Chìm nổi nghề dệt đũi Nam Cao
Kinh tế - Ngày đăng : 08:41, 27/08/2005
Dệt đũi ở Nam Cao
Đũi Nam Cao xuất ngoại
Đến bây giờ, hầu hết người dân đang làm nghệ dệt đũi ở Nam Cao không thể biết được xuất xứ của cái nghề đã gắn bó bao năm với họ. Trong cái nhớ mơ màng, ông Đoàn Hồng Thụ, người đã gần 30 năm phụ trách các làng nghề truyền thống của huyện Kiến Xương cũng chỉ nghe nói rằng, nghề dệt đũi Nam Cao đã xuất hiện cách nay dễ đến 400 năm. Lúc đầu, người ta dệt đũi bằng những sợi tơ mượt mà, óng ả để may những bộ trang phục lễ hội. Theo lệ làng dệt, việc truyền nghề rất nghiêm ngặt, do vậy nghề dệt đũi chỉ phát triển bó hẹp trong làng Cao Bạt (xã Nam Cao). Nhưng sau này, nhờ vẻ đẹp rực rỡ nhiều màu sắc cùng với sự mềm mại của nó, nhu cầu dùng đũi may quần áo và nhiều việc khác ngày càng tăng, nghề đã được phát triển ra nhiều làng, xã khác. Từ đó, đũi Nam Cao xuất hiện ngày càng nhiều trên thị trường và xuất khẩu đi một số nước trên thế giới như vùng Đông Âu, Lào, Thái Lan...
Vào đầu những năm 1960, các làng nghề đi vào sản xuất tập thể theo cơ chế tập trung và Hợp tác xã Dệt Nam Hưng được thành lập. Sau nhiều năm hoạt động theo cơ chế bao cấp, sản xuất thua lỗ, hợp tác xã giải thể và từ đó, nghề dệt đũi chỉ còn ở từng gia đình. Theo thống kê của Phòng Công- thương huyện Kiến Xương, vào thời cực thịnh, từ khoảng những năm 1990 và đầu năm 2000, nghề dệt đũi Nam Cao có ở 17 xã với gần 3.000 khung dệt, thu hút khoảng 70.000 lao động, mỗi năm có đến trên 10 triệu mét đũi được tung ra thị trường. Để tiêu thụ được hết từngấy sản phẩm, 19 doanh nghiệp tư nhân ở Kiến Xương đã được thành lập và làm việc hết công suất. Đũi được đóng chật cứng vào các công-ten-nơ chở đi kìn kìn ngày đêm, đem về doanh số hằng năm lên tới 100 tỷ đồng, một con số mơ ước của nhiều làng nghề khác.
Thời 100 tỷ có xa hẳn?
“Năm nay chắc doanh số chỉ bằng một phần ba những năm trước!” ông Đoàn Hồng Thụ khẳng định với chúng tôi như vậy. Theo ông Thụ, nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do từ khoảng tháng 9 năm 2004, Nhà nước có chính sách thuế mới đối với các doanh nghiệp thu mua sản phẩm với thuế suất 1%. Thuế thì chẳng bao nhiêu nhưng dường như các doanh nghiệp đã quen “ăn không”, nên khi bị đánh thuế thì hè nhau ép giá, làm giá đũi tụt xuống thê thảm, trong khi giá nguyên liệu vẫn tăng cao, khiến nhiều hộ phải bỏ nghề, tìm cách kiếm sống khác dù rất thiết tha với nghề dệt đũi.
Anh Nguyễn Văn An với lượng hàng ít ỏi thu mua được của bà con làng dệt |
Rời Nam Cao, tôi thầm mong có một doanh nghiệp của huyện hoặc của tỉnh đủ sức để đưa đũi Nam Cao đi xa hơn, giúp nghề dệt đũi tìm lại được vị trí của mình và doanh số 100 tỷ đồng không còn là quá khứ. Có lẽ mong ước ấy, cũng là mong muốn của những người dân nơi đây, không biết đến bao giờ mới thành hiện thực?
HNM