Điểm đến

Sống chậm giữa không gian Trúc Lâm Quán Tuệ

Vân Hạ 26/01/2025 07:46

Lần đầu đến Trầm Tuệ, tôi không khỏi băn khoăn trước một không gian xa trung tâm với sản phẩm không quá thông dụng thì liệu có thể phát triển?

Lần thứ hai tình cờ quay lại, tôi đã bị cuốn hút trước những câu chuyện của trầm Việt, trà Việt. Lần thứ ba, tham quan triển lãm trầm, thưởng trà và cơm chay, ngắm nhìn nhiều đoàn khách nước ngoài thích thú trải nghiệm, những băn khoăn ban đầu của tôi đã tìm được câu trả lời.

Kể câu chuyện trầm Việt

truc-lam-quan-tue.jpg
Du khách tìm hiểu công đoạn làm trà tại Trúc Lâm Quán Tuệ.

Xưa nay, mỗi khi Tết đến xuân về, nhiều gia đình Việt vẫn giữ thói quen thắp hương trầm. Những năm gần đây, không ít người còn tìm mua vòng trầm để đeo, túi trầm để xông hương, treo ô tô… Thế nhưng, không phải ai cũng biết, cũng hiểu về trầm.

Nhắc đến trầm, ai cũng nghĩ đến hương thơm đặc biệt, sự quý hiếm và đắt đỏ. Đắt là bởi trầm hương được tạo nên sau những tổn thương của cây dó. Khi cây gặp những tác động bên ngoài (xước gãy, bị sét đánh, bị côn trùng đục khoét...) khiến cây bị tổn thương, lập tức cây sẽ tiết một loại nhựa dầu để bảo vệ và phục hồi vết thương. Trải qua thời gian dài, lớp nhựa dầu ấy được tích lũy, dần ăn sâu vào tâm gỗ và tạo thành trầm hương. Cây dó có nhiều loại, phân bố rải rác tại một số nước châu Á, trong đó Việt Nam hiện có khoảng 4 loài dó có thể sinh trầm, nhưng nhiều nhất vẫn là cây dó bầu. Nhờ đặc điểm của môi trường đất, nước và khí hậu, trầm hương Việt được đánh giá cao bởi mùi hương dày và sâu, dịu và ngọt, có nhiều loại trầm và nhiều tầng hương.

tham-quan-2-.jpg
Bộ sưu tập trầm hương Việt Nam trong chương trình “Chạm”.

Bởi trầm hương tự nhiên quý hiếm và đắt đỏ, nên các cơ sở sản xuất trầm của Việt Nam đã tìm những cách tác động vào cây dó bầu nhằm tạo nên trầm hương, để không chỉ đưa trầm đến với phần đông người yêu thích mà còn góp phần bảo vệ trầm hương tự nhiên, bảo tồn cây dó bầu tránh bị khai thác cạn kiệt. Và Trúc Lâm Quán Tuệ (hay Trầm Tuệ, ngõ 235 Phương Trạch, xã Vĩnh Ngọc, huyện Đông Anh) là một trong những “địa chỉ” đã và đang nghiên cứu những cách để tạo ra trầm hương ngày càng tiệm cận với trầm hương tự nhiên nhất có thể với phương pháp nuôi trồng tiên tiến, công nghệ chọn lọc gen tạo giống, công nghệ tạo trầm hương vi sinh. Tại không gian Trúc Lâm Quán Tuệ có thể gặp rất nhiều đoàn khách nước ngoài, phần lớn đến từ Trung Đông, Trung Quốc, Nhật, Hàn. Có người được giới thiệu mà biết, có người chủ đích đi tìm, thậm chí có người chỉ tình cờ đến với Trầm Tuệ qua Google Search, nhưng tất cả khi đến đây đều bày tỏ sự yêu thích không nhỏ với trầm hương Việt Nam.

Không chỉ đơn giản là tạo trầm, mà dường như ở Trầm Tuệ có cả một hệ sinh thái về trầm đã được xây dựng. Với nguyên tắc khai thác là phải trồng bù, Trầm Tuệ là một trong số ít những nhà sản xuất hoàn toàn tự chủ vùng nguyên liệu rừng dó bầu, với khoảng hơn 500ha phân bổ khắp cả nước từ Tuyên Quang, Sơn La, Điện Biên, Thanh Hóa, Hà Tĩnh đến Khánh Hòa, Phú Quốc. Trầm Tuệ hợp tác chặt chẽ với người dân ở các địa phương để phủ xanh đất trống đồi trọc và hiện quản lý hơn một trăm nghìn cây dó bầu với tuổi đời trên 10 năm. Trầm Tuệ sản xuất trầm hương với quy trình khép kín toàn diện, từ tạo giống, trồng đến cấy vi sinh kích thích tạo trầm, khai thác, chế biến và phân phối với mục tiêu tạo ra thành phẩm trầm hương sạch, thanh khiết, an toàn.

Ông Hoàng Văn Hưởng, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Trúc Lâm Quán Tuệ (Trầm Tuệ), chia sẻ: “Ước nguyện của Trầm Tuệ từ khi thành lập là thay một nén hương hóa chất bằng một nén hương trầm sạch. Trầm Tuệ mong muốn sản xuất các sản phẩm trầm hương sạch để có thể lan tỏa tới cộng đồng những nén nhang sạch từ tâm. Trầm hương là hương thơm của sự thanh tịnh. Đốt một nén nhang tinh khiết cũng là cách để ta gửi những khởi niệm, hồi hướng tới cõi linh thiêng. Làn hương sạch giúp mỗi người định tâm, thân an".

Tạo dựng một không gian bình yên

khong-gian-4-.jpg
Nhiều “khách nhí” thích thú trải nghiệm tại Trúc Lâm Quán Tuệ.

Cuối năm 2024, những người yêu trầm hương ở Hà Nội đã vô cùng thích thú khi được tham gia vào chuỗi sự kiện “Chạm” do Trầm Tuệ tổ chức. Không chỉ được chiêm ngưỡng bộ sưu tập trầm hương tự nhiên quý hiếm và độc đáo, trong đó có những khối gỗ đã được mài giũa, chạm khắc thành các tác phẩm nghệ thuật, không chỉ được nghe câu chuyện về quá trình khai thác trầm gian nan và thử thách, mà những người tham gia còn được “thưởng trầm” bằng cách ngửi hương, “uống trầm” qua hương vị độc đáo của trà hay cà phê, và đặc biệt là “chạm trầm” qua trải nghiệm “xỉa trầm” để hiểu sâu hơn về quá trình khai thác, chế tác. Mỗi vết cắt, mỗi đường xỉa cho thấy về sự kiên nhẫn của những người thợ mỗi ngày tỉ mỉ tỉa từng lớp, tách từng phần để có thể giữ vẹn nguyên lớp tinh dầu quý giá bên trong thân gỗ, từ đó hiểu thêm vì sao các sản phẩm từ trầm luôn có giá thành cao.

Song, ở Trúc Lâm Quán Tuệ không chỉ có trầm. Thưởng trà cũng là một trong những nét cuốn hút khi đến với Trầm Tuệ. Tại phòng thiền trà, trong không gian trầm hương nhẹ nhàng lan tỏa là câu chuyện trà đạo, về những lá trà sạch từ cây cổ thụ nghìn tuổi, cách chế biến để tạo ra lục trà, hồng trà, bạch trà… và đặc biệt là tìm hiểu về trà trầm hương - thức uống vương giả ngày xưa. Công thức làm trà trầm của Trầm Tuệ hiện nay là thu hoạch lá của những cây dó bầu tự nhiên đã có thời gian tích trầm khoảng 15 năm và áp dụng công nghệ sản xuất trà ô long tiên tiến. Trà của Trầm Tuệ có thể pha nhiều lần nước mà sắc vẫn trong veo, hương vẫn đậm và thấm sâu chứ không bay vị.

com-chay-4-.jpg

Cơm chay cũng là điểm nhấn khó quên tại không gian Trúc Lâm Quán Tuệ. Hướng tới tiêu chí sạch, thuần tự nhiên, đầy đủ dinh dưỡng và cân bằng âm dương, với nhiều thực khách, các bữa ăn của Trầm Tuệ vô cùng ngon, phong phú và hấp dẫn. Thường xuyên đón khách mỗi ngày, đặc biệt là lượng khách đông trong các ngày cuối tuần, nhưng bếp Trầm Tuệ không hề thu bất cứ khoản phí nào. Với đội ngũ những người làm tại Trầm Tuệ, bếp chay hoạt động là để gieo duyên ăn chay tới tất cả mọi người.

Phục vụ lượng khách lớn mà không thu phí, vậy Trầm Tuệ làm sao để tồn tại và phát triển là câu hỏi không ít người đã đặt ra. Chú trọng đến việc chia sẻ và lan tỏa giá trị, từ trầm sạch, trà sạch cho đến những bữa ăn sạch là điều mà đội ngũ Trầm Tuệ đã và đang thực hiện. Trong không gian tĩnh lặng của Trúc Lâm Quán Tuệ, khách có thể xem và mua các sản phẩm như các loại hương trầm, dụng cụ đốt trầm, trang sức trầm, tinh dầu trầm, trà trầm, mỹ phẩm trầm hương như mặt nạ trầm hương, kem dưỡng ẩm trầm hương… hoặc thưởng thức café Tuệ, một thương hiệu được Trầm Tuệ khai trương cách đây gần một năm với mục tiêu kinh doanh, đồng thời mong muốn góp phần nâng tầm giá trị của cà phê Việt Nam và của dòng cà phê được pha trong những chiếc phin được làm từ chất liệu gốm truyền thống.

Là chốn đi về mà ai có duyên đến một lần vẫn mong muốn trở lại, Trúc Lâm Quán Tuệ đã trở thành một không gian sáng tạo đầy hấp dẫn với khách trong và ngoài nước. Tọa lạc ở địa chỉ khá xa trung tâm những tưởng là một hạn chế nhưng lại là ưu điểm của Trầm Tuệ bởi thực sự đem lại một không gian xanh mát, thư thái và bình yên cho người dân Thủ đô trong nhịp sống đô thị hối hả, xô bồ, đồng thời rất thuận tiện cho khách nước ngoài tranh thủ ghé qua trên đường tới sân bay. Kể việc chế tác, sản xuất thành một câu chuyện, nâng tầm xây dựng thành một không gian sáng tạo như Trầm Tuệ là mô hình rất đáng được lan tỏa, nhân rộng.