Thế giới

Liên hợp quốc ủng hộ đàm phán Nga – Mỹ

Thương Nguyệt 26/01/2025 09:00

Liên Hợp Quốc ủng hộ mọi cuộc đàm phán có thể diễn ra giữa Tổng thống Nga Putin và Tổng thống Mỹ Donald Trump, Phó phát ngôn viên của Tổng thư ký Liên hợp quốc cho biết.

“Chúng tôi khuyến khích mọi cuộc đàm phán giữa Nga-Mỹ và kỳ vọng họ sẽ tiếp tục tham gia đối thoại”, hãng thông tấn TASS dẫn tuyên bố của Phó phát ngôn viên Farhan Haq, ngày 25-1 (giờ địa phương).

Trước đó, Tổng thống Donald Trump cũng tuyên bố đã sẵn sàng gặp Tổng thống Putin vào thời điểm thuận lợi. Ngày 23-7-2020 là lần gần nhất hai nhà lãnh đạo này có cuộc trao đổi điện đàm.

Tổng thống Donald Trump cũng không loại trừ khả năng các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga sẽ được tăng cường trong trường hợp quốc gia này từ chối ký kết một thỏa thuận liên quan đến xung đột Ukraine.

ngamy.jpg
Liên hợp quốc ủng hộ mọi cuộc đàm phán tiềm năng giữa Tổng thống Putin và Tổng thống Donald Trump. Ảnh: Mikhail Metzel/TASS

Trong động thái phản hồi tuyên bố của người đồng cấp Mỹ về khả năng gặp song phương, Tổng thống Putin khẳng định Nga chưa bao giờ né tránh liên lạc với Mỹ.

“Tổng thống Mỹ từng đưa ra nhiều tuyên bố về vấn đề này. Trước tiên, tôi muốn nói rằng Nga chưa bao giờ từ chối liên lạc với Mỹ”, ông chủ Điện Kremlin nêu rõ.

Liên quan vấn đề Ukraine, Tổng thống Putin cũng khẳng định, Nga sẵn sàng đàm phán để giải quyết xung đột bất chấp việc Ukraine vẫn chưa từ bỏ nguyên tắc không đàm phán với quốc gia này.

Tháng 10 năm 2022, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã ký ban hành quyết định của Hội đồng An ninh và Quốc phòng quốc gia (NSDC) về việc cấm các cuộc đàm phán với Nga. Mục đích của động thái này nhằm ngăn chặn chủ nghĩa ly khai do Nga muốn gây sức ép lên Ukraine thông qua “nhiều hành lang khác nhau”.

Để giải quyết tình hình ở Ukraine, Tổng thống Putin đã đưa ra các điều kiện cụ thể, bao gồm yêu cầu quốc gia Đông Âu rút lực lượng khỏi Donbass, Novorossiya và từ bỏ kế hoạch gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Nga cũng cho rằng, tất cả lệnh trừng phạt của phương Tây nhằm vào quốc gia này phải được gỡ bỏ và trạng thái phi hạt nhân của Ukraine phải được bảo đảm.

Bộ Ngoại giao Nga cho biết, các chính sách của NATO đang khiến châu Âu thêm căng thăng, làm tăng nguy cơ xảy ra xung đột quân sự trực tiếp giữa Nga và tổ chức này. Ở góc độ dài hạn, Mỹ cùng các đồng minh coi Nga là mối đe dọa an ninh trực tiếp lớn nhất trong mọi lĩnh vực, các nhà ngoại giao Nga nhận định.

Cũng theo Bộ Ngoại giao Nga, quân đội Ukraine đang được cung cấp vũ khí tầm xa do các chuyên gia quân sự phương Tây vận hành. Tuy nhiên, NATO vẫn cho rằng diễn biến này là không đủ để khiến liên minh do Mỹ đứng đầu trở thành một bên trong xung đột tại Ukraine.