Nhà văn Kim Nhũ và thông điệp từ “Gia đình nơi chốn ta về”
Tuy bước hẳn vào địa hạt văn chương chưa lâu nhưng nhà giáo - nhà văn Kim Nhũ đã “đứng” được trong lòng bạn đọc qua các tác phẩm thơ, tản văn và truyện ngắn.
Là người yêu thơ và có tâm hồn giàu cảm xúc, những năm gần đây Kim Nhũ đã xuất bản một số tập thơ: “Thuở dấu yêu” (năm 2017), “Khúc ru lại về” (năm 2018), “Tình yêu và cuộc sống” (năm 2022), “Những người gánh sông Trăng” (năm 2024, in chung cùng Phan Thị Thanh Nhàn, Nguyễn Thị Hồng Ngát, Phạm Thu Yến, Đoàn Thị Lam Luyến, Trần Thị Trường). Bên cạnh đó chị còn xuất bản các tác phẩm văn xuôi, như: “Nơi gửi nỗi nhớ” (truyện ngắn và tạp văn, 2023) và mới đây là tập truyện ngắn “Gia đình nơi chốn ta về” (2024).
12 truyện ngắn trong “Gia đình nơi chốn ta về” (NXB Hội nhà văn) là 12 lát cắt về những số phận, cảnh đời khác nhau với góc nhìn đồng cảm và chan chứa yêu thương, như lời mở sách nhà văn viết: “Ý nghĩa của văn học chính là sự cảm thông đồng cảm”. Hầu hết các truyện đều lấy cảm hứng từ gia đình, nhân vật trung tâm là những con người bé mọn: Chị giúp việc, đứa bé tật nguyền, trẻ mồ côi…
Truyện “Đứa con ngoài giá thú” tái hiện và ca ngợi đức hy sinh của người phụ nữ nông thôn: “Tuổi thơ của Kiên Cường thiếu đi những lời dạy của bố nhưng chưa bao giờ con thiếu đi tình yêu thương, sự tần tảo, hy sinh chăm sóc của người mẹ”. Ngược lại, nhà văn phê phán những kẻ sống ích kỷ. Nhân vật Nguyên đã bị chức vụ đi đôi với quyền lực và tiền bạc làm mờ mắt, không dám đối diện với thực tế, không dám đến gặp lần cuối người phụ nữ từng giúp việc nhà, có con với mình. Hành trình để ông ta nhận ra sai lầm rất lâu và không hề đơn giản. Đến tuổi ngoại bát thập ông Nguyên mới ân hận, mỗi ngày đến quán cà phê bên kia đường để được nhìn thấy đứa con đi làm về. Cuối truyện, ông bị chết do tai nạn giao thông, còn Kiên Cường mặc đồ đen tự đến đưa tang cha trong lặng lẽ, anh tha thứ cho cha và cho chính mình. Truyện có ý nghĩa cảnh tỉnh sâu sắc.
Ở truyện “Hai đứa trẻ”, Kiên là một trẻ mồ côi, tâm sự qua Zalo với bạn tên Thiện có hoàn cảnh bố mẹ ly hôn, hai anh em Thiện - Lành ở với ông bà nội già yếu ở miền núi. Thiện nói với Kiên: “Sao người lớn họ chẳng cần biết đến cảm nhận của chúng mình nhỉ? Thích thì họ về ở với nhau, không thích thì ra tòa và để đám trẻ con như bọn mình tan tác”. Câu hỏi ngây thơ và đầy day dứt ấy ở ngay mở đầu và điệp lại ở phần sau của truyện là thông điệp mang ý nghĩa sâu sắc, buộc người làm cha mẹ phải suy nghĩ.
Truyện “Đám cưới cho người đã khuất” viết về bác sĩ Đoàn Văn Chiến và điều dưỡng Nguyễn Thị Khánh Huyền. Đôi thanh mai trúc mã ấy yêu nhau tha thiết, đã đính hôn và định ngày cưới thì đại dịch Covid-19 bùng phát. Bác sĩ Chiến cùng đồng nghiệp được lệnh vào Nam tăng cường cho bệnh viện dã chiến. Anh hẹn người yêu: “Em ở lại gắng giữ gìn nhé! Theo kế hoạch, sau ba tháng anh về bọn mình sẽ cưới”. Để cứu chữa người bệnh, bác sĩ Chiến và các đồng nghiệp đã làm việc không phải 8 mà là 18, thậm chí 20 tiếng mỗi ngày. Quá trình cứu chữa người bệnh, anh bị lây nhiễm Covid rồi tử vong. Khánh Huyền thương nhớ người yêu khôn nguôi, sau đó tình nguyện lên tuyến đầu chống dịch, vào đúng bệnh viện nơi Chiến đã làm việc và ra đi: “Đến đây, cô cảm thấy vẫn còn nguyên hơi ấm của anh, còn nguyên bóng dáng thanh thoát từng bước vững chãi… Chỉ có vào đây cô mới nguôi ngoai nỗi nhớ thương anh… càng thương anh và cho rằng quyết định vào đây của mình là đúng đắn”.
Chứng kiến một sản phụ bị tử vong vì nhiễm Covid-19 nặng, Khánh Huyền bất ngờ “làm mẹ” và chăm sóc cháu bé mới 5 tháng tuổi hết sức chu đáo với tấm lòng yêu thương của tình mẫu tử. Cho đến khi cháu khỏi hẳn, được cha, một chiến sĩ biên phòng đón về thì chính Khánh Huyền đã quá mệt mỏi. Đêm ấy, cô thiếp đi rồi không bao giờ trở dậy được nữa. Sự ra đi của Khánh Huyền khiến cả bệnh viện bàng hoàng, thương xót... Hơn ba năm sau, đúng ngày đôi bạn trẻ trước đây đã định ước, hai bên gia đình đón tro cốt của đôi uyên ương về quê mai táng. Cùng với việc đó có thêm nghi lễ của đám cưới, chỉ khác là cô dâu, chú rể là hai bình tro cốt phủ vải điều. Người cha đi bên nghẹn ngào: “Ở trên ấy các con hạnh phúc nhé!”... Thông qua câu chuyện, tác giả trân trọng, ngợi ca sứ mệnh cứu người thiêng liêng, phẩm cách cao đẹp cùng tình yêu bất tử của các “thiên thần áo trắng” thời Covid-19.
Đi đôi với việc khẳng định giá trị thiêng liêng, trường tồn của tình cảm gia đình (“Một người mẹ”, “Người tình của cha”…), cuốn sách còn phê phán những kẻ xu thời, hãnh tiến, những cán bộ yếu kém, ích kỷ, không chịu học tập, lười đọc sách (“Cuộc chu du của một quyển sách”), phê phán những người coi trọng vật chất hơn tình cảm mẹ con, anh em (“Bí mật dưới gầm giường”, “Cái hố bom”)…
“Gia đình nơi chốn ta về” cuốn hút bạn đọc bởi lời kể dung dị mà sâu sắc, bố cục mạch lạc, ngôn ngữ đối thoại và tả tâm lý hợp với nhân vật. Tập truyện gửi thông điệp đến bạn đọc: Gia đình là bến bờ, cội nguồn của tình thương giúp con người nhận ra sai lầm, trở lại bản chất tốt đẹp của bản thân.
Nhà giáo, nhà văn Nguyễn Thị Kim Nhũ sinh năm 1954 tại Khoái Châu, Hưng Yên. Từ nhỏ chị đã yêu thích và bộc lộ năng khiếu văn chương. Năm 1971, Kim Nhũ thi đỗ vào Đại học Sư phạm Hà Nội, nhưng vì lý do khách quan nên chị không nhập mà xung phong đi miền núi, học Cao đẳng Sư phạm Tây Bắc rồi trở thành giáo viên dạy văn tại Trường Sư phạm cấp 1 tỉnh Lai Châu, rồi Phó Trưởng phòng Giáo dục huyện Điện Biên. Năm 1996, chị chuyển công tác về Hà Nội, tiếp tục theo học khoa Báo chí, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, rồi làm biên tập tại Báo Nông thôn ngày nay. Năm 2000 chị được bổ nhiệm làm Phó Tổng Biên tập của báo cho đến khi nghỉ hưu.