Góc nhìn

Sứ mệnh cao cả và cơ hội vươn xa

Chí Kiên 18/01/2025 - 06:44

Đảng và Nhà nước ta luôn coi khoa học, công nghệ là yếu tố quyết định và nền tảng cho sự phát triển bền vững của đất nước.

Đặc biệt, trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư diễn ra mạnh mẽ, cũng như đất nước ta đang bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, Đảng ta tiếp tục khẳng định vai trò của khoa học, công nghệ bằng việc ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TƯ ngày 22-12-2024 về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Với những định hướng chiến lược, quan điểm đột phá, văn bản quan trọng này được đánh giá là “Nghị quyết giải phóng tư duy khoa học” và như một “khoán 10” trong lĩnh vực khoa học và công nghệ.

Nghị quyết số 57-NQ/TƯ được coi là nghị quyết của hành động nhằm hiện thực hóa các chủ trương, xóa bỏ rào cản, giải phóng năng lực để thúc đẩy đột phá trong phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Với những yếu tố rất thuận lợi, nền tảng sẵn có cùng sự hỗ trợ mạnh mẽ từ Đảng, Nhà nước, cộng đồng doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đang giữ vai trò quan trọng trong việc góp phần hiện thực hóa những mục tiêu lớn lao mà Đảng và Nhà nước đã đặt ra trong Nghị quyết số 57-NQ/TƯ.

Khẳng định quan điểm này, tại Diễn đàn quốc gia về phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam lần thứ VI với chủ đề “Làm chủ công nghệ số, làm chủ quá trình chuyển đổi số Việt Nam bằng doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam” do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức ngày 15-1 vừa qua, Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh: “Đây là thời điểm chín muồi để các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đoàn kết, chung sức xây dựng một tương lai vững bền cho ngành công nghệ số nước nhà. Đây không chỉ là sứ mệnh cao cả, mà còn là cơ hội để các doanh nghiệp khẳng định mình, đưa các sản phẩm, dịch vụ “Make in Vietnam” vươn xa. Hãy tận dụng thế mạnh về trí tuệ, nguồn nhân lực, và tinh thần khởi nghiệp sáng tạo cùng hào khí Việt Nam để góp phần đưa đất nước phát triển mạnh mẽ trong kỷ nguyên mới”.

Thực tế thời gian qua, vai trò của doanh nghiệp trong phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia đã được khẳng định. Hiện hệ sinh thái khởi nghiệp công nghệ số ngày càng lớn mạnh, với gần 74.000 doanh nghiệp đang hoạt động. Tổng doanh thu công nghiệp công nghệ số ước đạt 152 tỷ USD vào năm 2024, tăng 35,7% so với năm 2019, minh chứng cho sự tăng trưởng bền vững và khẳng định vai trò quan trọng của công nghệ số trong nền kinh tế quốc gia. Kết quả này cho thấy năng lực và sự sáng tạo của các doanh nghiệp Việt Nam, đồng thời khẳng định tiềm năng lớn trong việc mở rộng thị trường, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, gia tăng giá trị xuất khẩu. Và quan trọng hơn cả là mở ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh toàn cầu hóa và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ, sâu rộng.

Với những bước đi đột phá, hệ sinh thái trong lĩnh vực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của nước ta có sản phẩm, dịch vụ đa dạng, bao gồm phần cứng, điện tử, phần mềm cùng các công nghệ tiên tiến như trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, internet vạn vật... Những bước tiến này không chỉ giúp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh trong nước mà còn mở rộng cơ hội hợp tác quốc tế, góp phần tích cực vào việc xây dựng nền kinh tế số toàn diện, bền vững. Trong Báo cáo Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu 2024 của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới, Việt Nam xếp hạng 44/133 quốc gia, nền kinh tế, tăng 2 bậc so với năm 2023, trong đó có 3 chỉ số đứng đầu thế giới (nhập khẩu công nghệ cao, xuất khẩu công nghệ cao và xuất khẩu hàng hóa sáng tạo). Như vậy là 14 năm liền nước ta có kết quả đổi mới sáng tạo cao hơn so với mức độ phát triển.

Trong lịch sử phát triển của nhân loại, khoa học, công nghệ và đột phá, đổi mới sáng tạo luôn là yếu tố quan trọng để làm nên kỳ tích, tạo ra bước tiến vượt bậc mang tính cách mạng. Với vai trò của mình, các doanh nghiệp công nghệ số cần dấn thân vào những lĩnh vực công nghệ tiên phong, đầu tư mạnh mẽ vào nghiên cứu và phát triển, chủ động tiếp cận công nghệ mới và không ngừng đổi mới sáng tạo. Đặc biệt, cần nỗ lực tự cường, tự chủ công nghệ và phát triển công nghệ chiến lược, công nghệ lõi; tập trung xây dựng các sản phẩm, dịch vụ mang tính đột phá, tạo ra giá trị thực sự phục vụ lợi ích của người dân và nền kinh tế, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và quốc tế.

Ở góc độ cơ quan quản lý, bên cạnh phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, cần tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài, nhất là từ các tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới. Qua đó tạo cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, nâng cao năng lực học hỏi, tiếp thu, làm chủ, cải tiến tri thức, công nghệ của thế giới để làm lợi cho đất nước, cho nhân dân.

Đột phá trong đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số để làm ra các sản phẩm, dịch vụ “Make in Vietnam” là sứ mệnh, là trách nhiệm cao cả của cộng đồng doanh nghiệp số Việt Nam.