Sức khỏe

Cảnh giác với tai nạn bỏng trong dịp Tết

Bảo Ngọc 20/01/2025 - 08:06

Dịp Tết Nguyên đán là thời điểm gia đình đoàn tụ, người lớn có thời gian nghỉ dài, trẻ em cũng được nghỉ học vui chơi thoải mái. Tuy nhiên, đáng lưu ý, đây cũng là thời điểm gia tăng các tai nạn thương tích, đặc biệt là tai nạn bỏng do nghịch pháo, bỏng nước sôi, canh sôi, cháy nổ các thiết bị điện tử...

bong-bep.jpg
Người bị bỏng cần được sơ cứu đúng cách trước khi đến cơ sở y tế.

Mang thương tật vĩnh viễn vì nghịch pháo nổ

Vào những ngày Tết, trẻ được nghỉ học dài ngày, nhiều gia đình cho con về quê chơi, các gia đình cũng tất bật với các hoạt động liên hoan, ăn uống, vui chơi. Do trẻ nhỏ thường hiếu động, chưa có nhận thức, phản xạ bảo vệ bản thân, trong khi người lớn nhiều khi bận rộn với những việc chuẩn bị Tết nên có phần lơ là, không giám sát chặt chẽ, khiến trẻ dễ gặp phải nhiều tình huống xảy ra tai nạn bỏng đáng tiếc, gây nguy hại sức khỏe, tính mạng.

Ghi nhận tại một số bệnh viện cho thấy, ngoài nguyên nhân bỏng do nghịch pháo nổ, bỏng thường gặp nhất ở trẻ em, chiếm hơn 70%, là do chất lỏng nóng như nước sôi từ các loại đồ ăn (nồi canh, cháo hoặc bình thủy...), do dầu mỡ nóng... Một loại bỏng thường gặp đứng thứ 2 ở trẻ em là bỏng lửa do xăng, cồn, gas, bếp than, củi... Ngoài ra, còn có bỏng hơi (ở các van nồi cơm điện, nồi áp suất), bỏng do chạm tay vào nồi chảo còn nóng, bỏng bô xe máy, bỏng điện do các thiết bị điện trong nhà. Khu vực dễ xảy ra tai nạn bỏng cho trẻ em chủ yếu là khu vực nhà bếp, nơi tổ chức nấu nướng ăn tiệc...

Giáp Tết, nổi cộm là những tai nạn bỏng do nghịch pháo nổ, pháo tự chế bởi cứ đến thời điểm này, tình trạng buôn bán, tàng trữ, chế tạo, sử dụng trái phép các loại pháo nổ lại diễn ra phức tạp. Trong ba tháng cuối năm 2024, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã tiếp nhận 21 nạn nhân bị tai nạn do pháo nổ, trong số đó có tới hơn 50% các nạn nhân còn nhỏ tuổi.

Nhiều vụ tai nạn thương tâm xảy ra do tự chế pháo nổ, chủ yếu là thanh, thiếu niên học cách chế tạo pháo từ mạng xã hội dẫn đến bị bỏng nặng, đa chấn thương, cụt tay, cụt chân, mù mắt, các nạn nhân mang thương tật vĩnh viễn. Vì vậy, để phòng tránh các tai nạn bỏng có thể xảy ra dịp Tết Nguyên đán đối với trẻ em, các bậc cha mẹ, gia đình cần quan tâm, chăm sóc sát sao và tạo ra một không gian vui chơi an toàn cho trẻ; bên cạnh đó cần giáo dục, hướng dẫn trẻ có thể phòng tránh không chơi đùa tại khu vực nấu nướng, chạm vào các thiết bị điện, nghịch pháo nổ.

Cần sơ cứu đúng cách

Không chỉ riêng đối với trẻ em, người lớn cũng rất dễ gặp các tai nạn bỏng do bất cẩn trong sinh hoạt thường ngày. Dịp Tết, nhiều gia đình quây quần đoàn tụ bên mâm cơm tất niên, chị em nội trợ cũng tất bật chuẩn bị các món ăn. Khi quá bận rộn với bếp núc rất dễ xảy ra bất cẩn, trong đó có nguy cơ bị bỏng.

Thống kê cho thấy trong số các nguyên nhân gây bỏng thì bỏng nước sôi và bỏng lửa là phổ biến nhất. Giống như những loại bỏng nhiệt khác, bỏng dầu ăn có thể tác động đến các lớp hạ bì sâu dưới ra, gây phồng rộp và tổn thương da. Bên cạnh đó, càng thời điểm Tết cận kề, nhu cầu sử dụng điện tăng cao càng tiềm ẩn nguy cơ xảy ra cháy nổ đối với các thiết bị điện như bếp điện, nồi chiên, lò nướng, lò sưởi, bàn là... Nếu chẳng may bị bỏng, việc sơ cứu sai cách có thể khiến vết thương ăn sâu thêm, bị bội nhiễm và kéo theo nhiều biến chứng nguy hiểm.

BSCKI Trương Trọng Tuấn, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh cho biết: Cách sơ cấp cứu xử lý vết bỏng cần tuân thủ các nguyên tắc y tế chung trong sơ cứu tai nạn bỏng, đầu tiên phải tách nạn nhân khỏi tác nhân gây bỏng hoặc loại bỏ tác nhân gây bỏng trên da. Với những vết bỏng nhẹ, tổn thương nông, cần để vùng da dưới vòi nước mát trong ít nhất 20 phút, sử dụng khăn sạch, mềm, hoặc gạc y tế vô trùng thấm bớt nước. Đối với những vết bỏng nghiêm trọng cần đưa nạn nhân đi cấp cứu tại cơ sở y tế gần nhất, không tự ý điều trị tại nhà.

Quan trọng nhất, dù áp dụng cách sơ cứu xử lý vết bỏng trong trường hợp nào mọi người cũng cần tuân thủ thực hiện đúng nguyên tắc và quy trình sơ cứu, điều này giúp làm giảm nguy cơ nhiễm trùng, tổn thương lan rộng. Người bị bỏng không nên bôi thuốc gì để giảm đau rát, sưng phồng trước khi được đưa đến cấp cứu hoặc có bất kỳ chỉ dẫn nào từ bác sĩ điều trị; tuyệt đối không làm mát vết bỏng bằng nước đá vì làm tổn thương nặng thêm. Tránh tuyệt đối việc dùng lá cây, nước mắm, mỡ trăn... như nhiều người vẫn truyền tai nhau để thoa vào vết bỏng, điều này sẽ khiến tổn thương sâu và nhiễm trùng nhanh chóng, nặng hơn gây khó khăn cho quá trình điều trị.