Nông nghiệp - Nông thôn

Trồng phật thủ bonsai: Nông dân Đắc Sở tăng thu vụ Tết

Nguyễn Mai 19/01/2025 - 17:13

Là địa phương có truyền thống trồng phật thủ, một số hộ dân ở xã Đắc Sở (huyện Hoài Đức) chuyển từ trồng phật thủ bán quả sang phật thủ bonsai. Những ngày này, khi Tết Nguyên đán Ất Tỵ cận kề, người dân Đắc Sở tất bật ghép cây, cung cấp sản phẩm độc, lạ ra thị trường. Nhờ nguồn thu này, nhiều hộ được bù đắp phần thiệt hại bởi bão số 3 tháng 9-2024.

Tất bật cả ngày lẫn đêm

phat-thu-dac-so-6.jpeg
Các nhà vườn ở Đắc Sở tất bật ghép phật thủ bonsai cung cấp ra thị trường dịp Tết Ất Tỵ. Ảnh: Nguyễn Mai

Ở khu bãi Non ven sông Đáy xã Đắc Sở, vợ chồng ông Nguyễn Quang Thạch, bà Nguyễn Thị Tuyết đang “ngập” trong lô hàng phật thủ chờ thương lái tới chở đi. Ông Thạch chia sẻ, gia đình có hơn 20 năm trồng phật thủ, trước chỉ trồng lấy quả nhưng giờ đã chuyển sang trồng cây cảnh. Tết này, gia đình chuẩn bị 1.500 cây phôi, ghép quả giao cho thương lái được hơn một nửa...

Gia đình ông Thạch chuyên hàng “bình dân”, cây nhỏ, mỗi cây chỉ để từ 1 đến 5 quả, có giá từ vài trăm đến khoảng 3 triệu đồng/cây, bán rất chạy. “Nhà tôi ở trong làng, cách bãi Non chỉ vài trăm mét nhưng cả tuần nay tôi chưa về nhà, ăn ngủ ở đây để tiện ghép cây. Hôm qua vẫn có khách đặt 150 cây, nhưng tôi không nhận nữa vì sợ làm không kịp”, ông Thạch vui mừng nói.

phat-thu-dac-so-2.jpeg
Ông Nguyễn Quang Thạch bên những chậu phật thủ bonsai vừa được ghép quả. Ảnh: Nguyễn Mai.

Không riêng gia đình ông Thạch, ở Đắc Sở còn có hàng trăm hộ trồng phật thủ với diện tích lên tới hàng trăm héc-ta tại xã và thuê đất của xã lân cận. Trong đó, hơn 10 hộ chuyển sang trồng phật thủ bonsai.

Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã Phật thủ Đắc Sở Nguyễn Quang Định cũng là hộ làm phật thủ bonsai ở xã cho biết: Gia đình anh hiện có hàng trăm cây phôi. Tết Ất Tỵ này, anh đã ghép 70 chậu phật thủ bonsai. Tỉ mẩn cắt tỉa từng chi tiết, anh Định giới thiệu: "Làm phật thủ bonsai, chúng tôi chuẩn bị sẵn cây phôi, phần ghép quả sẽ được thực hiện vào dịp giáp Tết. Khi đó, chúng tôi chọn những quả phật thủ đẹp nhất ở những cây phật thủ trồng lấy quả, mang về ghép vào cây phôi. Nếu cho quả ra trực tiếp trên cây cũng được, nhưng tỷ lệ quả đẹp, quả ra đúng vị trí không nhiều. Hơn nữa, nếu để phật thủ ra quả tự nhiên trên cây, thì quả chúc xuống, không đẹp. Bằng phương pháp ghép, người thợ chọn được quả đẹp, đặt ngẩng lên, phô diễn được vẻ đẹp như bàn tay Phật xòe ra".

phat-thu-dac-so-3.jpeg
Một chậu bonsai nhỏ xinh vừa được bà Nguyễn Thị Tuyết ghép quả vào cây có giá hơn 1 triệu đồng. Ảnh: Nguyễn Mai

Là hộ có nhiều năm trồng phật thủ, ông Nguyễn Phú Dũng ở xã Đắc Sở chia sẻ, nhận thấy nhu cầu của người tiêu dùng về cây cảnh, nhất là dịp Tết tăng cao nên tôi tìm hiểu, học hỏi, phát triển cây bonsai. Từ đầu năm, gia đình tôi chuẩn bị gần 500 cây phôi để Tết ghép quả làm bonsai. Không may, mưa bão xảy ra, làm hỏng một số cây. Những cây còn lại, gia đình tập trung chăm sóc, dịp Tết này đưa được một số cây "khủng" ra thị trường, thu nhập từ bonsai phật thủ phần nào bù đắp thiệt hại do thiên tai gây ra.

Là vùng trồng phật thủ lâu năm, nên người Đắc Sở có kỹ thuật ghép quả tỷ lệ thành công 100%. Theo các chủ vườn, một cây phật thủ bonsai để được khoảng 3-4 tháng mới hỏng quả. "Cả xã Đắc Sở có hơn 10 hộ làm phật thủ bonsai. Hàng làm bao nhiêu đều có khách mua bấy nhiêu, chúng tôi chưa đủ hàng để mang ra chợ”, anh Nguyễn Quang Định cho hay.

phat-thu-dac-so-4.jpeg
Một cây bonsai được đánh giá đẹp phải hội đủ các yếu tố dáng, thế, bộ lá, quả... Ảnh: Nguyễn Mai

Mở hướng phát triển mới

Theo Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã Phật thủ Đắc Sở Nguyễn Quang Định, như cây cảnh, phật thủ bonsai cũng đòi hỏi những tiêu chí khắt khe. Về gốc, cây càng già cỗi, gân guốc càng đẹp. Về dáng, có nhiều loại như dáng huyền, dáng trực... Đối với bộ lá phải xanh, không quá to, không quá nhỏ. Hơn nữa, vị trí ghép quả cũng giữ vai trò quan trọng, quả phải phô ra bên ngoài vị trí đẹp, dễ quan sát. "Mỗi cây tùy thế, tôi đặt cho chúng cái tên ý nghĩa: Mẫu tử, phu thê, gia đình đoàn viên, tam đa, ngũ phúc… giá trị của cây sẽ được nâng lên rất nhiều...", anh Định nói.

Để có những cây phật thủ bonsai đẹp cần phải trồng cây phôi và tạo tán trong nhiều năm. Hiện vườn nhà anh Định có hàng trăm phôi phật thủ sẵn sàng ghép quả để làm bonsai, nhưng anh vẫn muốn nuôi phôi to hơn, tạo các dáng, thế đẹp hơn... Những ngày giáp Tết, gia đình anh Định huy động nhân lực tỉ mỉ cắt tỉa, uốn cây như ý để chiều lòng khách hàng.

phat-thu-dac-so-5.jpeg
Quả phật thủ đẹp có "tay" xòe và mập. Với kỹ thuật, người Đắc Sở ghép quả khoe vẻ đẹp, thay vì quả tự nhiên thường chúc xuống đất. Ảnh: Nguyễn Mai

Theo anh Định và người dân Đắc Sở, trồng phật thủ bonsai mang lại giá trị cao hơn hàng chục lần so với phật thủ quả thông thường. Nếu như một gốc phật thủ quả, trồng 1 năm cũng chỉ thu được chừng 2 triệu đồng, thì một gốc phật thủ bonsai đẹp có giá cao gấp 10 lần mà không tốn nhiều diện tích. Năm 2024, do ảnh hưởng bão số 3, hàng trăm héc-ta phật thủ lấy quả của xã Đắc Sở bị chết và giảm năng suất, chất lượng. Nhờ vụ phật thủ bonsai Tết này, nhiều hộ được tăng thu nhập, mở hướng phát triển mới cho địa phương.

phat-thu-dac-so-1.jpg
Anh Nguyễn Quang Định chăm sóc cây phật thủ phôi cho vụ sau. Ảnh: Nguyễn Mai

Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã Phật thủ Đắc Sở Nguyễn Quang Định cho biết, trồng phật thủ lấy quả thì cứ 5 năm phải trồng lại và chuyển vùng đất mới, nên ổn định không cao. Hợp tác xã đang vận động các hộ chuyển từ trồng phật thủ lấy quả sang làm bonsai bán Tết. Cách này không tốn thêm chi phí thuê đất, không phải đi làm ăn xa, diện tích canh tác không quá lớn... Hợp tác xã mong muốn được các cấp chính quyền quan tâm, thường xuyên tổ chức các sự kiện quảng bá, hội thi, triển lãm phật thủ để nghề trồng phật thủ của Đắc Sở ngày càng phát triển...