chăm sóc tận tâm, chu đáo cả về vật chất lẫn tinh thần của các nhân viên điều dưỡng, đặc biệt là nhân viên được phân công chuyên trách Hoàng Thị Hằng. Sức khỏe của bà Minh được cải thiện từng ngày trước sự ngỡ ngàng của mọi người. Hiện nay, bà đã tự ăn uống, đi lại, tinh thần vui vẻ.

Cũng không thể không nhắc tới hoàn cảnh em V.V.T. Em bị não úng thủy từ nhỏ với cái đầu to quá khổ so với cơ thể, gặp nhiều hạn chế, khó khăn trong sinh hoạt, học tập. Thế nhưng, với sự chăm sóc tận tình, kiên trì, khoa học của các nhân viên Trung tâm Chăm sóc người khuyết tật Hà Nội (Thụy An, Ba Vì, Hà Nội), V.V.T nay đã trở thành một thanh niên 17 tuổi với sức khỏe và sinh hoạt ổn định.

Trung tâm Bảo trợ xã hội số 3 và Trung tâm Chăm sóc người khuyết tật Hà Nội chỉ là 2 trong số 36 đơn vị sự nghiệp trực thuộc, 11 phòng, 1 Chi cục thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội. Bao nhiêu đơn vị là bấy nhiêu câu chuyện về những mảnh đời yếu thế đã và đang được tận tình chăm sóc, nuôi dưỡng mỗi ngày. Luôn tâm huyết với nghề, không quản ngại khó khăn trong công tác chăm sóc đối tượng bảo trợ xã hội, những người công tác trong lĩnh vực này đã và đang lặng lẽ cống hiến trên "mặt trận" an sinh xã hội, làm nhiều việc tốt giúp đỡ những mảnh đời yếu thế.

an-sinh-1.jpg
Trao quà tặng trẻ em vượt khó học tốt của Thủ đô - một trong các hoạt động góp phần thực hiện an sinh xã hội hiệu quả. Ảnh: Minh Thu

Những điểm nhấn ấn tượng

Điều đáng quý nhất, giúp cho các cán bộ, nhân viên ngành Lao động - Thương binh và Xã hội ở Thủ đô viết nên những câu chuyện diệu kỳ mỗi ngày, chính là Hà Nội đã xây dựng được hệ thống an sinh xã hội phát triển bền vững.

Thực hiện Chương trình số 08-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển hệ thống an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống của nhân dân Thủ đô giai đoạn 2021 - 2025”, do Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội là cơ quan thường trực, Thành phố đã huy động sự vào cuộc tổng lực của hệ thống chính trị trong việc bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống người dân, đặc biệt là người có công với cách mạng, người lao động bị mất việc làm và các đối tượng bảo trợ xã hội, người yếu thế.

Trong công tác giảm nghèo, đầu năm 2024, Hà Nội còn 690 hộ nghèo và 15.835 hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều, nhưng đến cuối năm, toàn thành phố đã không còn hộ nghèo. Số hộ cận nghèo theo chuẩn hộ cận nghèo của thành phố còn 9.928 hộ. Một trong các giải pháp hiệu quả, đó là Hà Nội đã hỗ trợ xây, sửa nhà cho 714 hộ nghèo, hộ cận nghèo, đồng thời, tăng cường hỗ trợ sinh kế, giải quyết việc làm cho họ.

Toàn thành phố hiện có trên 203 nghìn đối tượng đang hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng được chi trả trợ cấp đầy đủ, kịp thời, đúng đối tượng, công khai, minh bạch với tổng kinh phí là trên 1.613 tỷ đồng. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cũng đã chỉ đạo các cơ sở trợ giúp của Thành phố thực hiện chăm sóc, nuôi dưỡng 3.080 người (là người cao tuổi cô đơn, người khuyết tật, trẻ em bị mất nguồn nuôi dưỡng và các đối tượng bảo trợ xã hội khác). Trong năm, đã tiếp nhận 739 người lang thang vào các cơ sở trợ giúp xã hội. Công tác chăm sóc, quản lý và nuôi dưỡng đối tượng tại các trung tâm bảo trợ xã hội được thực hiện tốt, đúng quy định và đảm bảo an toàn. Đặc biệt, lãnh đạo thành phố luôn quan tâm, chăm lo chu đáo việc thực hiện chính sách và chăm lo đời sống người có công. Với vị thế Thủ đô, ngoài việc thực hiện theo quy định chung của Trung ương, Hà Nội luôn có các chính sách đặc thù về chế độ điều dưỡng phục hồi sức khỏe đối với người có công với cách mạng và thân nhân liệt sĩ, hỗ trợ tiền ăn, tiền khám… Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội Đinh Hồng Phong cho biết: Trong giai đoạn 2022 - 2024, các chỉ tiêu phong trào "Đền ơn đáp nghĩa" đều hoàn thành và hoàn thành vượt kế hoạch đề ra, 100% số xã, phường, thị trấn làm tốt công tác đền ơn đáp nghĩa. Cụ thể: Vận động Quỹ “Đền ơn, đáp nghĩa” toàn thành phố đạt trên 123,1 tỷ đồng; tặng 10.397 sổ tiết kiệm “Tình nghĩa” với kinh phí trên 21,8 tỷ đồng. Thành phố đã tu sửa nâng cấp 284 công trình ghi công liệt sĩ với kinh phí trên 392,1 tỷ đồng; trích ngân sách địa phương, vận động xã hội hóa cho việc tu sửa nâng cấp 833 nhà ở cho người có công với cách mạng, kinh phí trên 33,2 tỷ đồng. 100% Bà mẹ Việt Nam Anh hùng còn sống được các cơ quan đơn vị nhận phụng dưỡng với mức tối thiểu 3 triệu đồng/tháng.

Tổng kinh phí năm 2024 chi cho công tác ưu đãi người có công của thành phố tính đến kỳ báo cáo tháng 11-2024 là 2.331,2 tỷ đồng. Thành phố cũng đã thực hiện điều dưỡng tập trung đối với 20.095 lượt người có công và thân nhân, với tổng kinh phí trên 94,2 tỷ đồng.

Còn rất nhiều điểm nhấn ấn tượng trong công tác an sinh xã hội, góp phần nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống của nhân dân Thủ đô trong công tác giải quyết việc làm, tuyển sinh đào tạo nghề, phòng, chống tệ nạn xã hội, huy động nguồn lực cộng đồng trong việc bảo trợ trẻ em… Đặc biệt dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ, Thành phố đã quan tâm bố trí hơn 1,1 triệu suất quà Tết với tổng kinh phí hơn 567 tỷ đồng dành tặng các đối tượng chính sách, góp phần chăm lo, quan tâm tới các đối tượng hưởng chính sách dịp Tết, coi đây là nhiệm vụ quan trọng trong công tác thực hiện an sinh xã hội, bảo đảm nhà nhà đều được đón Tết trong sự ấm áp, yêu thương.