Nông nghiệp - Nông thôn

Làng nghề bánh chưng Tranh Khúc vào vụ lớn nhất năm

Ngọc Quỳnh 24/01/2025 - 06:39

Hiện làng nghề Tranh Khúc, xã Duyên Hà (huyện Thanh Trì) vào vụ sản xuất lớn nhất năm; nhiều hộ làm nghề đầu tư hệ thống nấu bánh chưng bằng nồi điện thay thế bếp củi, than..., chất lượng vẫn bảo đảm. Từ lâu, bánh chưng Tranh Khúc đã nổi tiếng thơm ngon, đậm vị truyền thống...

Tất bật vào vụ

la-dong.jpg
Các xe vận chuyển lá dong vào thôn phục vụ gói bánh chưng ngày Tết. Ảnh: Phương Xuyến

Thời điểm này, mọi nẻo đường dẫn vào làng nghề bánh chưng Tranh Khúc nhộn nhịp hơn bao giờ hết. Từng đoàn xe chở nguyên liệu lá dong, đậu, gạo, thành phẩm vào - ra nhộn nhịp. Bà Nguyễn Thị Thu cho hay, năm nào cũng vậy, để chuẩn bị cho vụ bánh chưng Tết, gia đình đều phải đặt mua lá dong từ trước đó hơn 1 tháng.

Vụ bánh chưng của làng nghề bắt đầu từ ngày 20 đến 30 tháng Chạp. Ra Tết, khoảng mùng 3 đến 15 tháng Giêng, người dân sản xuất trở lại phục vụ lễ hội. Song, tiêu thụ lượng lớn sản phẩm vẫn là dịp Tết Nguyên đán. Nếu như ngày thường gia đình bà Thu bán 100-200 chiếc bánh/ngày, thì từ Rằm tháng Chạp trở đi, mỗi ngày tiêu thụ hàng nghìn chiếc bánh...

banh-chung-c-thu.jpg
Các gia đình tất bật gói bánh chưng phục vụ thị trường Tết. Ảnh: Phương Xuyến

Bà Đặng Thị Thảo ở thôn Tranh Khúc, xã Duyên Hà chia sẻ, vào những ngày này, cả làng sôi động như một “công trường”, người rửa lá dong, người vo gạo, người gói..., dù tất bật nhưng ai cũng vui. Dự kiến, dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 này, gia đình bà cung cấp cho thị trường khoảng 10.000 chiếc bánh chưng.

Người dân thôn Tranh Khúc cẩn thận từng chi tiết khói bánh chưng. Ảnh: Phương Xuyến.
Để làm ra chiếc bánh chưng ngon, đòi hỏi sự kỳ công, khéo léo của người làng nghề... Ảnh: Phương Xuyến

Theo Phó Chủ tịch UBND xã Duyên Hà Nguyễn Văn Mão, vụ bánh chưng Tết năm nay bắt đầu từ ngày 10 đến 29 tháng Chạp, mỗi hộ gói từ 10.000 đến 15.000 bánh chưng, ước tính, sản lượng đạt hơn 1 triệu chiếc cung cấp cho thị trường. Trong đó, khoảng 70% phục vụ khách hàng tại Hà Nội; 30% lượng bán cho các tỉnh, thành phố và xuất khẩu.

Khác với một số làng nghề bánh chưng, người dân Tranh Khúc không dùng khuôn gỗ mà gói trực tiếp bằng đôi tay khéo léo. Theo kinh nghiệm của người Tranh Khúc, gói bánh bằng tay sẽ chặt hơn, rền, dẻo, giữ được hương vị đặc trưng. Xưa, Tranh Khúc thường nấu bánh bằng củi khô; ngày nay, các hộ làm nghề đầu tư nồi điện, nồi hơi... Song, dù bằng chất đốt nào thì thời gian nấu vẫn phải bảo đảm 10-12 tiếng để hạt gạo mềm, nhừ quyện nhân đậm đà, thơm ngậy...

Để nâng cao giá trị bánh chưng Tranh Khúc, xã khuyến khích các hộ sản xuất sản phẩm đạt OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm). Đến nay, trên địa bàn xã có 3 cơ sở sản xuất bánh chưng được công nhận sản phẩm OCOP, trong đó một hộ có bánh đạt sản phẩm OCOP 4 sao…

Niềm vui của người dân khi vớt bánh cung cấp cho thị trường những ngày Tết. Ảnh: Phương Xuyến.
Niềm vui của người dân khi vớt bánh phục vụ thị trường Tết. Ảnh: Phương Xuyến

Kết nối yêu thương, lưu giữ truyền thống

Nhằm gìn giữ văn hóa, giữ lửa truyền thống làng nghề, quảng bá sản phẩm OCOP tới đông đảo người dân, vừa qua, Huyện Đoàn huyện Thanh Trì tổ chức hội thi gói bánh chưng. Bí thư Huyện đoàn Thanh Trì Tạ Thu Sa cho biết, khác mọi năm, cuộc thi gói bánh chưng năm nay chủ yếu là các hộ dân của làng Tranh Khúc, hướng đến học sinh các trường trung học cơ sở, trung học phổ thông, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và Giáo dục thường xuyên. Đây không chỉ là cách giáo dục, mà còn là hành trình truyền lửa, giúp thế hệ trẻ tiếp nối, gìn giữ, phát huy nét đẹp văn hóa của dân tộc để mỗi Tết đến, Xuân về là hành trình yêu thương, gắn kết...

banh-chung-goi-hs.jpg
Huyện Thanh Trì giữ gìn thương hiệu bánh chưng Tranh Khúc thông qua các cuộc thi dành cho học sinh. Ảnh: Phương Xuyến

Hội thi diễn ra sôi nổi trong không khí ngập tràn sắc xuân, thu hút sự tham gia của 19 đội thi. Ban tổ chức chia thành 2 bảng, gồm: Khối trung học cơ sở và khối trung học phổ thông với nhiều gương mặt trẻ tiêu biểu, khéo léo, tài năng. Từ những nguyên liệu được chuẩn bị sẵn như gạo nếp, đỗ, thịt, lá dong..., qua đôi tay khéo léo, các đội thi tạo nên những chiếc bánh chưng xanh vuông vắn, điểm xuyết cành hoa đào, phong bao rực rỡ, tràn sắc xuân... Mỗi sản phẩm còn thể hiện chủ đề riêng, độc đáo, mang đậm nét văn hóa cổ truyền dân tộc Việt Nam.

banh-8.jpg
Học sinh hào hứng tham gia gói bánh chưng. Ảnh: Phương Xuyến

Lần đầu tiên gói bánh chưng, em Trình Châu Anh, học sinh lớp 6A5, Trường Trung học cơ sở Tứ Hiệp chia sẻ: "Em rất vui khi được trải nghiệm, hòa mình vào nét đẹp văn hóa truyền thống ngày Tết. Qua đó, em hiểu thêm ý nghĩa của bánh chưng, tình yêu dân tộc, sự gắn kết giữa con người với nhau trong ngày Tết cổ truyền"...

Còn theo bà Lê Thị Thuỷ, phụ huynh Trường Trung học cơ sở Tam Hiệp vui mừng nói: “Đến với hội thi hôm nay, các em rất háo hức được trực tiếp gói bánh chưng. Tôi rất vui vì các con có phút giây vui vẻ cùng bạn bè, có được những bài học, kỹ năng sống quý giá không thể có trên sách vở. Đây cũng là dịp để thế hệ trẻ hiểu, trân trọng giá trị của làng nghề bánh chưng Tranh Khúc nổi tiếng của quê hương Thanh Trì - một biểu tượng không thể thiếu trong mâm cỗ Tết...”.