Quy hoạch

TOD - “chìa khóa” cho đô thị xanh, văn minh, hiện đại

Quốc Bình 20/01/2025 - 12:59

Mô hình phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (TOD - Trans-it Oriented Development) là giải pháp cho các thách thức đô thị, đồng thời mở ra cơ hội phát triển bền vững.

Với khung pháp lý mới từ Luật Thủ đô 2024, Hà Nội hoàn toàn có tiềm năng trở thành một đô thị xanh, văn minh, hiện đại nhờ áp dụng TOD.

tod.jpg
Tập trung đầu tư đường sắt đô thị là cơ sở quan trọng để Hà Nội áp dụng mô hình TOD vào phát triển đô thị. Ảnh: Viết Thành

Mô hình phát triển đô thị TOD là một cách tiếp cận quy hoạch đô thị tập trung vào phát triển các khu vực dân cư, thương mại và dịch vụ (với mật độ cao) xung quanh các nút giao thông công cộng như ga tàu điện, bến xe buýt.

Áp dụng TOD sẽ thúc đẩy việc phát triển các khu vực đô thị xung quanh trạm giao thông công cộng, giúp gia tăng khả năng kết nối và giảm thiểu ùn tắc. Người dân dễ dàng tiếp cận các phương tiện giao thông công cộng, giảm sử dụng xe cá nhân, tiết kiệm chi phí và giảm khí thải. Với việc áp dụng TOD, các đô thị sẽ tập trung phát triển mật độ cao xung quanh các trạm giao thông, tối ưu hóa giá trị sử dụng đất và tạo ra các khu đô thị sống động, đa chức năng. Các khu vực TOD thường thu hút đầu tư, gia tăng giá trị bất động sản, và tạo cơ hội việc làm.

Theo Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội Nguyễn Phi Thường, cốt lõi của TOD là mối quan hệ tương hỗ giữa giao thông công cộng và sử dụng đất, thúc đẩy phát triển đô thị theo chiều đứng (đô thị nén), thay vì phát triển theo chiều ngang (vết dầu loang). Lấy giao thông công cộng dẫn dắt sự phát triển bền vững của đô thị; và sự phát triển của đô thị lại tạo ra nguồn lực để duy trì và phát triển giao thông công cộng.

Nhiều thành phố trên thế giới đã áp dụng thành công mô hình này, tạo ra những thay đổi tích cực. Hệ thống giao thông công cộng của Tokyo (Nhật Bản), đặc biệt là mạng lưới tàu điện, không chỉ là phương tiện đi lại mà còn là động lực chính thúc đẩy phát triển kinh tế và xã hội. Các nhà ga tàu điện ngầm ở Tokyo vừa là nơi đón trả khách, vừa tích hợp trung tâm mua sắm, nhà hàng và văn phòng. Khu vực Shibuya nổi tiếng của Tokyo là sự tích hợp giữa ga tàu điện ngầm kết nối trực tiếp với các trung tâm thương mại và các khu phố nhộn nhịp, thu hút hàng triệu lượt khách mỗi ngày. Trong khi đó, Hồng Kông (Trung Quốc) đã kết hợp TOD với mô hình “Rail Property” (đường sắt và bất động sản). Công ty MTR, đơn vị vận hành hệ thống tàu điện ở đây cũng là nhà đầu tư vào bất động sản xung quanh các nhà ga. Với Copenhagen (Đan Mạch), TOD được áp dụng hướng đến mục tiêu xây dựng thành phố xanh. Khu vực Ørestad của thành phố này được phát triển xung quanh tuyến tàu Metro mới, tạo nên một khu đô thị hiện đại với không gian sống, làm việc và giải trí. Thành phố của Đan Mạch còn kết hợp giao thông công cộng với hạ tầng xe đạp, khuyến khích cư dân sử dụng phương tiện giao thông bền vững. Nhờ hiệu quả của TOD, Ørestad không chỉ thu hút cư dân mà còn trở thành một trong những trung tâm kinh tế mới. Ngoài ra, còn có rất nhiều đô thị hiện đại trên thế giới thành công với mô hình TOD, ở gần chúng ta nhất có thể kể đến như Thượng Hải, Thâm Quyến (Trung Quốc) và đặc biệt là Singapore.

Có thể nói, mô hình TOD thành công nhờ phát triển đô thị theo hướng bền vững; giúp giải quyết hiệu quả các thách thức đô thị hiện đại như: Ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường và sự thiếu hiệu quả trong sử dụng đất. Đây cũng chính là những vấn đề đang đặt ra với Hà Nội.

Sự cần thiết của TOD đối với sự phát triển đô thị Hà Nội đã được minh chứng khi Luật Thủ đô 2024 quy định rất cụ thể về việc áp dụng mô hình này. Điều 31 gồm 5 khoản không chỉ nêu định nghĩa về TOD mà còn định rõ cơ chế, cách thức triển khai, đặc biệt là xác định rõ “Việc đầu tư phát triển đường sắt đô thị tại thành phố được ưu tiên áp dụng mô hình TOD, bảo đảm hiện đại, đồng bộ, bền vững”.

Việc TOD được cụ thể hóa trong Luật Thủ đô 2024 đã mở ra cơ hội áp dụng mô hình hiện đại, nhiều ưu điểm này vào đầu tư phát triển đô thị Hà Nội trong tương lai. Đặc biệt đi cùng với mô hình này, Luật Thủ đô 2024 còn có các cơ chế ưu đãi cho nhà đầu tư tham gia phát triển hạ tầng và bất động sản quanh các tuyến giao thông công cộng, nên càng có thêm nhiều thuận lợi.

Theo quy hoạch, Hà Nội sẽ có tổng cộng 15 tuyến đường sắt đô thị; trước mắt, thành phố phấn đấu đến năm 2035 hoàn thành đầu tư xây dựng 10 tuyến đường sắt đô thị với tổng chiều dài trên 410,8km. Đây là cơ hội của Thành phố trong việc vận dụng mô hình TOD nhưng đồng thời cũng là thách thức bởi tất cả đều mới mẻ và đầy khó khăn.

Tuy nhiên, Hà Nội có thể nhìn vào sự thành công của các đô thị trên thế giới để có động lực triển khai cũng như học hỏi các kinh nghiệm để đi đến thành công. Theo nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông, Hà Nội có thể học hỏi nhiều từ cách triển khai áp dụng TOD của Singapore. Tuy nhiên, Hà Nội phát triển trên nền đô thị cũ, chỉnh trang lại, không thể bắt chước hoàn toàn mô hình của Singapore, mà phải có tính thừa kế.

“Chúng ta giữ khu nội đô cũ, chỉnh trang và đưa dân cư về quy mô thiết kế ban đầu để nâng cao giá trị kinh doanh. Để làm được việc giãn dân này thì các khu đô thị nén TOD/Metro chính là giải pháp hiện thực và hiệu quả nhanh nhất. Chúng ta lựa chọn quy mô mỗi khu đô thị TOD/Metro có diện tích khoảng 1 - 3km² với sức chứa khoảng 30 - 70 nghìn dân. Đây là quy mô phù hợp để áp dụng các công nghệ mới về nước thải, rác thải tại chỗ, làm mát trung tâm cho cả khu đô thị (district cooling) nhằm giảm phát thải. Như vậy, chỉ với 200km hệ thống metro quy hoạch được khoảng 150 TOD với các quy mô khác nhau tùy thuộc điều kiện thực tế, trên tổng diện tích khoảng 300km², chúng ta sẽ tạo được nơi định cư văn minh, hiện đại cho khoảng 4 - 5 triệu người, bằng nửa dân số thành phố, đồng thời giảm tới 60 - 70% chi phí đầu tư, duy tu bảo dưỡng hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị so với mô hình đô thị DOT (Develop-ment Oriented Transit) dàn trải hiện nay” - ông Đông phân tích.

Việc áp dụng TOD có thuận lợi về cơ bản như khung khổ pháp lý, chủ trương của Đảng, Nhà nước ưu tiên đầu tư mạnh vào hạ tầng giao thông và nhu cầu thực tiễn đặt ra ngày càng lớn. Nhưng trước mắt với Hà Nội, khó khăn, thách thức vẫn là cơ bản. Hai khó khăn lớn nhất là nguồn lực đầu tư và nhận thức, sự đồng thuận của xã hội. Cho nên, giải pháp quan trọng nhất trong triển khai thực hiện là tiếp tục tập trung hoàn thiện các cơ chế chính sách thu hút đầu tư, ưu đãi đầu tư theo mô hình TOD. Song song phải tập trung tuyên truyền để tạo nâng cao nhận thức, tạo đồng thuận trong nhân dân về triển khai mô hình này, đặc biệt phải khuyến khích sử dụng giao thông công cộng, từng bước giảm sự phụ thuộc vào phương tiện cá nhân, hình thành văn hóa, lối sống bảo vệ môi trường, ưa dùng giao thông công cộng.