Hiệu quả lớn từ mô hình sản xuất chuối, bưởi VietGAP
Nhằm tiếp tục mở rộng vùng sản xuất chuối, bưởi tập trung theo hướng an toàn, hữu cơ, năm 2024, ngành Nông nghiệp Hà Nội hỗ trợ hợp tác xã, nông dân sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP gắn với tiêu thụ sản phẩm. Qua đó, từng bước đổi mới trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm và hình thành các chuỗi liên kết, phát huy thế mạnh địa phương, nâng cao chất lượng hàng hóa và hiệu quả kinh tế.
Tại xã Văn Khê (huyện Mê Linh), nhận thấy tiềm năng lớn của vùng đất bãi ven sông Hồng, Hợp tác xã Sản xuất và Cung ứng rau quả sạch Thắng Lợi cùng nông dân trong xã phát triển vùng canh tác chuối theo hướng VietGAP, diện tích 15ha. Được sự hỗ trợ của Sở NN&PTNT Hà Nội về quy trình sản xuất, thương hiệu sản phẩm, nông dân tuân thủ nghiêm ngặt quy trình chăm sóc, sử dụng phân bón hữu cơ, cách bón phân và thuốc bảo vệ thực vật nằm trong danh mục cho phép... Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất và Cung ứng rau quả sạch Thắng Lợi Trương Văn Thường cho hay, việc cấp mã vùng trồng, quy trình kiểm soát chất lượng chặt chẽ, đạt chuẩn VietGAP giúp hợp tác xã tiêu thụ sản phẩm dễ dàng. Mỗi năm, hợp tác xã tiêu thụ 600 đến 800 tấn chuối xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.
Còn theo Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp sạch Đức Hậu - Lưu Quang (xã Trung Hòa, huyện Chương Mỹ) Lê Hữu Diện, với diện tích 2,7ha trồng bưởi Diễn theo hướng hữu cơ, sản lượng năm nay dự kiến khoảng 50.000 quả; khoảng 50-60% sản lượng tiêu thụ tại siêu thị, bếp ăn tập thể với giá 30.000-35.000 đồng/quả, giá trị cao hơn 10-15% so với vùng trồng bưởi khác...
Giám đốc Trung tâm Phát triển nông nghiệp Hà Nội Hoàng Thị Hòa cho biết, năm 2024, Trung tâm phối hợp với các đơn vị hỗ trợ nông dân xây dựng vùng chuối, bưởi tập trung theo hướng an toàn VietGAP, hữu cơ… Đến nay, trên địa bàn thành phố có 144 vùng bưởi, 72 vùng chuối trồng theo tiêu chí này, giúp các vùng chuyên canh ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất, giảm chi phí, đạt hiệu quả kinh tế cao. Năng suất các mô hình trồng bưởi VietGAP, hữu cơ đạt 35-38 tấn/ha, giá trị 650-750 triệu đồng/ha/năm. Đối với các vùng trồng chuối, năng suất đạt từ 42 đến 47 tấn/ha, hiệu quả kinh tế đạt 170-190 triệu đồng/ha, sản phẩm đủ tiêu chuẩn xuất khẩu...
“Ngoài ra, nông dân còn trồng bưởi, chuối theo hướng VietGAP, hữu cơ sử dụng hiệu quả đất đai, giảm sử dụng phân bón hóa học, hóa chất trong sản xuất nông nghiệp, bảo tồn nguồn thiên địch, cân bằng hệ sinh thái, sản xuất nông nghiệp mang tính bền vững...”, bà Hoàng Thị Hòa cho biết thêm.
Bên cạnh hiệu quả, các mô hình trồng chuối, bưởi theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ còn hạn chế về quy mô sản xuất, cơ cấu giống, cơ sở hạ tầng; công tác kết nối các doanh nghiệp khâu bao tiêu sản phẩm cho nông dân tại một số địa phương chưa được quan tâm đúng mức; sự kết hợp giữa các khâu trong chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ chưa bền vững; hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển mở rộng thị trường của đại đa số địa phương ít được quan tâm, chưa có cơ hội giới thiệu ra nước ngoài...
Để mở rộng các vùng trồng chuối, bưởi đạt tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ, các bên liên quan cần xây dựng thương hiệu và liên kết tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp. Về vấn đề này, Giám đốc Công ty cổ phần Thực phẩm an toàn Tâm Thành (quận Nam Từ Liêm) Nguyễn Thị Vân Anh cho rằng, các địa phương cần hỗ trợ hợp tác xã đổi mới phương thức tổ chức sản xuất theo hướng hữu cơ, VietGAP; thành lập các hợp tác xã sản xuất theo chuỗi liên kết để kiểm soát chất lượng đầu vào - đầu ra của sản phẩm. Doanh nghiệp cần cam kết thu mua sản phẩm cho nông dân vào vụ thu hoạch kết hợp bảo đảm chất lượng an toàn, có tem nhãn truy xuất nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm...
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Mạnh Phương cho biết, để duy trì, mở rộng các vùng trồng bưởi, chuối theo hướng an toàn, hữu cơ, thời gian tới, ngành Nông nghiệp Hà Nội tiếp tục phối hợp với các địa phương xây dựng bảo hộ, chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm gắn với mã truy xuất nguồn gốc, mã QRcode để minh bạch nguồn gốc sản phẩm; đẩy mạnh đăng ký, quản lý mã số vùng trồng để bảo đảm tiêu chí xuất khẩu.
“Trong năm 2025, ngành Nông nghiệp Hà Nội duy trì và phát triển thêm 3-5 nhãn hiệu tập thể, chỉ dẫn địa lý cho các vùng bưởi tập trung; ít nhất 3 nhãn hiệu chuối tập thể, phấn đấu có khoảng 60-80% vùng trồng đạt giấy chứng nhận an toàn thực phẩm. Đặc biệt, cần đẩy mạnh khâu xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm bưởi, chuối để người tiêu dùng ngày càng biết và sử dụng nhiều hơn loại nông sản chất lượng cao của Hà Nội”, ông Nguyễn Mạnh Phương nhấn mạnh.