Sự lan tỏa của một chính sách mới
Ngày 1-1-2025, Nghị định số 168/2024/NĐ-CP của Chính phủ “Quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ; trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe” có hiệu lực thi hành.
Sau hơn nửa tháng thi hành, bước đầu Nghị định số 168/2024/NĐ-CP với 4 chương và 55 điều đã góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật giao thông, giảm thiểu tai nạn giao thông, xây dựng văn hóa giao thông an toàn, văn minh.
Nghị định quy định 3 nhóm hành vi tăng mức tiền xử phạt, đó là xâm phạm trật tự quản lý nhà nước như dùng biển số giả, che biển số; cố ý vi phạm, làm xấu văn hóa giao thông như vượt đèn đỏ, đi ngược chiều; hành vi gây ra tai nạn giao thông. Trong đó, nhiều lỗi vi phạm giao thông tăng mức phạt gấp nhiều lần so với trước, như: Vượt đèn đỏ với người điều khiển ô tô sẽ bị xử phạt 18-20 triệu đồng (tăng gần 4 lần so với Nghị định số 100/2019/NĐ-CP); đi ngược chiều với người điều khiển xe máy sẽ bị phạt 4-6 triệu đồng (tăng hơn 3 lần so với Nghị định số 100/2019/NĐ-CP)…
Những thay đổi này không chỉ làm tăng tính răn đe, mà còn thể hiện quyết tâm của Chính phủ trong việc giảm thiểu tai nạn giao thông và xây dựng môi trường giao thông an toàn, văn minh. Mục tiêu chính của việc tăng mạnh mức phạt theo nghị định nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về giao thông, từ đó góp phần giảm thiểu tai nạn, ùn tắc và tình trạng coi thường pháp luật, “nhờn luật” hiện nay.
1. Văn hóa giao thông là hành vi xử sự đúng pháp luật, theo các chuẩn mực của xã hội về lẽ phải, cái đẹp, cái thiện của người tham gia giao thông. Văn hóa giao thông là tự giác chấp hành trật tự, an toàn giao thông, ngăn chặn các hành vi gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông, tôn trọng, nhường nhịn người khác, tận tình giúp đỡ người tham gia giao thông gặp hoạn nạn, giúp đỡ người tàn tật, trẻ em, người cao tuổi để hướng tới một xã hội giao thông an toàn, thân thiện.
Nếu coi trọng pháp luật, luôn lái xe đúng luật thì không bao giờ bị xử phạt vì vi phạm trật tự, an toàn giao thông. Nhưng nếu viện cớ thu nhập thấp, công việc phải di chuyển nhiều, chỉ biết tiện cho mình, bất chấp lợi ích của người khác, nhiều người quên rằng những hành vi đó là sai, cũng chẳng hề xấu hổ khi vi phạm, rồi kêu có nguy cơ mất phần lớn thu nhập, than vãn về mức phạt mới... - đó chỉ là bao biện cho thói quen tùy tiện, coi thường pháp luật về trật tự, an toàn giao thông nhưng lại mong muốn không phải chịu chế tài phạt.
Sau hơn nửa tháng thực hiện Nghị định số 168/2024/NĐ-CP, tình hình trật tự, an toàn giao thông có nhiều chuyển biến rõ rệt, tai nạn giao thông giảm cả 3 tiêu chí, giao thông đi vào nền nếp hơn. Tuy nhiên, cũng không ít ý kiến băn khoăn, lo ngại về khả năng thích ứng của người dân, đặc biệt là những người có thu nhập thấp trước các mức phạt rất cao… Và dĩ nhiên, nhân cơ hội này, các thế lực thù địch, phản động triệt để lợi dụng để xuyên tạc, bịa đặt, bóp méo sự thật về Nghị định số 168/2024/NĐ-CP của Chính phủ.
Đối với các quy định tại Nghị định số 168/2024/NĐ-CP, các thế lực thù địch xuyên tạc rằng: “Mức xử phạt cao bất thường”, “vắt dân đến khô nước”, “người dân khắp nơi kêu than mức xử phạt giao thông mới”... Thậm chí, các thế lực thù địch còn thông tin bịa đặt, vô căn cứ, cho rằng: “Khi xử phạt càng cao, công an càng thu được nhiều tiền vì được phép giữ lại 85% tiền phạt. Rất dễ hiểu, cứ nhìn thấy tiền về nơi đâu là hiểu lợi ích nhóm ở đó”; hay “Nghị định 168 xây dựng sai thủ tục, bởi từ ngày được ký ban hành tới khi có hiệu lực chưa đủ 45 ngày”…
2. Cần khẳng định rằng, những luận điệu trên là hoàn toàn sai trái, cố tình xuyên tạc, chống phá chính sách, pháp luật của Nhà nước Việt Nam. Bởi Nghị định số 168/2024/NĐ-CP Chính phủ mới ban hành không nhằm mục đích để phạt được nhiều, mà thể hiện quyết tâm, mong muốn lớn nhất của Đảng, Nhà nước là bảo vệ tính mạng, sức khỏe của người dân từ việc giảm thiểu tai nạn giao thông, hạn chế các vi phạm trật tự, an toàn giao thông, bảo đảm an ninh, trật tự trong tình hình mới. Do đó, dư luận xã hội đồng tình cao với mức xử phạt có tính răn đe như hiện nay.
Theo thống kê của các cơ quan chức năng, trong năm 2024, cả nước xảy ra 21.532 vụ tai nạn giao thông đường bộ, làm chết 9.954 người, bị thương 16.044 người. Nguyên nhân cơ bản dẫn đến tai nạn và những cái chết thương tâm là do việc tùy tiện trong tham gia giao thông, bất chấp, coi thường pháp luật về trật tự, an toàn giao thông, nhất là quy tắc giao thông. Do vậy, việc tăng nặng mức phạt tiền là cần thiết với các hành vi và nhóm hành vi vi phạm quy tắc giao thông, vi phạm quy định về quản lý nhà nước trong lĩnh vực trật tự, an toàn giao thông đường bộ và kèm theo đó là các hình thức xử lý nghiêm khắc như: Tịch thu phương tiện, tước giấy phép lái xe có thời hạn, trừ điểm giấy phép lái xe… Đây cũng chính là một trong những biện pháp ngăn chặn hữu hiệu bằng luật pháp. Từ đó, có cơ sở để giảm thiểu vi phạm trật tự, an toàn giao thông, giảm thiểu nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông và thiệt hại do tai nạn giao thông gây ra.
3. Nhìn vào các quốc gia phát triển, ai cũng có thể thấy, việc áp dụng mức phạt nghiêm khắc đối với các hành vi vi phạm trật tự, an toàn giao thông được thực hiện từ lâu, cần thiết và mang lại hiệu quả rõ rệt trong việc giảm thiểu tai nạn giao thông, xây dựng một nền giao thông văn minh.
Tại Mỹ, hành vi vượt đèn đỏ, lái xe khi say rượu, hoặc không tuân thủ tốc độ bị xử lý nghiêm. Bên cạnh đó, việc áp dụng công nghệ giám sát giao thông như camera tự động giúp phát hiện vi phạm nhanh chóng và chính xác. Cách làm đó khiến người dân ý thức hơn về hậu quả của các hành vi vi phạm giao thông của mình.
Pháp cũng là quốc gia có hệ thống xử phạt vi phạm trật tự, an toàn giao thông rất nghiêm ngặt, nhất là các vi phạm như vượt tốc độ, không thắt dây an toàn, lái xe khi say rượu và vượt đèn đỏ. Nhờ vào các biện pháp xử phạt nghiêm khắc, tình hình giao thông tại Pháp khá tốt với tỷ lệ tai nạn giao thông thấp hơn nhiều so với các quốc gia khác.
Trong khi đó, ở Việt Nam, với tốc độ đô thị hóa và mật độ giao thông tăng nhanh, việc học hỏi kinh nghiệm từ các quốc gia phát triển để bảo đảm giao thông an toàn thực sự cần thiết.
Không thể phủ nhận, những ngày gần đây, tình trạng giao thông ở Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh có bị ách tắc. Điều này đã được các đơn vị chức năng giải thích, việc ùn tắc giao thông trong những ngày qua là do số người tham gia giao thông tăng cao trong dịp Tết Nguyên đán. Các cơ quan chức năng đang tăng cường ra quân, tổ chức, hướng dẫn giao thông, góp phần bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong dịp Tết Nguyên đán theo Công điện của Thủ tướng Chính phủ.
Thiết nghĩ, chúng ta muốn giao thông văn minh thì cũng cần chấp nhận một thời điểm nhất định có những vấn đề khó khăn, cần phải xử lý; ở đây quan trọng là phản ứng chính sách của người có thẩm quyền. Ngay sau khi xảy ra tình trạng ùn tắc, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện giao Bộ Công an phối hợp với Bộ Giao thông vận tải và thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh tổ chức giao thông khoa học, hợp lý để nhanh chóng khắc phục ùn tắc tại hai thành phố lớn nhất đất nước.
Như vậy, bước đầu chính quyền đã có phản ứng chính sách phù hợp. Thế nhưng, các thế lực phản động không chịu nhìn nhận khách quan rằng ùn tắc giao thông tại các đô thị lớn chủ yếu là do vấn đề phương tiện đi lại tăng quá nhanh, hạ tầng giao thông không đáp ứng được, mà quay lại công kích, đòi bãi bỏ quy định về trật tự, an toàn giao thông. Mục đích chính, sâu xa của các thế lực thù địch là bôi nhọ chế độ, làm mất đoàn kết trong xã hội, mất sự ổn định của đất nước, phá hoại con đường phát triển của dân tộc Việt Nam.
Có thể nói, sự nghiêm minh của pháp luật là yếu tố cốt lõi để bảo đảm trật tự xã hội và an toàn giao thông. Mỗi người dân cần nâng cao ý thức, kết hợp với tính răn đe mạnh mẽ của pháp luật đã tạo nên sự văn minh và làm giảm thiểu các vụ tai nạn giao thông, bảo đảm an toàn tính mạng, tạo nên những hình ảnh đẹp của một quốc gia văn minh khi du khách đến du lịch, học tập, làm việc...
Tuy nhiên, để Nghị định số 168/2024/ NĐ-CP phát huy hết hiệu quả, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng, cấp ủy, chính quyền các cấp, doanh nghiệp và người dân. Cần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật để người dân hiểu rõ hơn về các quy định mới, từ đó nâng cao ý thức chấp hành pháp luật.
Đồng thời, cơ quan có thẩm quyền cần đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng giao thông để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân và tạo điều kiện thuận lợi cho việc chấp hành Luật Giao thông; sớm bổ sung, hoàn thiện cơ chế xử lý vi phạm, bảo đảm tính công bằng, minh bạch và hiệu quả...
Đặc biệt, chúng ta cần tỉnh táo trước những hành động chống phá của các thế lực thù địch. Bởi chỉ có nêu cao tinh thần cảnh giác, phân biệt thông tin chính thống và không chính thống; chấp hành nghiêm pháp luật nói chung, pháp luật về giao thông đường bộ nói riêng mới là biện pháp tốt nhất để bảo vệ chính mình và góp phần xây dựng, phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới.