Thế giới

Hungary: “Ukraine và Mỹ gây ra một cuộc khủng hoảng năng lượng khác ở châu Âu”

Kim Phượng 19/01/2025 - 06:35

Các bước đi gần đây của Ukraine khi dừng vận chuyển khí đốt Nga qua lãnh thổ của mình và Mỹ có nguy cơ gây ra một cuộc khủng hoảng năng lượng khác ở châu Âu, hãng thông tấn TASS dẫn lời Thủ tướng Hungary Viktor Orban cho biết ngày 18-1.

messenger_creation_7644b314-5c82-4638-a16a-f2ddd27c3ba3.jpeg
Thủ tướng Hungary Viktor Orban. Ảnh: TASS

"Những diễn biến đáng báo động đã được báo cáo trong lĩnh vực cung cấp năng lượng của châu Âu những ngày gần đây. Ukraine đã chặn đường ống dẫn khí đốt cung cấp cho Hungary, trong khi chính quyền Mỹ áp đặt lệnh trừng phạt, làm gia tăng giá năng lượng ở châu Âu. Châu Âu đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng năng lượng", Thủ tướng Orban cho biết trong một bài phát biểu qua video từ Belgrade, nơi ông đã có cuộc hội đàm với Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic.

Theo Thủ tướng Hungary, hành động của Ukraine và Mỹ đã làm tăng giá nhiên liệu ở châu Âu. "Những gì đang xảy ra tại các trạm xăng của Hungary thật đáng kinh ngạc", ông đồng thời nói thêm rằng điều này đe dọa đến phúc lợi của người dân và gây tổn hại đến nền kinh tế.

Trước đó, Thủ tướng Hungary cho biết, mối đe dọa lớn nhất đối với nền kinh tế quốc gia đến từ việc giá dầu và khí đốt tăng cao do lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Nga.

Cùng ngày, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius đã bày tỏ sẵn sàng gửi quân đội Đức đến Ukraine để giúp bảo vệ khu vực phi quân sự, nếu đạt được thỏa thuận ngừng bắn với Nga. Trong một cuộc phỏng vấn với Süddeutsche Zeitung vừa được công bố, Bộ trưởng Pistorius cho biết "Chúng tôi là đối tác của tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ở châu Âu. Rõ ràng là chúng tôi sẽ có vai trò", đồng thời nói thêm rằng vấn đề này sẽ được thảo luận vào thời điểm thích hợp.

Ông Pistorius cũng ủng hộ việc Đức chi tiêu cho quốc phòng vào khoảng 3% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP), so với con số hiện là khoảng 2%.

Những phát biểu của ông được đưa ra khi Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump thúc đẩy các thành viên NATO phân bổ 5% GDP cho quốc phòng, một đề xuất bị Thủ tướng Đức Olaf Scholz bác bỏ .