An toàn thực phẩm

Công điện bảo đảm an toàn thực phẩm dịp Tết Nguyên đán và Lễ hội xuân năm 2025

baochinhphu,vn 22/01/2025 - 19:53

Ngày 22-1-2025, Phó Thủ tướng Lê Thành Long ký Công điện số 05/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về bảo đảm an toàn thực phẩm dịp Tết Nguyên đán và Lễ hội xuân năm 2025.

Công điện bảo đảm an toàn thực phẩm dịp Tết Nguyên đán và Lễ hội xuân năm 2025- Ảnh 1.
Bảo đảm an toàn thực phẩm dịp Tết Nguyên đán và Lễ hội xuân năm 2025

Công điện gửi các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; Hội Nông dân Việt Nam.

Nội dung công điện như sau:

Hàng năm, vào dịp Tết Nguyên đán, lễ hội đầu xuân, nhu cầu tiêu thụ thực phẩm của người dân tăng cao; tại các khu vực lễ hội Tết, lễ hội xuân tập trung lượng lớn người tham gia, có nhiều nguy cơ mất an toàn, ngộ độc thực phẩm, ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng người tiêu dùng.

Để bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng ngừa ngộ độc thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ và lễ hội xuân 2025, phục vụ nhân dân đón Tết, vui xuân an toàn, bảo đảm sức khỏe, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp bảo đảm an toàn thực phẩm theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền, trong đó lưu ý một số nội dung trọng tâm sau đây:

1. Các Bộ: Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương:

- Căn cứ chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao, tập trung chỉ đạo thực hiện hoạt động thông tin, tuyên truyền về nguy cơ mất an toàn thực phẩm, các biện pháp bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng ngừa ngộ độc thực phẩm; chú trọng tuyên truyền chế tài xử phạt. Tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm, công khai các tổ chức, cá nhân vi phạm an toàn thực phẩm theo quy định.

- Bộ Y tế: Chỉ đạo cấp cứu, điều trị kịp thời cho người bị ngộ độc thực phẩm; chuẩn bị phương án cấp cứu, giường bệnh, phương tiện, sẵn sàng điều trị người bệnh trong các sự kiện tập trung đông người, ngộ độc thực phẩm nhiều người mắc.

- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Hướng dẫn nông dân, các cơ sở trồng trọt, chăn nuôi, thu gom, sơ chế, giết mổ, chế biến, bảo quản nông sản, thuỷ sản thực hiện tốt các quy định bảo đảm an toàn thực phẩm; tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm an toàn thực phẩm, tập trung kiểm tra các thực phẩm có mức tiêu thụ cao trong dịp Tết, lễ hội xuân như giò, chả, rau, quả, thịt gia súc, gia cầm, thuỷ sản.

- Bộ Công Thương: Tăng cường kiểm soát việc sản xuất, kinh doanh, sử dụng rượu, bia; tăng cường kiểm tra, phòng chống thực phẩm giả, gian lận thương mại, chú trọng các mặt hàng có nhu cầu tiêu dùng cao vào dịp Tết, mùa lễ hội.

2. Bộ Công an, Bộ Quốc phòng: Chỉ đạo các lực lượng công an, bộ đội biên phòng phối hợp với lực lượng hải quan, quản lý thị trường và các cơ quan liên quan tăng cường kiểm soát, ngăn chặn, xử lý nghiêm việc nhập khẩu thực phẩm trái phép qua biên giới, hành vi sản xuất, vận chuyển, buôn bán thực phẩm giả, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

3. Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các cơ quan báo, đài Trung ương và địa phương tăng thời lượng phát sóng, đẩy mạnh tuyên truyền, giới thiệu các biện pháp bảo đảm an toàn thực phẩm, các điển hình sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn, các sản phẩm truyền thống, phổ biến cách nhận diện và phòng ngừa nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm.

4. Đề nghị Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam tham gia truyền thông, giám sát các hoạt động bảo đảm an toàn thực phẩm tại các khu dân cư; phát hiện, ngăn chặn kịp thời các hành vi sản xuất, kinh doanh thực phẩm giả, kém chất lượng.

5. Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:

- Tăng cường tuyên truyền phổ biến pháp luật, kiến thức về an toàn thực phẩm; vận động nhân dân thay đổi các tập quán ăn uống lạc hậu trong các ngày lễ hội, ngày Tết; không ăn thịt gia súc, gia cầm ốm, chết, không rõ nguồn gốc, chưa qua kiểm dịch, không ăn tiết canh và thức ăn chưa được nấu chín; không uống rượu tự ngâm các loại cây, củ, rễ, nội tạng động vật, mật động vật, rượu không có nguồn gốc xuất xứ, gây ra ngộ độc do rượu, methanol và các độc tố từ các vật ngâm trong rượu; không lạm dụng rượu bia trong ngày Tết, ngày lễ hội.

- Đẩy mạnh kiểm tra liên ngành việc thực hiện các quy định bảo đảm an toàn thực phẩm; tăng tần suất kiểm tra đột xuất các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm có nguy cơ cao, chợ đầu mối, các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm, sản xuất, kinh doanh thịt, cá, mứt, bánh, kẹo, rượu,... Kiên quyết đình chỉ hoạt động đối với cơ sở vi phạm, thu hồi và xử lý thực phẩm không an toàn theo quy định.

- Chính quyền địa phương các đô thị lớn, nơi lễ hội có lượng lớn người tham gia phải tăng cường kiểm soát an toàn thực phẩm, kiểm tra đột xuất các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, kinh doanh thức ăn đường phố, các cơ sở kinh doanh thực phẩm tại các khu lễ Tết, lễ hội xuân. Sẵn sàng phương án, lực lượng và trang thiết bị để triển khai hiệu quả các biện pháp xử lý, khắc phục hậu quả khi xảy ra sự cố về an toàn thực phẩm, ngộ độc thực phẩm trên địa bàn.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp chịu trách nhiệm về sự cố mất an toàn thực phẩm, ngộ độc thực phẩm quy mô lớn xảy ra trên địa bàn./.