Môi trường

Có 6 nhóm nguyên nhân gây ô nhiễm không khí tại Hà Nội

Hoàng Văn 21/01/2025 - 13:57

Ngày 21-1, Báo Tiền Phong tổ chức Tọa đàm “Giải pháp triển khai vùng phát thải thấp tại Hà Nội”. Tại buổi tọa đàm, các chuyên gia và đại diện cơ quan quản lý, chính quyền địa phương đã đề xuất nhiều giải pháp triển khai vùng phát thải thấp tại Hà Nội có khả thi cao.

1tp.jpg
Các đại biểu dự tọa đàm. Ảnh: Thu Hoài

Những ngày qua, ô nhiễm không khí tại Hà Nội rất nghiêm trọng, được dư luận và nhân dân quan tâm. Từ tháng 11-2024 đến nay, tại thành phố Hà Nội trải qua nhiều đợt ô nhiễm không khí nghiêm trọng và kéo dài. Theo kết quả nghiên cứu, kiểm kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ngân hàng Thế giới, giao thông (bao gồm cả bụi đường) là nguồn gây ô nhiễm chính (đóng góp từ 58 đến 74%) cho không khí ở thành phố Hà Nội.

Phó Trưởng phòng Quản lý môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội) Lưu Thị Thanh Chi cho biết, những ngày cuối năm, ô nhiễm không khí luôn là vấn đề nhức nhối. Nguyên nhân chủ yếu là điều kiện khí hậu, thời tiết không thuận lợi, không khí không đối lưu lên cao được. Ở tầng thấp có nhiều sương mù, khiến không khí đặc quánh, ứ đọng. Ngoài ra, chất lượng không khí của thành phố còn bị ảnh hưởng xấu do bụi đường, khí thải từ các phương tiện giao thông…

4tp.jpg
Phó Trưởng phòng Quản lý môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội) Lưu Thị Thanh Chi nêu nguyên nhân ô nhiễm không khí tại Hà Nội. Ảnh: Thu Hoài

Theo thống kê, quý IV-2024 tại trạm quan trắc cố định và liên tục trên địa bàn thành phố, chỉ số ô nhiễm không khí ở mức kém là 48,91%, mức xấu là 44,37%.

Để hạn chế ô nhiễm không khí, theo bà Lưu Thị Thanh Chi, thời gian qua, thành phố đã triển khai nhiều giải pháp, trong đó thành phố đã thông qua nghị quyết vùng phát thải thấp và sẽ được triển khai trong năm 2025. “Hiện Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đang xây dựng những hướng dẫn chi tiết để thực hiện vùng phát thải thấp. Thành phố khuyến khích các phương tiện giao thông xanh lưu thông ở vùng phát thải thấp và cấm các phương tiện xe không đạt tiêu chí về lượng phát thải, gây ô nhiễm không khí”, bà Lưu Thị Thanh Chi nhấn mạnh.

3tp.jpg
Trưởng phòng Quản lý chất lượng môi trường (Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường) Nguyễn Hoàng Ánh nêu 6 nhóm nguyên nhân gây ô nhiễm không khí. Ảnh: Thu Hoài

Đồng quan điểm, Trưởng phòng Quản lý chất lượng môi trường (Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường) Nguyễn Hoàng Ánh cho hay, có 6 nhóm nguyên nhân chủ yếu dẫn đến ô nhiễm không khí, bao gồm: Xây dựng; giao thông vận tải; sản xuất công nghiệp; đốt mỏ; dân sinh và khí hậu thời tiết. Ô nhiễm thường bùng phát dịp cuối năm do các hoạt động kinh tế - xã hội đạt mức cao nhất, xây dựng ồ ạt, giao thương hàng hóa tấp nập, các nhà máy, xí nghiệp tăng công suất tối đa..., khiến chỉ số ô nhiễm không khí tăng đột biến.

Để hạn chế ô nhiễm không khí, thời gian qua, quận Ba Đình và quận Hoàn Kiếm đang thực hiện thí điểm vùng phát thải thấp trong năm 2025. Trong đó, có cơ chế đặc thù về thuế phí, khoanh vùng khu vực làm vùng phát thải thấp, hạ tầng giao thông, kết nối giao thông công cộng và giao thông cá nhân, hệ thống camera giám sát và lực lượng giám sát…; dán tem cho các phương tiện sử dụng năng lượng xanh, năng lượng sạch.

Cùng với đó, Hà Nội cũng vừa phê duyệt đề án phát triển hệ thống giao thông vận tải công cộng bằng xe buýt sử dụng năng lượng xanh, điện trên thành phố. Từ đó, tiến tới Hà Nội đạt tỷ lệ 100% xe buýt sử dụng năng lượng điện và năng lượng xanh vào năm 2035.

5tp.jpg
Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam Hoàng Dương Tùng đề xuất giải pháp hạn chế ô nhiễm không khí. Ảnh: Thu Hoài

Chia sẻ tại tọa đàm, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam Hoàng Dương Tùng cho rằng, chỉ khi nào thành phố Hà Nội và các tỉnh, thành phố trên cả nước kiểm soát được các nguồn phát thải ảnh hưởng đến chất lượng môi trường, thì tình trạng ô nhiễm không khí mới dần cải thiện được…