Góc nhìn

Tư duy mới phát triển nông nghiệp, nông thôn

Bắc Vũ 17/01/2025 - 06:17

Một trong những nhiệm vụ và giải pháp quan trọng đối với ngành Nông nghiệp trong năm 2025 được nêu ra tại Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2025 vừa ban hành là tiếp tục xây dựng nền nông nghiệp theo hướng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh; chuyển mạnh tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp.

Phải khẳng định, trong những năm qua, lĩnh vực nông nghiệp vẫn là một trong những trụ đỡ, điểm tựa của nền kinh tế. Vai trò này được thể hiện rõ trong bảo đảm an sinh xã hội, bảo đảm đủ nguồn cung lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu; đồng thời góp phần quan trọng vào công cuộc chống biến đổi khí hậu.

Trong đó, trong năm 2024, ngành Nông nghiệp tiếp tục nhất quán giải pháp trong chuyển đổi tư duy và hành động từ sản xuất sang kinh tế nông nghiệp, tích hợp đa giá trị, đa ngành, đa lĩnh vực. Đặc biệt, lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn từng bước phát triển theo hướng chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, bắt đầu hình thành thị trường các bon...

Nhờ vậy, năm 2024, tốc độ tăng trưởng toàn ngành đạt khoảng 3,3%; tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt 62,5 tỷ USD (vượt chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao là 55 tỷ USD và lập kỷ lục mới).

Phát huy những kết quả đạt được, năm 2025, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã giao nhiệm vụ cho ngành Nông nghiệp phấn đấu đạt tăng trưởng từ 3,5% đến 4%, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt 70 tỷ USD.

Thực hiện nhiệm vụ này, ngành Nông nghiệp sẽ tiếp tục tập trung chuyển mạnh tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp. Theo đó, giải pháp quan trọng hàng đầu là ngành Nông nghiệp tiếp tục kiến tạo không gian phát triển và các động lực tăng trưởng theo hướng hiệu quả, bền vững, giữ vững an ninh lương thực quốc gia, bảo vệ môi trường sinh thái. Thực hiện giải pháp này, ngành Nông nghiệp cần tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp theo các nhóm sản phẩm chủ lực, theo ngành, lĩnh vực và cơ cấu lại sản xuất theo vùng; thực hiện hiệu quả Chương trình mỗi xã một sản phẩm - OCOP; tích cực triển khai Đề án “Phát triển bền vững một triệu héc ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030”.

Đặc biệt, ngành Nông nghiệp cùng các địa phương cần tổ chức lại sản xuất theo hướng phát triển bền vững dựa trên tiềm năng và lợi thế so sánh, ứng dụng công nghệ cao, tập trung phát triển các sản phẩm có chất lượng, lợi thế; phát triển doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, khắc phục tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, manh mún. Đồng thời, tăng cường liên kết 5 "nhà": Nhà nông - Nhà nước - nhà doanh nghiệp - nhà băng - nhà khoa học; tham gia hiệu quả vào mạng lưới sản xuất và chuỗi giá trị nông nghiệp toàn cầu.

Ngành Nông nghiệp cũng cần tiếp tục thúc đẩy nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ cao, công nghệ sạch vào sản xuất để góp phần xây dựng nền kinh tế theo hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.

Đặc biệt, trong xuất khẩu nông sản, ngành Nông nghiệp tiếp tục chú trọng phát triển mở rộng thị trường cho nông sản, đa dạng hóa sản phẩm, xây dựng thương hiệu nông sản và chuỗi cung ứng toàn cầu. Muốn vậy cần tập trung xây dựng thương hiệu nông sản, làm sao để khi nói đến các mặt hàng thế mạnh, như: Gạo, cà phê, hạt tiêu, sầu riêng, cá tra... là nói tới Việt Nam. Cùng với đó, phải có quy hoạch vùng nguyên liệu, xây dựng chỉ dẫn địa lý, mẫu mã đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng hiện nay.

Ngành Nông nghiệp với tư duy phát triển mới trong thực hiện hoàn thành các mục tiêu sẽ góp phần quan trọng vào thực hiện nhiệm vụ được Chính phủ đề ra là tăng trưởng GDP cả nước năm 2025 đạt ít nhất 8% và phấn đấu đạt hai con số trong điều kiện thuận lợi hơn.