Thị trường

Ngành logistics Việt Nam:Đổi mới công nghệ để tăng tốc phát triển

Lam Giang 18/01/2025 - 07:19

Đầu tư đổi mới công nghệ là xu hướng chung để các doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam "chuyển mình" mạnh mẽ, đón đầu các cơ hội. Tuy nhiên, hiện vẫn cần thêm giải pháp mang tính đồng bộ, chiến lược giúp các doanh nghiệp logistics khắc phục hạn chế, nâng cao sức cạnh tranh, đáp ứng yêu cầu phát triển.

he-thong-phan-loai.jpg
Hệ thống phân loại hàng tự động của Trung tâm trung chuyển J&T Express Việt Nam tại Khu công nghiệp Quang Minh (huyện Mê Linh). Ảnh: Hà Thư

68% công ty đầu tư vào công nghệ mới

Ngày 9-1 vừa qua, tại Khu công nghiệp Quang Minh (huyện Mê Linh), thương hiệu chuyển phát nhanh J&T Express Việt Nam đã khai trương trung tâm trung chuyển lớn nhất miền Bắc của doanh nghiệp này. Với diện tích 38.000m2, 23 cổng hàng vào và 150 cổng hàng ra, trung tâm có hàng chục băng chuyền và khu vực xử lý hàng hóa hiện đại. Tại đây trang bị các lớp kiểm soát bằng hệ thống máy DWS tích hợp tự động quét mã hàng, cân nặng và kiểm tra kích thước; hệ thống ma trận phân loại hàng tự động giúp quá trình hàng vào và ra chỉ trong 3-5 phút với độ chuẩn xác tới 99%. Các hệ thống này phục vụ tối ưu cho lượng hàng hóa lớn, kể cả trong dịp cao điểm với công suất 2,4 triệu bưu kiện/ngày.

Trước đó, vào đầu tháng 12-2024, Tổng công ty cổ phần Bưu chính Viettel đã khai trương Công viên logistics Viettel tại Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng, tỉnh Lạng Sơn. Công viên có diện tích 143,7ha, xử lý 1.500 xe thông quan mỗi ngày là trung tâm logistics đầu tiên tại Việt Nam cung cấp chuỗi dịch vụ logistics xuất, nhập khẩu toàn trình. Đặc biệt, trung tâm điều hành của công viên này sử dụng công nghệ digital twin, số hóa dữ liệu từ các thiết bị IoT kết nối internet, giúp giám sát hiệu suất, lưu lượng hàng hóa, phương tiện, đồng thời dự đoán lưu lượng và cảnh báo sự cố tiềm ẩn…

Theo các chuyên gia, ngành logistics Việt Nam đang trải qua quá trình chuyển đổi số nhanh chóng, với 68% công ty đầu tư vào công nghệ mới. Các đổi mới chính bao gồm hệ thống quản lý, vận hành kho bãi, điểm trung chuyển và vận tải, dự báo dựa trên trí tuệ nhân tạo AI; các giải pháp theo dõi lộ trình dựa trên internet vạn vật…

Khảo sát của Dự án Thương mại số tại Việt Nam với sự hợp tác giữa Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và Bộ Công Thương Việt Nam công bố mới đây cho hay, các doanh nghiệp đã từng bước đầu tư công nghệ, đẩy mạnh chuyển đổi số, nâng cao chất lượng dịch vụ logistics. Giải pháp và hạ tầng công nghệ cho chuyển đổi số ngày càng đa dạng, trong đó điển hình như nhóm doanh nghiệp cảng có 67% đơn vị được khảo sát áp dụng chuyển đổi số tổng thể; 50% có kết nối khách hàng và nhà cung cấp, áp dụng phần mềm cảng thông minh và các phần mềm chức năng; 67% doanh nghiệp dành ngân sách từ 1 đến 5 tỷ đồng/năm cho chuyển đổi số…

Tạo điều kiện thuận lợi để ngành logistics phát triển

Năm 2023, chỉ số hiệu quả logistics Việt Nam đứng thứ 43/139 quốc gia và vùng lãnh thổ, đứng thứ 5 trong các nước ASEAN; tốc độ tăng trưởng doanh thu dịch vụ logistics từ 14-16%/năm với quy mô khoảng 40-42 tỷ USD/năm. Tuy nhiên, trong hơn 35.000 doanh nghiệp dịch vụ logistics tại Việt Nam có trên 90% là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đa phần trong số đó mới đang ở giai đoạn đầu của quá trình đầu tư công nghệ, chuyển đổi số. Nguồn vốn hạn chế, sự đầu tư ngân sách còn hạn chế và thiếu nhân sự có năng lực chuyên môn… là những rào cản chính đối với các doanh nghiệp logistics vừa và nhỏ trong đổi mới công nghệ.

Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Trần Thanh Hải cho hay, Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh các giải pháp giảm chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo môi trường thuận lợi cho sự phát triển của ngành logistics. Trong đó, Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 xác định logistics là một trong 8 lĩnh vực cần ưu tiên chuyển đổi số. Quyết định số 221/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ cũng xác định một trong những nhiệm vụ nhằm phát triển logistics Việt Nam đến năm 2025 là “nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ và tiến bộ kỹ thuật, đẩy mạnh chuyển đổi số”.

Trong năm 2025 và các năm tiếp theo Việt Nam cần triển khai một loạt giải pháp mang tính đồng bộ và chiến lược nhằm đáp ứng yêu cầu cao của thị trường. Bà Phạm Thị Lan Hương, chuyên gia trong nước, Dự án Thương mại số tại Việt Nam cho rằng, các bộ, ngành cần hoàn thiện khung pháp lý về thương mại điện tử, quản trị kỹ thuật số, bảo đảm bảo mật, an toàn, an ninh mạng. Cùng với đó, triển khai các dự án đào tạo về xây dựng hệ thống quản trị, thiết lập quy trình, hướng đến các doanh nghiệp logistics vừa và nhỏ. “Chính phủ nên thành lập quỹ khởi nghiệp logistics xanh nhằm đưa ra những ý tưởng mới và các giải pháp sáng tạo về logistics xanh tới thị trường. Từ đó tạo nguồn cung đa dạng về các giải pháp chuyển đổi số với chi phí hợp lý, giúp doanh nghiệp có nhiều lựa chọn tối ưu hơn”, bà Phạm Thị Lan Hương nói.

Trong khi đó, ông Trevor O'Regan, chuyên gia quốc tế, Dự án Thương mại số tại Việt Nam cho rằng, Việt Nam cần bảo vệ chuỗi cung ứng trong tương lai bằng cách phát triển lợi thế cạnh tranh trong chuỗi cung ứng toàn cầu với các điểm tiếp cận như trí tuệ nhân tạo AI, thương mại số, logistics và tính bền vững. Ngoài ra, nên thành lập trường đại học và viện nghiên cứu mang tầm quốc tế chuyên về chuỗi cung ứng toàn cầu để đào tạo nhân lực kỹ thuật và quản lý chuỗi cung ứng.