Công nghiệp văn hóa

Khi nghệ thuật "cất cánh" cùng du lịch: Hiện thực hóa mục tiêu bằng giải pháp khả thi

Hoàng Bình Phương 19/01/2025 17:33

Hoạt động biểu diễn nghệ thuật tại các điểm du lịch góp phần tăng sức hút cho điểm đến, tạo hiệu quả rõ nét trong việc làm mới sản phẩm.

Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là làm thế nào để sản phẩm du lịch - văn hóa không chỉ giúp tăng chất lượng, sức hấp dẫn của điểm đến mà còn tạo được nguồn thu, giải bài toán kinh tế? Đó đang là nỗi trăn trở mà Thành phố Hà Nội và các đơn vị nghệ thuật, lữ hành, điểm đến du lịch - văn hóa muốn tìm ra giải pháp khả thi để hiện thực hóa mục tiêu.

du-lich.jpg
Chương trình “Người thầy của muôn thế hệ học trò” do Nhà hát Kịch Việt Nam trình diễn tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám vào ngày 30-12-2024. Ảnh: Hoàng Quyên

Phó Chủ tịch Liên chi hội Lữ hành Việt Nam, Chủ tịch Câu lạc bộ Du lịch bền vững Phùng Quang Thắng:
Chú ý bồi dưỡng nguồn nhân lực tại chỗ

o-thang.jpg

Tôi từng tham gia hợp tác với tư cách là chuyên gia tư vấn du lịch, cùng cán bộ tại một số điểm đến khảo sát và xây dựng sản phẩm tour đêm. Đó là sản phẩm “Đêm thiêng liêng” tại di tích Nhà tù Hỏa Lò, tour “Giải mã Hoàng thành Thăng Long” tại di sản Hoàng thành Thăng Long, tour văn học “Chữ tâm chữ tài” tại Bảo tàng Văn học Việt Nam. Để tăng trải nghiệm cho du khách, các điểm đến cần có những hoạt cảnh phù hợp để du khách tiếp cận kiến thức lịch sử, văn hóa dễ dàng và hứng thú hơn so với khi tìm hiểu các chuyên đề trưng bày thông thường. Các trích đoạn tác phẩm nghệ thuật cho thấy thử nghiệm này là đúng đắn, giúp tăng sức hấp dẫn đối với du khách.

Cái khó của những đơn vị quản lý điểm đến là phải cân đối bài toán thu - chi hợp lý để đáp ứng được yêu cầu đổi mới sáng tạo, hấp dẫn nhưng không quá tốn kém. Hiện nay, phần lớn các đơn vị quản lý điểm đến đang dần phải tự chủ tài chính, không dễ để thực hiện sản phẩm mới với mức chi phí đầu tư lớn khi chưa có đủ cơ sở đánh giá kỹ càng về độ hấp dẫn đối với du khách.

Do đó, nhiều đơn vị đã nỗ lực sử dụng nguồn nhân lực tại chỗ để xây dựng sản phẩm mới. Chẳng hạn, Ban Quản lý di tích Nhà tù Hỏa Lò “nhờ” cán bộ, nhân viên của mình vào các vai diễn phù hợp với hoạt cảnh. Một số đơn vị khác “mượn” sinh viên các trường nghệ thuật. Đó là giải pháp tạm thời khá hiệu quả, trước mắt giúp các đơn vị xây dựng sản phẩm mới với mức chi phí không quá lớn, từ đó thu nhận phản hồi của du khách và đề ra chiến lược đầu tư sâu hơn. Tuy nhiên, cách làm này đòi hỏi các điểm đến nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thường xuyên đào tạo, bồi dưỡng nhân sự tại chỗ.

Đạo diễn Hoàng Công Cường:
Cần có chiến lược cụ thể trong việc chia sẻ đầu tư

cong-cuong.jpg

Hà Nội là trung tâm văn hóa, nghệ thuật của cả nước, sở hữu rất nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, đồng thời Thủ đô cũng là nơi làm nghề của rất nhiều nghệ sĩ, nghệ nhân. Đây là nguồn lực sáng tạo vô cùng to lớn, là nền tảng và điều kiện phát triển công nghiệp văn hóa mà các tỉnh, thành phố khác khó có được.

Tôi từng tham gia trong vai trò tổng đạo diễn nhiều chương trình nghệ thuật lớn của Hà Nội, như Ngày hội Văn hóa vì hòa bình nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô, và cũng phối hợp với một số điểm di tích của Hà Nội để xây dựng sản phẩm, góp ý một số yếu tố biểu diễn phù hợp tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám.

Gần đây, tôi tham gia xây dựng, tổ chức sản xuất chương trình “Bước chân di sản”, kết hợp trình diễn thời trang áo dài, biểu diễn nghệ thuật để tôn vinh các điểm đến văn hóa - du lịch đáng chú ý của Hà Nội như Làng gốm sứ Bát Tràng (năm 2023), Nhà hát Lớn Hà Nội (năm 2024). Đây là những chương trình được thực hiện với nguồn kinh phí hoàn toàn xã hội hóa, mang lại giá trị nghệ thuật, góp phần quảng bá điểm đến cho Hà Nội cũng như thu hút người xem. Tôi cho rằng, giá trị của điểm đến cần phải được tôn vinh với cách làm mới, mang tính sáng tạo để mang đến sự hấp dẫn cho du khách, đặc biệt là giới trẻ.

Hiện nay, rất nhiều nơi nhờ tìm ra cách đưa nghệ thuật biểu diễn vào hoạt động du lịch mà thu được hiệu quả nhất định, định vị được thương hiệu điểm đến. Tuy vậy, bên cạnh những dự án thành công cũng có một số dự án thiếu hiệu quả. Vấn đề không phải vì chương trình không hay, mà là do khâu quảng bá chưa hấp dẫn, chưa kết nối tốt với các đơn vị lữ hành để tạo nguồn khách ổn định. Do đó, việc kiến tạo môi trường kết nối chặt chẽ giữa những người làm văn hóa và du lịch cần được quan tâm nhiều hơn, trong đó cần chú ý đúng mức tới việc chia sẻ đầu tư, chia sẻ lợi ích một cách hợp lý, công bằng. Ngoài ra, cũng cần có chiến lược truyền thông hiệu quả, khả thi.

Công nghiệp văn hóa là con đường dài, ở đó cần có sự phối hợp chặt chẽ, chủ động của các bên liên quan, trong trường hợp này là các ban quản lý điểm đến và đơn vị lữ hành.

Viện trưởng Viện Phát triển du lịch châu Á Phạm Hải Quỳnh:
Phát huy lợi thế của cộng đồng

hai-quynh.jpg

Nhìn ra nhiều nước trên thế giới, để thu hút du khách, có thể thấy hoạt động biểu diễn nghệ thuật là một phần không thể thiếu trong sản phẩm du lịch, văn hóa. Nhiều nước tổ chức sân khấu thực cảnh quy mô lớn, đầu tư công phu, qua đó tạo sản phẩm du lịch hấp dẫn mà bất cứ du khách nào đến tham quan cũng muốn được thưởng thức.

Tại Việt Nam, đã có nhiều địa phương xây dựng sản phẩm biểu diễn được đầu tư hoành tráng, kỳ công, chẳng hạn như chương trình thực cảnh “Ký ức Hội An” tại Quảng Nam, “Tinh hoa Bắc Bộ” tại Hà Nội... Đó là những sản phẩm văn hóa - du lịch rất cần thiết để tạo thương hiệu cho điểm đến, tăng sức hút với du khách. Tuy nhiên, cũng phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, không phải ở đâu và lúc nào chúng ta cũng có đủ nguồn lực về tài chính, về quy hoạch đô thị, kiến trúc để có thể xây dựng được những chương trình nghệ thuật thực cảnh lớn và công phu với mức chi phí “khủng”. Bởi thế, cần tính toán hợp lý trong việc xây dựng những chương trình nghệ thuật hoành tráng, chất lượng cao. Mục tiêu cần hướng tới không chỉ là thỏa mãn nhu cầu của cộng đồng, của du khách, mà còn mang lại nguồn thu về tài chính, tạo được dòng tiền thường xuyên từ hoạt động du lịch, đó mới là đích đến của chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa.

Tôi cho rằng, khi chưa có đủ điều kiện đầu tư lớn thì cần tận dụng tối đa nguồn lực tại chỗ. Hà Nội có nhiều lợi thế về di sản, là nơi tập trung đông lực lượng nghệ nhân, nghệ sĩ, cộng đồng sáng tạo; phong trào văn nghệ quần chúng phát triển mạnh mẽ, sâu rộng. Bởi thế, Thủ đô cần có chiến lược phát huy sức mạnh cộng đồng một cách hiệu quả hơn để phát triển công nghiệp văn hóa. Với chương trình biểu diễn nghệ thuật tại các điểm du lịch, giải pháp hợp lý là tận dụng nguồn diễn viên chuyên nghiệp và không chuyên, huy động sự sáng tạo của những người trẻ và người dân bản địa để tăng sức hấp dẫn cho các điểm đến.