Khoa học - Công nghệ

Mục tiêu Net Zero tại Việt Nam:Kỳ vọng các giải pháp đột phá

Thu Hằng 21/01/2025 - 06:49

Chương trình Net Zero (phát thải ròng bằng 0) sẽ là nền tảng để tạo ra các giải pháp đột phá trong công nghệ thu giữ carbon, giảm phát thải khí nhà kính, hướng đến nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, cải thiện chất lượng môi trường sống của Việt Nam.

Net Zero thúc đẩy phát triển công nghệ, đổi mới sáng tạo, tạo việc làm trong ngành công nghệ xanh, đồng thời nâng cao năng lực cạnh tranh, thúc đẩy tăng trưởng xanh và phát triển bền vững...

nha-may-dien.jpg
Ngành Năng lượng tập trung nghiên cứu tối ưu hóa hiệu suất sử dụng nguồn năng lượng mặt trời và tua bin gió. Trong ảnh: Một góc Nhà máy Điện gió Kosy Bạc Liêu (tỉnh Bạc Liêu).

Thể hiện cam kết mạnh mẽ của Việt Nam

Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất của biến đổi khí hậu, với mực nước biển dâng cao đe dọa các vùng đồng bằng và hàng triệu người dân sinh sống. Điều này không chỉ gây tổn thất về kinh tế mà còn đe dọa an ninh lương thực và sự phát triển bền vững.

Để tham gia vào nỗ lực toàn cầu nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu, Chính phủ Việt Nam đã cam kết đến năm 2050 sẽ đạt mức phát thải ròng bằng 0. Trước mắt, đến năm 2030, Việt Nam sẽ giảm 43,5% lượng phát thải. Đây là một thách thức lớn nhưng cũng mang lại nhiều cơ hội, giúp Việt Nam xây dựng một nền kinh tế xanh, tuần hoàn và phát triển bền vững.

Hướng tới mục tiêu này, mới đây, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành Chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia giai đoạn đến năm 2030: “Nghiên cứu khoa học và công nghệ phục vụ mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0 tại Việt Nam”, mã số KC.16/24-30 (Chương trình Net Zero).

Vụ trưởng Vụ Đánh giá, Thẩm định và Giám định công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) Nguyễn Hoàng Linh thông tin, 3 mục tiêu chính của Chương trình Net Zero gồm: Cung cấp luận cứ, cơ sở khoa học và thực tiễn đề xuất hoàn thiện cơ chế, chính sách, tiêu chuẩn, giải pháp nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước liên quan với mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0 tại Việt Nam; cung cấp cơ sở lý luận và thực tiễn, đề xuất các mô hình và các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội xanh, tuần hoàn, phát thải carbon thấp, phát triển nguồn nhân lực nhằm mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0 tại Việt Nam...

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Hoàng Minh cho biết, đây là một trong những chương trình hành động cụ thể và kịp thời, thể hiện cam kết mạnh mẽ của Việt Nam. Chương trình này không chỉ song hành cùng với các chương trình khoa học và công nghệ quốc gia hiện có mà còn tập trung vào các giải pháp khoa học và công nghệ đột phá, đặc biệt là hướng tới công nghệ xanh, công nghệ giảm phát thải khí nhà kính. “Một điểm mới nổi bật của chương trình là phương pháp triển khai dựa trên "tiếp cận từ mục tiêu", huy động tối đa nguồn lực và trí tuệ từ cộng đồng doanh nghiệp, viện nghiên cứu, trường đại học và các cơ quan nhà nước để giải quyết những mục tiêu quốc gia cụ thể” - Thứ trưởng Hoàng Minh thông tin thêm.

Kỳ vọng các giải pháp đột phá

Theo PGS.TS Đỗ Văn Mạnh, Chủ nhiệm Chương trình Net Zero, với những nhiệm vụ đặt ra bao gồm: Phát triển công nghệ thu giữ và lưu trữ các bon, công nghệ giảm phát thải khí nhà kính, công nghệ xanh trong các ngành, lĩnh vực (công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ...); đề xuất các mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, các giải pháp về chính sách, pháp luật thúc đẩy Net Zero phù hợp với điều kiện Việt Nam; giảm đáng kể phát thải, cải thiện môi trường, bảo vệ đa dạng sinh học; thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tạo việc làm trong lĩnh vực công nghệ xanh và nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam, Chương trình Net Zero đã định hướng triển khai trên 5 nhóm ngành.

Với nhóm ngành Năng lượng, chương trình hướng tới nghiên cứu tối ưu hóa hiệu suất sử dụng nguồn năng lượng mặt trời và turbine gió, nghiên cứu pin lữu trữ thế hệ mới, lưu trữ cơ học, lưu trữ nhiệt, lưu trữ bằng khí… Bên cạnh đó sẽ nghiên cứu phát triển nguồn năng lượng mới trung hòa carbon, năng lượng sinh học, nghiên cứu phát triển tối ưu hóa các quá trình sản xuất và sử dụng nhiên liệu sinh học.

Với nhóm ngành Công nghiệp, chương trình nghiên cứu nâng cao hiệu suất các quá trình nhiệt, tận dụng nhiệt trong công nghiệp; các giải pháp thu hồi, tận dụng và lưu trữ nguồn năng lượng mới trung hòa carbon trong các nhóm ngành công nghiệp phát thải; các giải pháp kỹ thuật, công nghệ thông minh trong tối ưu nhiệt năng…

Với nhóm ngành Nông - Lâm nghiệp, mục tiêu nghiên cứu là giảm phát thải từ ruộng lúa, ứng dụng công nghệ sinh học phát triển giống lúa và cây trồng giảm phát thải khí nhà kính, giống cây có khả năng hấp thụ CO2 cao; nghiên cứu phát triển mô hình canh tác nông nghiệp thông minh, tuần hoàn, canh tác không đất; mô hình chăn nuôi nguồn năng lượng mới trung hòa carbon thấp; nghiên cứu giải pháp kỹ thuật xử lý, tái sử dụng, thu hồi sản phẩm hữu cơ, biochar từ rơm rạ…

Với nhóm ngành Môi trường, nghiên cứu hướng tới các giải pháp quản lý và kỹ thuật tăng cường tái chế và quản lý chất thải, giảm tỉ trọng chôn lấp và thiêu đốt...

“Chương trình Net Zero không chỉ là cơ hội cải thiện chất lượng môi trường sống, bảo vệ đa dạng sinh học mà còn là động lực thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tạo việc làm trong ngành công nghệ xanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam trên trường quốc tế. Với vai trò là cơ quan đầu mối quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cam kết tiếp tục tham mưu Chính phủ tạo lập môi trường thuận lợi cho hoạt động nghiên cứu và phát triển công nghệ xanh, giảm phát thải khí nhà kính, đóng góp thiết thực cho đất nước và cộng đồng quốc tế”, Thứ trưởng Hoàng Minh nhấn mạnh.