Chống lãng phí

Việt Nam - Kỷ nguyên vươn mình: Đồng lòng chống lãng phí

Nhóm phóng viên 23/01/2025 06:20

Để đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình cùng dân tộc, toàn Đảng, toàn dân ta đã, đang thống nhất nhận thức phòng, chống lãng phí là cuộc chiến chống “giặc nội xâm”, có vị trí tương đương với phòng, chống tham nhũng, tiêu cực…

Thực hiện chủ trương quan trọng này, thành phố Hà Nội đang đồng lòng cùng cả nước tập trung nhận diện lãng phí và đưa ra giải pháp phù hợp để xử lý rốt ráo, triệt để.

ho-ao.jpg
Nhờ sự vào cuộc quyết liệt của lãnh đạo thành phố Hà Nội, công trình Công viên hồ Phùng Khoang đã hoàn thành và đưa vào sử dụng theo đúng kế hoạch. Ảnh: Nguyễn Quang

Nhận diện lãng phí

Theo Báo cáo giám sát chuyên đề của Quốc hội khóa XV tại kỳ họp thứ tư về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021”, trên cả nước có hàng nghìn dự án chậm tiến độ. Tình trạng quy hoạch “treo”, dự án “treo” khá phổ biến. Chỉ tính riêng 7/15 địa phương đoàn giám sát làm việc, đã có 1.739 công trình, dự án được UBND cấp tỉnh phê duyệt nhưng không triển khai, phải hủy bỏ…

Tại Hà Nội, theo thống kê, có tới 712 dự án sử dụng vốn ngoài ngân sách, có sử dụng đất, chậm triển khai trên địa bàn. Dù xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, song thực trạng này đã gây nên tình trạng lãng phí.

Mục sở thị dự án Khu đô thị mới AIC của Công ty Bất động sản AIC trên địa bàn xã Tiền Phong (huyện Mê Linh) mới thấy sự lãng phí lớn nguồn lực đất đai. Dự án này có diện tích hơn 94ha, được phê duyệt chủ trương đầu tư ngày 23-7-2008 và đến nay, mới giải phóng mặt bằng được hơn 52ha, đầu tư xây dựng một số tuyến đường nội khu nhưng để hoang.

Ông Vũ Văn Nhật (thôn Trung Hậu Đoài, xã Tiền Phong) có đất nằm trong dự án cho biết, toàn bộ khu đất này trước đây là "bờ xôi ruộng mật", nông dân trồng hoa, cây cảnh, cho thu nhập cao, ổn định. Nhìn những thửa ruộng thẳng cánh cò bay bị bỏ hoang hơn 16 năm nay, mà thấy xót xa. Người dân thì thiếu đất sản xuất, còn doanh nghiệp được giao đất lại bỏ hoang, lãng phí…

“Thành phố và các cơ quan chức năng phải vào cuộc kiểm tra, rà soát, làm rõ trách nhiệm của các bên liên quan để xử lý. Bỏ hoang, lãng phí tài nguyên là có lỗi với nhân dân, với đất nước”, ông Vũ Văn Nhật nói.

Trên địa bàn huyện Mê Linh còn có 63 dự án khác có tổng diện tích khoảng 2.000ha đất bị các doanh nghiệp “xí phần” nhiều năm nay, như: Khu đô thị mới Vinalines có diện tích hơn 115ha ở các xã: Đại Thịnh, Thanh Lâm, Tráng Việt; Khu đô thị mới Prime Group gần 100ha ở các xã: Đại Thịnh, Tráng Việt, Mê Linh; Khu đô thị mới An Thịnh hơn 72ha ở xã Đại Thịnh… Trong đó, có nhiều dự án đã hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng nhưng quây tôn bỏ đất hoang hóa hàng chục năm nay.

Tại quận Hà Đông, khu đất thuộc lô IX, thửa số 17 (phường Hà Cầu) rộng hơn 2,3ha cũng bị bỏ hoang gần 20 năm nay. Trước khi thành phố Hà Nội mở rộng địa giới hành chính (năm 2008), khu đất này được quy hoạch để làm Bảo tàng Hà Tây (cũ). Năm 2024, UBND quận Hà Đông đã đầu tư xây dựng Trường Trung học cơ sở Hà Đông trên diện tích hơn 0,5ha; số diện tích còn lại được giao cho doanh nghiệp xây dựng nhà ở (hiện vẫn bỏ hoang). Điều đáng nói, không chỉ bị bỏ hoang lâu ngày, diện tích đất “vàng” này còn giao cho doanh nghiệp tới hơn 1,8ha để xây dựng nhà ở, trong khi đất xây dựng trường học thì chật hẹp.

Cùng chung số phận là 10 dự án đô thị dịch vụ trên địa bàn huyện Quốc Oai có tổng diện tích đất cần thu hồi hơn 1.200ha, đến nay vẫn “án binh bất động”. Các dự án này phần lớn đã được giải phóng mặt bằng, song vẫn bị bỏ hoang, cây dại mọc um tùm...

Chưa kể, còn có tình trạng quản lý, sử dụng trụ sở làm việc, nhà công vụ và công trình phúc lợi công cộng không đúng quy định, chưa hiệu quả; sử dụng sai mục đích, lãng phí; sắp xếp chậm, chưa xử lý dứt điểm tình trạng bị lấn chiếm, tranh chấp kéo dài nhiều năm. Hiện tại, Hà Nội vẫn còn 1.947 số căn hộ trống/17.863 căn tái định cư chưa có quyết định bán nhà, 489 căn hộ chưa có phương án bố trí...

Cần hành động quyết liệt

Nhận rõ hệ lụy của căn bệnh “lãng phí”, thực hiện chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm, Hà Nội là địa phương đầu tiên trên cả nước thành lập “Ban Chỉ đạo về thực hiện các biện pháp phòng, chống lãng phí của UBND thành phố Hà Nội” (theo Quyết định số 6037/QĐ-UBND ngày 20-11-2024 của UBND thành phố Hà Nội). UBND thành phố đã giao nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo với 4 nhóm nội dung lớn, trong đó có 23 vấn đề cụ thể để tập trung rà soát, tháo gỡ các nút thắt, điểm nghẽn, phát huy các nguồn lực đầu tư. Cùng với đó, thành phố thành lập một tổ công tác đặc biệt về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư, dự án đầu tư khẩn trương xử lý, giải quyết, đẩy nhanh tiến độ thực hiện.

Tại lễ công bố quyết định, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Trần Sỹ Thanh, Trưởng ban Chỉ đạo đã chỉ đạo các cấp, ngành, đơn vị đến Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, phải hoàn thành, đưa vào sử dụng dự án đầu tư xây dựng Công viên hồ Phùng Khoang. Đây là công trình thuộc Dự án đầu tư xây dựng Khu đô thị Phùng Khoang - dự án đầu tư đối ứng thực hiện của hợp đồng BT xây dựng tuyến đường Lê Văn Lương, được khởi công từ năm 2016, đã cơ bản hoàn thành các hạng mục chính, tuy nhiên còn một phần chưa hoàn thành, chưa đưa vào khai thác sử dụng.

Thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch UBND thành phố, đơn vị thi công khẩn trương triển khai và các bên đã thống nhất đưa các hạng mục công trình Công viên hồ Phùng Khoang (không bao gồm hạng mục hồ điều hòa) vào khai thác phục vụ nhân dân từ ngày 15-1-2025. Trước đó, thành phố cũng đã tháo gỡ vướng mắc, tồn tại đối với 2 dự án xây dựng công viên (Công viên Thiên Văn học và Công viên Cây đàn tại Khu đô thị Dương Nội, quận Hà Đông), kịp thời hoàn thành và đưa vào phục vụ nhân dân.

Cùng với các công trình nêu trên, UBND thành phố Hà Nội rốt ráo xử lý 712 dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm tiến độ. Lũy kế đến tháng 11-2024, đã có 706 dự án (chiếm 99,2%) với tổng diện tích 11.352ha đất được rà soát, kết luận thanh tra, kiểm tra và chỉ đạo xử lý. Còn lại 6 dự án đã có quyết định chủ trương nhưng chưa được Nhà nước giao đất, cho thuê đất đang được kiểm tra, đề xuất phương án xử lý. Đáng chú ý, đã có 420 dự án đã được đưa ra khỏi danh sách các dự án chậm triển khai, nhưng vẫn tiếp tục được giám sát...

Thành phố cũng thông tin về tiến độ xử lý 117 dự án do UBND các quận, huyện, thị xã rà soát, thống kê, đề nghị xử lý, đã xác định 71 dự án chưa có quyết định giao đất, cho thuê đất và 46 dự án có quyết định giao đất, cho thuê đất. Đối với 71 dự án chưa có quyết định giao đất, cho thuê đất, thành phố đã đưa ra khỏi danh sách chậm triển khai 3 dự án do hoàn thành hoặc chưa hình thành; chấm dứt thực hiện 3 dự án; đôn đốc tiếp tục thực hiện 5 dự án; đề xuất phương án xử lý đối với 36 dự án. Các đơn vị liên quan kiểm tra, đôn đốc, giám sát đối với 24 dự án...

Bên cạnh đó, thành phố liên tiếp có các văn bản chỉ đạo liên quan đến việc quản lý, sử dụng các công trình trụ sở, công sở, diện tích nhà thuộc sở hữu nhà nước… Mới đây nhất, UBND thành phố Hà Nội ban hành Văn bản số 217/UBND-KTTH ngày 20-1-2025 về việc thực hiện Công điện số 125/CĐ-TTg ngày 1-12-2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. UBND thành phố Hà Nội yêu cầu, giám đốc, thủ trưởng các sở, ban, ngành, tổ chức, đơn vị, chủ tịch UBND quận, huyện, thị xã tập trung chỉ đạo các đơn vị thuộc phạm vi quản lý khẩn trương, quyết liệt giải quyết trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp và tài sản công dôi dư theo đúng quy định, bảo đảm công khai, minh bạch.

Trước đó, ngày 14-11-2024, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh cũng ký ban hành Văn bản số 3766/UBND-ĐT triển khai thực hiện Công điện số 112/CĐ-TTg ngày 6-11-2024 của Thủ tướng Chính phủ về tập trung giải quyết dứt điểm các dự án tồn đọng, dừng thi công kéo dài; khẩn trương triển khai, hoàn thành, đưa vào sử dụng chống lãng phí, thất thoát... Tất cả những việc này thể hiện sự quyết tâm của Hà Nội trong việc đi đầu thực hiện các chủ trương của Đảng, Nhà nước, trong đó có nhiệm vụ chống lãng phí.