Văn hóa

Lễ hội kỷ niệm 236 năm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa được tổ chức quy mô lớn nhất từ trước đến nay

Hoàng Lân 21/01/2025 - 20:43

Lễ hội kỷ niệm 236 năm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa được tổ chức quy mô lớn nhất từ trước đến nay với nhiều điểm mới như diễn ra vào buổi tối, trình diễn chương trình bán thực cảnh… Vì thế, công tác tổ chức lễ hội đang được tăng cường, giám sát để bảo đảm lễ hội diễn ra an toàn, chất lượng, chuyên nghiệp.

dong-da-4.jpg
Đoàn kiêm tra công tác tổ chức Lễ hội kỷ niệm 236 năm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa. Ảnh: Hoàng Lân

Những điểm mới đáng lưu ý

Chiều 21-1, Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội cùng các cơ quan liên ngành phối hợp với UBND quận Đống Đa tổ chức kiểm tra công tác tổ chức Lễ hội kỷ niệm 236 năm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa.

Năm nay, lễ hội sẽ được tổ chức trong 3 ngày, từ ngày 2 đến 4-2 (tức từ ngày mùng 5 - 7 tháng Giêng, năm Ất Tỵ 2025). Trong những ngày diễn ra Lễ hội sẽ có rất nhiều hoạt động đặc sắc như: lễ dâng hương, tế lễ của các đoàn tế lễ địa phương; lễ rước kiệu; biểu diễn múa lân, múa rồng; biểu diễn võ thuật Bình Định Gia; hội thi cờ tướng, cờ người; viết chữ thư pháp, giới thiệu nghệ thuật truyền thống...

dong-da-6.jpg
Demo sân khấu Lễ hội kỷ niệm 236 năm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa. Ảnh: BTC

Điểm khác biệt là năm nay, lần đầu tiên lễ hội được tổ chức vào tối (ngày 2-2 tức mùng 5 tháng Giêng) tại Công viên văn hóa Đống Đa thay vì vào buổi sáng như mọi năm. Đây là lần đầu tiên lễ hội được truyền hình trực tiếp trên kênh H1 Đài phát thanh và Truyền hình Hà Nội cùng các nền tảng số vào lúc 20h10 tới đông đảo người dân, du khách với điểm nhấn là chương trình nghệ thuật “Đống Đa – Sử vàng lưu danh – Tương lai vững bước”. Đây là chương trình nghệ thuật đặc sắc được làm theo hình thức bán thực cảnh kết hợp công nghệ 3D mapping hiện đại.

Chương trình kể câu chuyện lịch sử theo một cách thức hiện đại và mới mẻ với các chương hồi, cảnh diễn, nối tiếp, được biến chuyển tinh tế bằng kỹ xảo, âm nhạc hấp dẫn và đa dạng hình thức thể hiện như: ca hát, xiếc, múa, đồng diễn trống… Ngoài sự tham gia của diễn viên không chuyên, chương trình có sự tham gia của các nghệ sĩ tên tuổi: NSND Thanh Lam, ca sĩ Trọng Tấn, Minh Quân, Vũ Thắng Lợi, Hoàng Hồng Ngọc, Ngọc Ký, Đông Hùng…

dong-da.jpg
Công tác chuẩn bị lễ hội kỷ niệm 236 năm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa đang gấp rút thực hiện. Ảnh: Hoàng Lân
dong-da-2.jpg
Đoàn kiểm tra lễ hội làm việc trong chiều 21-1. Ảnh: Hoàng Lân

Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND quận Đống Đa Nguyễn Thanh Tùng cho biết, với nhiều yếu tố mới lần đầu tiên diễn ra nên địa phương đã lên các phương án chuẩn bị kỹ lưỡng. Quận yêu cầu các địa phương bám sát kịch bản, kế hoạch tổ chức, sẵn sàng công tác tổ chức và ứng phó.

Bảo đảm giao thông, vệ sinh, môi trường

Tại buổi làm việc, đoàn kiểm tra, giám sát đã kiểm tra các hạng mục chuẩn bị của công tác tổ chức lễ hội kỷ niệm 236 năm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa ở khu vực sân khấu, khuôn viên. Thời điểm này, công tác chỉnh trang khuôn viên của di tích gò Đống Đa đang hoàn thiện; người dân tập trung luyện tập cho chương trình biểu diễn bán thực cảnh…

dong-da-5.jpg
Đoàn kiếm tra lễ hội lưu ý các phương án chuẩn bị cho lễ hội kỷ niệm 236 năm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa. Ảnh: Hoàng Lân

Đại diện các sở, ngành tham gia đoàn kiểm tra cho biết, năm nay lễ hội diễn ra với nhiều điểm mới lần đầu tiên diễn ra, dự kiến thu hút khoảng 2.500 người (gấp đôi mọi năm), vì thế Ban tổ chức lễ hội cần phải có phương án, kế hoạch chi tiết phân luồng giao thông đặc biệt là giao thông tĩnh (nơi đỗ xe, luồng giao thông ra – vào); quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm, vệ sinh môi trường. Đoàn kiểm tra cũng lưu ý, lễ hội diễn ra buổi tối với chương trình bán thực cảnh có sử dụng hệ thống chiếu sáng lớn, vì thế Ban tổ chức lễ hội cần có phương án bảo đảm điện lưới, xử lý sự cố về điện cũng như những rủi ro có thể xảy ra.

Về những vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND quận Đống Đa Nguyễn Thanh Tùng thông tin thêm, trong lễ hội không có nội dung giới thiệu ẩm thực vì thế việc quản lý an toàn thực phẩm chủ yếu là những hàng quán xung quanh lễ hội. Hiện các nội dung diễn văn, chúc văn của lễ hội đã được phê duyệt. Quận phối hợp với các cơ quan liên quan có phương án về điện lưới, tăng cường chiếu sáng các tuyến phố quanh khu vực diễn ra lễ hội; bổ sung nhiều thùng rác, nhà vệ sinh lưu động; bố trí những trạm cấp cứu di động. Ngoài ra, Quận huy động nhiều lực lượng như: Công an, dân quân, đoàn thanh niên… tham gia công tác bảo đảm an toàn cho lễ hội.

1(1).jpg
Người dân tập luyện cho lễ hội. Ảnh: Hoàng Lân

Lưu ý cho công tác tổ chức lễ hội, Phó Cục trưởng Cục Văn hoá cơ sở (Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch) Lương Đức Thắng cho rằng, Ban tổ chức cần có sự tập huấn đội ngũ phục vụ; bổ sung thêm hệ thống nhà vệ sinh vì lượng khách năm nay gấp đôi mọi năm; cần có sự đồng bộ trong công tác phối hợp giữa các đơn vị…

Phó Giám đốc Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội Phạm Xuân Tài để nghị Ban tổ chức bám sát kịch bản chi tiết đã được phê duyệt; thực hiện đúng các quy định về quản lý, tổ chức lễ hội; có lực lượng kiểm soát thực hiện các nghi lễ để bảo đảm lễ hội diễn ra trang trọng; lưu ý công tác trang trí lễ hội đúng quy định; thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội; kiểm soát nội dung các trò chơi trong lễ hội, ngăn chặn các tệ nạn, cờ bạc trá hình; tăng cường công tác kiểm tra, xử lý các vấn đề về niêm yết giá, hàng giả hàng nhái…