TP Hồ Chí Minh

Thành phố Hồ Chí Minh làm gì nếu bãi rác Đa Phước ngưng tiếp nhận?

Nguyễn Lê 24/01/2025 - 22:26

Tối 24-1, UBND thành phố Hồ Chí Minh ban hành Văn bản số 601/UBND-ĐT về phương án điều phối công tác thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt bảo đảm an ninh chất thải trên địa bàn thành phố.

bai-rac-da-phuoc-tphcm.jpg
Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Đa Phước nhìn từ trên cao. Ảnh: TL

Theo đó, UBND thành phố yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường có văn bản gửi Công ty TNHH Xử lý chất thải rắn Việt Nam (VWS) làm rõ tình trạng công nhân ngưng làm việc ngày 23-1-2025.

Trong trường hợp Công ty VWS có văn bản cam kết không để xảy ra tình trạng nêu trên, Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức điều phối khối lượng rác sinh hoạt trên địa bàn thành phố về Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Đa Phước, Bãi chôn lấp số 3 (dự phòng) và các nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt hiện hữu để bảo đảm an ninh, an toàn việc xử lý rác thải của thành phố.

Trong trường hợp Công ty VWS dừng tiếp nhận, xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Đa Phước, Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các sở, ngành, UBND thành phố Thủ Đức và các quận, huyện triển khai thực hiện phương án điều phối công tác thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt bảo đảm an ninh chất thải trên địa bàn thành phố.

Cụ thể, Sở Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo Ban Quản lý các khu liên hợp xử lý chất thải thành phố phối hợp với UBND thành phố Thủ Đức và các quận, huyện giám sát chặt chẽ công tác vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn thành phố về các cơ sở xử lý. Hướng dẫn cập nhật dữ liệu tại trạm cân, ghi nhận và xác nhận khối lượng vận chuyển cho quận, huyện và cơ sở xử lý Bãi chôn lấp số 3 (phương án dự phòng).

Sở Tài nguyên và Môi trường chủ động xử lý kịp thời các tình huống cấp bách về an ninh chất thải và kịp thời báo cáo UBND thành phố.

UBND thành phố cũng yêu cầu Công an thành phố hỗ trợ, ưu tiên phân luồng để các phương tiện vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt được lưu thông xuyên suốt 24/24 giờ, kịp vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt về các cơ sở xử lý chất thải tại Khu liên hợp xử lý chất thải Tây Bắc (huyện Củ Chi) nhằm không xảy ra ùn ứ rác thải và bảo đảm an ninh đô thị trên địa bàn thành phố.

Trước đó, tối cùng ngày, Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Hồ Chí Minh kiến nghị UBND thành phố chấp thuận cho Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị thành phố triển khai các giải pháp dự phòng xử lý chất thải rắn sinh hoạt của thành phố theo chủ trương của Ban Cán sự đảng UBND thành phố.

Cụ thể, đưa Bãi chôn lấp số 3 đi vào hoạt động, xử lý tiếp nhận chất thải rắn sinh hoạt cho thành phố; đề nghị Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị thành phố triển khai thực hiện các thủ tục liên quan tiếp nhận khối lượng chất thải rắn sinh hoạt khoảng 2.000-6.000 tấn/ngày. Đồng thời, triển khai các giải pháp dự phòng tiếp nhận thêm chất thải rắn sinh hoạt tại các bãi chôn lấp số 1, 1A và số 2 trong tình huống khẩn cấp bảo đảm an ninh chất thải cho thành phố.

Trong năm 2024, trung bình mỗi ngày thành phố Hồ Chí Minh phát sinh khoảng 13.000 tấn chất thải rắn sinh hoạt. Trong đó, số lượng chất thải rắn sinh hoạt được tái chế, xử lý trung bình khoảng 10.000 tấn/ngày.

Mỗi ngày, Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Đa Phước tiếp nhận và xử lý khoảng 6.000 - 6.500 tấn chất thải rắn sinh hoạt.