Đồng chí Nguyễn Quốc Triệu: Một đời tận tụy cống hiến, có nhiều đóng góp cho Thủ đô Hà Nội
17h07 ngày 24-1, đồng chí Nguyễn Quốc Triệu, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội; nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế, nguyên Trưởng ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương đã từ trần.
Trong 74 năm cuộc đời, hơn 50 năm đứng trong hàng ngũ của Đảng, đồng chí đã tận tụy cống hiến, để lại nhiều dấu ấn trên các cương vị công tác, nhất là những đóng góp cho Thủ đô Hà Nội và ngành Y tế nước nhà.
1. Đồng chí Nguyễn Quốc Triệu sinh năm 1951, tại xã Phú Hòa, huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh. Đồng chí vào Đảng năm 1972, chính thức năm 1973. Đồng chí là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X; nguyên Trưởng ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương; nguyên Bí thư Ban Cán sự đảng, Bộ trưởng Bộ Y tế; nguyên Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội khóa XIII, XIV, nguyên Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội...
Sinh ra từ làng quê Kinh Bắc giàu truyền thống hiếu học, đồng chí đã sớm bộc lộ tố chất ham học hỏi, nghiên cứu. Say mê với hình ảnh chiếc áo blouse trắng của người bác sĩ và con đường trị bệnh cứu người, đồng chí đã lựa chọn và trở thành sinh viên Trường Đại học Y Hà Nội (1968-1971).
Tháng 9-1971, đi theo tiếng gọi của Tổ quốc, đồng chí Nguyễn Quốc Triệu cùng bạn bè trang lứa “xếp bút nghiên lên đường ra trận”, tạm gác việc học tập để trở thành bộ đội Cụ Hồ. Trong những năm 1971-1973, đồng chí là bộ đội đơn vị C24 - E18 - F325, chiến đấu tại chiến trường Quảng Trị.
Chiến trường khốc liệt, ít ai tránh được “hòn tên mũi đạn”, đồng chí bị thương và được đưa về tuyến sau. Là thương binh 4/4, đồng chí Nguyễn Quốc Triệu trở lại Trường Đại học Y tiếp tục theo đuổi sự nghiệp học tập còn dang dở. Ở trường, vẫn mang trong mình tinh thần xung kích của tuổi trẻ, đồng chí được tín nhiệm giao đảm nhiệm vai trò Đảng ủy viên, Bí thư Đoàn trường.
Năm 1981, đồng chí được cử đi học tại Trường Đoàn cao cấp tại Cộng hòa dân chủ Đức; đến tháng 7-1982, trở về làm giảng viên Trường Đại học Y Hà Nội. Trưởng thành từ phong trào Đoàn, đồng chí Nguyễn Quốc Triệu được tín nhiệm bầu vào Ban Thường vụ Thành đoàn Hà Nội, rồi Phó Bí thư Thành đoàn. Trải qua quá trình trau dồi, học tập, tháng 11-1994, đồng chí Nguyễn Quốc Triệu trở thành Giám đốc Sở Y tế Hà Nội và công tác trên cương vị này đến tháng 12-1999, khi đồng chí được tín nhiệm giao giữ chức Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội.
Quá trình công tác không ngừng nỗ lực phấn đấu của đồng chí Nguyễn Quốc Triệu đã được ghi nhận xứng đáng khi đồng chí được tín nhiệm bầu giữ chức vụ Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội. Ngày 2-5-2004, đồng chí được HĐND thành phố Hà Nội bầu giữ chức Chủ tịch UBND thành phố. Với uy tín, năng lực, trình độ trong công tác lãnh đạo, quản lý, cùng kinh nghiệm dày dạn về y tế, ngày 2-8-2007, đồng chí Nguyễn Quốc Triệu được cử giữ chức Bộ trưởng Bộ Y tế khi vẫn đang giữ chức Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội.
Ngày 29-8-2007, đồng chí được Thủ tướng Chính phủ quyết định bổ nhiệm làm Bộ trưởng Bộ Y tế. Đến năm 2011, sau khi thôi giữ chức vụ Bộ trưởng Bộ Y tế, đồng chí được phân công giữ chức vụ Trưởng ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương. Ngày 21-6-2019, ở tuổi 69, đồng chí mới chính thức nhận quyết định nghỉ hưu.
2. Trong 74 năm cuộc đời, hơn 50 năm đứng trong hàng ngũ của Đảng, gần 40 năm công tác, trên cương vị nào, đồng chí cũng cho thấy năng lượng tích cực, một tinh thần tiên phong, gương mẫu và ý chí quyết tâm hết lòng, hết sức vì công việc chung.
Đối với Hà Nội, đồng chí có đóng góp lớn trên nhiều cương vị công tác. Là giảng viên Trường Đại học Y Hà Nội, trường đại học lâu đời nhất Việt Nam, đồng chí đã góp phần vào công tác đào tạo nhân lực chất lượng cao cho ngành Y tế.
Nhiều năm trên cương vị Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, đồng chí Nguyễn Quốc Triệu đã góp phần quan trọng chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân, đặc biệt là việc đầu tư xây dựng và phát triển hạ tầng y tế thành phố, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh từ thành phố xuống cơ sở, tạo nền tảng vững chắc để y tế Thủ đô ngày càng phát triển, trở thành ngọn cờ dẫn đầu cả nước. Đó cũng chính là lý do để Trung ương tín nhiệm cử đồng chí làm Bộ trưởng Bộ Y tế sau này.
Đặc biệt, trên cương vị Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, đồng chí Nguyễn Quốc Triệu đã góp phần quan trọng xây dựng kế hoạch, triển khai tổ chức thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh - quốc phòng và an sinh - xã hội. Những năm 2004-2007 là giai đoạn kinh tế Hà Nội có mức tăng trưởng rất cao, lên tới 2 con số.
Ngay trong năm đầu tiên đồng chí đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội (năm 2004), kinh tế Thủ đô tăng trưởng 11,12%. Hầu hết các chỉ tiêu kinh tế của thành phố đều đạt và vượt so với kế hoạch, như: Thu ngân sách tăng 8,5%, huy động vốn đầu tư xã hội tăng 12,2%, giá trị sản xuất dịch vụ tăng 11,8%, xuất khẩu tăng 19%... Đáng chú ý, sản xuất công nghiệp tăng trưởng cao ở tất cả các khu vực, các thành phần kinh tế.
Với Hà Nội, đồng chí còn đóng góp quan trọng vào công tác quy hoạch và phát triển đô thị Hà Nội, đặc biệt là trong việc đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông, các khu đô thị mới. Trên cương vị lãnh đạo thành phố, đồng chí đã góp phần triển khai các dự án, công trình hạ tầng quan trọng như cầu Vĩnh Tuy, cầu Nhật Tân, Đường 5 kéo dài, các tuyến đường vành đai... Dưới sự chỉ đạo của đồng chí, thành phố ngày càng quan tâm đầu tư phát triển nhà ở, quan tâm giải quyết nhu cầu nhà ở cho cán bộ, công nhân viên chức... Đồng chí còn là người khởi xướng nhiều chương trình cải tạo và nâng cấp đô thị, nhằm tạo ra một môi trường sống cho người dân Thủ đô ngày càng văn minh, hiện đại và thân thiện.
Tâm huyết của đồng chí Nguyễn Quốc Triệu với Thủ đô vẫn luôn tràn đầy mạnh mẽ. Sự chân thành, bộc trực, tất cả vì cái chung vẫn luôn là phong cách của đồng chí. Trong chia sẻ khi nhận tấm Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng từ lãnh đạo Thành ủy Hà Nội, đồng chí nói: “Chúng tôi rất xúc động, vinh dự khi được nhận Huy hiệu Đảng và cũng suy nghĩ tiếp tục làm gì, kể cả những đồng chí đang làm việc hay nghỉ hưu, để tiếp tục đóng góp xây dựng Đảng, Nhà nước trong sạch, vững mạnh. Đồng thời tiếp tục vận động gia đình, hàng xóm, tổ dân phố tích cực chấp hành tốt chính sách pháp luật của Nhà nước, tham gia công tác xã hội”.
3. Dấu ấn đồng chí Nguyễn Quốc Triệu để lại trong lòng nhân dân có lẽ sâu sắc nhất là ở cương vị Bộ trưởng Bộ Y tế. Đồng chí đã có nhiều đóng góp trong việc cải cách hệ thống y tế, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh...
Đồng chí đã chỉ đạo tốt hệ thống y tế, tham mưu huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị để thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh, đặc biệt là trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp như dịch tiêu chảy cấp (2007), dịch cúm A H5N1(2009)...
Đặc biệt, Bộ trưởng Nguyễn Quốc Triệu có đóng góp rất quan trọng trong phát triển ngành Y tế nước nhà với Đề án 1816 "Cử cán bộ chuyên môn luân phiên từ bệnh viện tuyến trên về hỗ trợ các bệnh viện tuyến dưới nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh" (Quyết định số 1816/QĐ-BYT ngày 26-5-2008). Đây là một chủ trương lớn của ngành Y tế, thể hiện quyết liệt thực hiện chủ đề "Hướng về y tế cơ sở", đồng thời cũng là một trong những giải pháp quan trọng nhằm "giảm tải" các bệnh viện tuyến trên. Đề án đã giải quyết kịp thời vấn đề cấp bách mà thực tiễn đặt ra, góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân, nhất là trong bối cảnh có sự phân bổ không đồng đều về nguồn lực (cả về cán bộ, trang thiết bị...) giữa các vùng miền, giữa thành thị và nông thôn, đặc biệt với miền núi, vùng cao, vùng sâu, xa.
Trao đổi tại diễn đàn Quốc hội, đồng chí Nguyễn Quốc Triệu từng cho biết: "Khi tôi làm Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, huyện Sóc Sơn không có bác sĩ nên ngành Y tế Thủ đô phải đưa bác sĩ ở Bệnh viện Xanh Pôn, Thanh Nhàn, Đống Đa xuống làm việc, còn y sĩ ở tuyến xã đi học bác sĩ". Có thể nói, từ kinh nghiệm thực tiễn, cùng với tâm huyết và tầm nhìn, đồng chí đã góp phần thay đổi chất lượng ngành Y tế.
Chỉ sau hơn 2 quý thực hiện Đề án 1816, cả nước đã có gần 60 bệnh viện lớn (tuyến trung ương, các bệnh viện hạng I) cử hơn 800 lượt cán bộ đi luân phiên về hỗ trợ các bệnh viện của 57 tỉnh đang gặp khó khăn, có nhu cầu bức xúc. Trong khoảng thời gian đó, khoảng 6.000 bệnh nhân của các địa phương đã được thầy thuốc tuyến trên khám, chữa bệnh trực tiếp; trong đó có hơn 300 ca bệnh nặng.
Hơn 10 năm nhìn lại, cán bộ, lãnh đạo, y, bác sĩ các địa phương đều khẳng định, Đề án 1816 đã giúp các bệnh viện, trung tâm y tế phát triển chuyên môn rất tốt.
Không chỉ kiên định đề xuất chủ trương luân chuyển bác sĩ giữa các tuyến để nâng cao tay nghề, đồng chí Nguyễn Quốc Triệu còn là người quyết liệt đề nghị tăng chi ngân sách nhằm nâng cấp y tế cơ sở, vào thời điểm chi cho nội dung này ước tính chỉ từ 400-500 tỷ đồng/năm cho toàn ngành Y tế. "Nếu Chính phủ và Quốc hội không cấp đủ tiền thì biện pháp của Bộ Y tế chỉ là tạm thời và không vững chắc", đồng chí từng nêu rõ quan điểm. Nhờ sự quan tâm đúng hướng của lãnh đạo ngành như vậy, y tế nước ta đã không ngừng phát triển, có thêm nguồn lực đầu tư ở cả nguồn ngân sách và xã hội hóa.
Với những thành tích và đóng góp xuất sắc cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, sự nghiệp đổi mới và phát triển đất nước, đồng chí đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng: Huân chương Độc lập hạng Nhất, Huân chương Lao động hạng Nhất, hạng Nhì, hạng Ba; Huy chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Nhì, Huy hiệu Chiến sĩ Thành cổ Quảng Trị; Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng và nhiều phần thưởng cao quý khác.
Đồng chí ra đi là sự mất mát lớn của Đảng, Nhà nước và nhân dân, để lại niềm tiếc thương vô hạn trong lòng đồng chí, đồng bào.
Tang lễ của đồng chí Nguyễn Quốc Triệu, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế được tổ chức theo nghi thức lễ tang cấp cao. Lễ viếng bắt đầu từ 7h ngày 26-1-2025 tại Nhà tang lễ quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông, quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội.