Kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 - 3/2/2025): Ý Đảng hòa quyện lòng dân, đưa đất nước tiến vào kỷ nguyên mớiBài 3: Chuyển đổi số trong công tác Đảng - yêu cầu cấp thiết
Chuyển đổi số là một xu thế tất yếu khách quan diễn ra ở mọi lĩnh vực trong đời sống xã hội. Trong công tác Đảng, chuyển đổi số là yêu cầu cấp thiết, qua đó giúp công tác lãnh đạo, chỉ đạo và sinh hoạt Đảng có nhiều đổi mới, hiệu quả, góp phần đưa đất nước tiến nhanh trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Nhiệm vụ quan trọng, cần thiết
Ngày 1-12-2024, Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TƯ ngày 25-10-2017 của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”; tình hình kinh tế - xã hội năm 2024, giải pháp tăng tốc phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 và tháo gỡ những điểm nghẽn, nút thắt về thể chế. Hội nghị được tổ chức bằng hình thức trực tiếp từ Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội kết hợp trực tuyến tới 14.535 điểm cầu trong cả nước với 1,3 triệu đại biểu tham dự.
Mới đây nhất, ngày 13-1-2025, tại Hà Nội, Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức Hội nghị toàn quốc về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Hội nghị được tổ chức bằng hình thức trực tiếp từ Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội kết hợp trực tuyến tới 15.345 điểm cầu trong cả nước, với 978,532 đại biểu tham dự.
Đó chỉ là 2 trong số rất nhiều cuộc họp trực tuyến được Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng triển khai thời gian qua. Điều đó cho thấy, chuyển đổi số trong công tác Đảng ngày càng phát huy hiệu quả. Cán bộ, đảng viên đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, quý báu hơn để xây dựng và phát triển đất nước nhanh, bền vững. Chất lượng công tác lãnh đạo, chỉ đạo được nâng lên, đẩy nhanh được “tốc độ” đưa các nghị quyết, chỉ thị của Đảng vào cuộc sống.
Những cuộc họp trực tuyến toàn quốc được triển khai thường xuyên từ những năm 2014-2015, nhưng phải đến khi dịch Covid-19 xuất hiện vào cuối năm 2019, hình thức hội họp này mới được sử dụng thường xuyên trong sinh hoạt chính trị.
Để thích ứng với tình hình mới, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 52-NQ/TƯ ngày 27-9-2019 về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, trong đó nhấn mạnh yêu cầu cấp bách để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số. Trên cơ sở đó, Chính phủ đã ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TƯ, đồng thời Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 14-1-2020 về “Thúc đẩy phát triển công nghệ số Việt Nam”, Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 3-6-2020 phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.
Chuyển đổi số trong công tác Đảng là vấn đề mới, chưa có nhiều mô hình để nghiên cứu, học tập nhưng cũng không thể chậm trễ. Với sứ mệnh “đi trước, mở đường”, các tổ chức của Đảng cần tiên phong trong công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức về chuyển đổi số trong cán bộ, đảng viên, nhân dân và thực hành chuyển đổi số công tác Đảng, mà trước hết là công tác quản lý và sinh hoạt Đảng. Thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về chuyển đổi số trong công tác Đảng, Ban Bí thư đã ban hành Quyết định số 27-QĐ/TƯ ngày 10-8-2021 về Chương trình ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan Đảng giai đoạn 2021-2025, trong đó nhấn mạnh chuyển đổi số, cải cách hoạt động của các cơ quan Đảng bằng số hóa là nhiệm vụ quan trọng, cần thiết nhằm hiện đại hóa, minh bạch hóa công tác Đảng.
Trong quá trình lãnh đạo và tổ chức thực hiện, Đảng Cộng sản Việt Nam không chỉ đề ra các chủ trương, đường lối về chuyển đổi số quốc gia, mà bản thân tổ chức Đảng cũng đang thực hiện quá trình chuyển đổi số nhằm thực hiện tốt hơn nữa, hiệu quả hơn nữa công tác Đảng; sử dụng thành tựu của công nghệ thông tin trong công tác quán triệt, triển khai thực hiện chỉ thị, nghị quyết của các cấp ủy Đảng; nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, kiện toàn tổ chức Đảng; đưa việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trở thành ý thức tự giác, thành việc làm thường xuyên của cả tổ chức Đảng, của mỗi chi bộ và mỗi đảng viên.
Đảng bộ Hà Nội tiên phong trong chuyển đổi số
Đại hội đại biểu lần thứ XXIV Đảng bộ phường Ngọc Lâm (quận Long Biên), nhiệm kỳ 2025-2030 vừa được tổ chức thành công. Đây là đại hội điểm cấp cơ sở khối phường của Đảng bộ quận Long Biên. Một trong những thành công nổi bật của kỳ đại hội này là việc ứng dụng chuyển đổi số được triển khai hiệu quả, quyết liệt.
Bí thư Đảng ủy phường Ngọc Lâm Nguyễn Thế Thạch chia sẻ: “Với việc ứng dụng công nghệ, chúng tôi không in ấn tài liệu để phát trực tiếp cho các đại biểu dự đại hội. Thay vào đó, chúng tôi mã hóa tài liệu văn kiện đại hội bằng mã QR giúp các đại biểu chủ động nghiên cứu và lưu trữ tài liệu lâu dài trên các thiết bị số. Điều này vừa tiết kiệm thời gian, chi phí và rất tiện lợi cho các đảng viên”.
Tại huyện Đông Anh, trong nhiệm kỳ 2020-2025, việc đầu tư và đẩy mạnh chuyển đổi số trong các cơ quan Đảng và chính quyền cũng được thực hiện hiệu quả nhằm đáp ứng yêu cầu chính quyền đô thị. Đặc biệt, huyện đã quan tâm đầu tư trang thiết bị phục vụ bộ phận tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính. Đến nay 100% cán bộ, công chức UBND huyện sử dụng chữ ký số xử lý văn bản trên môi trường điện tử.
Ở cấp độ thành phố, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Đào Xuân Dũng cho biết, trong sinh hoạt chính trị tư tưởng “Nghiên cứu, quán triệt, tuyên truyền tư tưởng chỉ đạo, định hướng lớn của Đảng và đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm về kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”, Hà Nội là địa phương tổ chức sớm nhất cả nước. Qua đó, khẳng định vai trò gương mẫu đi đầu, làm gương cho cả nước trong triển khai thực hiện chủ trương lớn này của Đảng bộ thành phố Hà Nội. Với việc ứng dụng chuyển đổi số trong Đảng, hội nghị cán bộ toàn thành phố được tổ chức từ điểm cầu trụ sở Thành ủy Hà Nội trực tuyến đến 747 điểm cầu với hơn 54.000 cán bộ, đảng viên tham dự.
Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Vũ Đức Bảo cho biết, Nghị quyết số 15-NQ/TƯ ngày 5-5-2022 của Bộ Chính trị về “Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” đã nêu cụ thể yêu cầu phải tăng cường “chuyển đổi số” tạo động lực mới cho Thủ đô phát triển mọi mặt, thực sự văn minh, hiện đại. Đặc biệt, cụ thể hóa các chỉ đạo của Trung ương, Ban Thường vụ Thành ủy đã ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TU ngày 30-12-2022 về chuyển đổi số, xây dựng thành phố Hà Nội thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Chia sẻ kết quả nổi bật của thành phố khi ứng dụng chuyển đổi số trong công tác đảng, đồng chí Vũ Đức Bảo cho biết, ứng dụng “Sổ tay đảng viên điện tử” đang triển khai rất hiệu quả là kênh thông tin 2 chiều. Một là giúp đưa toàn bộ chủ trương, văn bản, thông tin mới xuống thẳng đảng viên. Thứ hai, qua “Sổ tay”, cấp ủy cấp trên hay Ban Tổ chức Thành ủy có thể thu nhận được thông tin ở bên dưới. Đảng viên muốn phản ánh với thành phố, quận, huyện về những vấn đề thực tế ở cơ sở thì phản ánh được ngay trên ứng dụng này nên thông tin là chính xác nhất. Thứ ba là kiểm soát được toàn bộ sinh hoạt chi bộ, tháng này có sinh hoạt không, bao nhiêu đảng viên sinh hoạt, thời gian có đúng không, nội dung sinh hoạt là gì...
Tại Hội nghị toàn quốc về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia tổ chức ngày 13-1 mới đây, Tổng Bí thư Tô Lâm nêu rõ: “Đất nước đang đứng trước cơ hội lớn để vươn mình, nhưng thách thức cũng vô cùng to lớn. Chúng ta phải quyết tâm thực hiện cuộc cách mạng phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, không để lỡ thời cơ thêm lần nữa”.
Với những kết quả đã đạt được khi đẩy mạnh chuyển đổi số trong Đảng, có thể tin tưởng chúng ta nhất định sẽ thực hiện thành công cuộc cách mạng chuyển đổi số, tạo ra bước đột phá trong phát triển lực lượng sản xuất và hoàn thiện quan hệ sản xuất, đưa đất nước ta, dân tộc ta vươn mình vượt bậc trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên phát triển, kỷ nguyên giàu mạnh dưới sự lãnh đạo, cầm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam.
(Còn nữa)