Yên Bái - “viên ngọc xanh” giữa đại ngàn Tây Bắc
Nhắc đến Yên Bái, người ta nhớ ngay tới những thửa ruộng bậc thang trùng điệp, đỉnh Tà Xùa - điểm “săn mây” được giới trẻ ưa thích hay trải nghiệm bay dù trên mùa lúa chín vàng đèo Khau Phạ... Những sản phẩm du lịch độc đáo ấy được hình thành dựa trên nền tảng nguồn tài nguyên quý giá sẵn có, giúp Yên Bái thực sự trở thành một “viên ngọc xanh” trên bản đồ du lịch Việt.
Trữ lượng tài nguyên vô giá
Yên Bái là vùng đất lịch sử lâu đời, nơi hội tụ sinh sống của 12 dân tộc anh em gồm Kinh, Tày, Nùng, Thái, Mông, Dao, Cao Lan... Đồng bào các dân tộc nơi đây vẫn giữ được những phong tục tập quán truyền thống, bản sắc văn hóa. Trên địa bàn tỉnh hiện có 574 di sản văn hóa phi vật thể, trong đó có 6 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia cùng nghệ thuật xòe Thái đã được UNESCO ghi danh vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Cùng với đó là 137 di tích lịch sử - văn hóa đã được xếp hạng, bao gồm 1 di tích quốc gia đặc biệt, 12 di tích cấp quốc gia, 124 di tích cấp tỉnh. Đây là nguồn tài nguyên nhân văn dồi dào để Yên Bái xây dựng các sản phẩm du lịch văn hóa mang bản sắc riêng và có sức hấp dẫn đối với du khách trong nước, quốc tế.
Nổi bật hơn phải kể đến nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, đa dạng, giúp Yên Bái xây dựng được nhiều sản phẩm hấp dẫn, qua đó khẳng định thương hiệu trên bản đồ du lịch Việt. Đến với Yên Bái, du khách có dịp khám phá cánh đồng Mường Lò - “vựa lúa” lớn thứ hai vùng Tây Bắc và là “vùng đất của những điệu xòe”; thăm Di tích quốc gia đặc biệt Danh lam thắng cảnh ruộng bậc thang Mù Cang Chải đã được nhiều tạp chí du lịch quốc tế bình chọn trong “Top 50 điểm đến đẹp nhất thế giới”. Đến với Di tích lịch sử quốc gia hồ Thác Bà, du khách được tận mắt thấy khung cảnh hùng vĩ của vùng hồ với 1.300 hòn đảo lớn nhỏ cùng phong cảnh sơn thủy hữu tình. Đặc biệt, nơi đây cũng ghi dấu công trình hồ thủy điện Thác Bà - một trong những hồ thủy điện lớn nhất của cả nước.
Yên Bái cũng được nhiều du khách nước ngoài biết tới là địa phương có nhiều dịch vụ, sản phẩm du lịch thể thao mạo hiểm thú vị như Giải leo núi “Bước chân trên mây” - chinh phục đỉnh Tà Xùa; trải nghiệm trekking Lùng Cúng, Tà Chì Nhù và “sống lưng khủng long” xã Dế Xu Phình; hay bay dù lượn trên đèo Khau Phạ. Ngoài ra, Yên Bái cũng là nơi thu hút nhiều nhà đầu tư lớn xây dựng các khu nghỉ dưỡng cao cấp, đáp ứng nhu cầu của đối tượng khách có mức chi tiêu cao như Khu nghỉ dưỡng Garrya Mù Cang Chải, Le Champ Tú Lệ Resort Hot Spring & Spa, Om Tara Retreat, Yen Bai Star Golf and Resort.
Du khách người Anh Marie Jane Donatella chia sẻ: “Tôi đã bị choáng ngợp bởi vẻ đẹp siêu thực của vùng đất này. Tôi cũng rất vui vì được người dân hướng dẫn dệt vải sợi lanh, vẽ hoa văn bằng sáp trên vải... Những trải nghiệm này để lại ấn tượng lâu dài trong tôi về một đất nước Việt Nam tươi đẹp”.
“Bệ phóng” để phát triển bền vững
Yên Bái luôn xác định du lịch là một ngành kinh tế quan trọng của tỉnh. Nhiều giải pháp đã được triển khai đồng bộ như đẩy mạnh hoạt động xúc tiến, quảng bá; kích cầu thị trường, tạo dựng hình ảnh, thương hiệu du lịch thông qua việc chuyển đổi số, tuyên truyền quảng bá trên các nền tảng và ứng dụng như Fanpage du lịch tỉnh Yên Bái, ứng dụng Công dân số YenBai-S; xây dựng và cập nhật cơ sở dữ liệu các điểm đến, sản phẩm du lịch và các doanh nghiệp du lịch lên Cổng thông tin Du lịch và Ứng dụng Du lịch tỉnh Yên Bái... Đây là những “cầu nối” đưa thông tin đến với du khách một cách hiệu quả nhất.
Chia sẻ về những kết quả đáng mừng trong năm 2024, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Yên Bái Vũ Thị Mai Oanh cho biết: “Năm 2024, ngành Du lịch Yên Bái đã đón và phục vụ 2.272.000 lượt khách, tăng 8,8% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, khách quốc tế ước đạt 288.800 lượt, tăng 91,2% so với cùng kỳ năm 2023; doanh thu đạt 1.790 tỷ đồng, bằng 119,3% kế hoạch, tăng 4% so với cùng kỳ”.
Cũng theo bà Vũ Thị Mai Oanh, có được kết quả trên còn là nhờ Yên Bái đã không ngừng nâng cao chất lượng, xây dựng và làm mới hệ thống sản phẩm du lịch, trong đó đặc biệt chú trọng việc hình thành các sản phẩm khác biệt. Trong năm 2024, Yên Bái đã đưa vào khai thác 16 sản phẩm du lịch mới, trong đó có các sản phẩm thế mạnh như du lịch chăm sóc sức khỏe gắn với các di sản thiên nhiên, mỏ nước khoáng nóng, khu vực trồng và chế biến dược liệu... Đây là lợi thế cạnh tranh của tỉnh so với các địa phương lân cận khi sở hữu những mỏ nước khoáng nóng có trữ lượng dồi dào, chất lượng tại thị xã Nghĩa Lộ và các huyện: Văn Chấn, Văn Yên, Trạm Tấu...
Bên cạnh đó, tỉnh cũng chú trọng đa dạng hóa sản phẩm du lịch nhằm thu hút du khách đến Yên Bái quanh năm, không để xảy ra tình trạng mùa thấp điểm hay cao điểm dẫn tới sự phát triển thiếu bền vững. Tỉnh đã định hướng để mỗi huyện, thị xã đều có những sản phẩm thế mạnh ở những thời điểm khác nhau, qua đó thu hút khách đến vào các mùa trong năm.
Đặc biệt, tháng 9-2024, HĐND tỉnh Yên Bái đã ban hành Nghị quyết số 81/NQ-HĐND ban hành Quy định chính sách hỗ trợ phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Yên Bái giai đoạn 2024 - 2030. Đây được coi là “bệ phóng” để du lịch Yên Bái tăng tốc và phát triển bền vững trong thời gian tới nhờ những chính sách cởi mở trong việc hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ dân, thôn bản, tổ chức, cá nhân đang kinh doanh dịch vụ du lịch, lưu trú, du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh.