Văn hóa

Tin tức đặc biệt trên báo in Hànộimới ngày 17-1-2025

Thư Ký 17/01/2025 06:06

Vai trò lịch sử của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc với quá trình thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam; Kỳ vọng bùng nổ thị trường du lịch Tết Ất Tỵ; Kinh tế khu vực nông thôn Hà Nội bứt phá mạnh mẽ; Xung lực mới cho không gian đô thị Hà Nội... là những thông tin đáng chú ý trên Báo Hànộimới số ra ngày 17-1-2025.

Vai trò lịch sử của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc với quá trình thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam

Sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam ngày 3-2-1930 gắn liền với vai trò quyết định của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Đây là một tất yếu lịch sử mang tính xu thế thời đại và tiếp biến truyền thống yêu nước của dân tộc Việt Nam, tạo đột biến chính trị, chấm dứt sự khủng hoảng hệ tư tưởng lãnh đạo. Đồng thời, mở ra kỷ nguyên tự chủ chính trị theo hệ tư tưởng tiên tiến trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội ở thế kỷ XX, là cầu nối đưa dân tộc ta bước tới đài vinh quang hôm nay và mai sau.

Trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam, chắc chắn những giá trị văn hóa chính trị cao đẹp, thấm đẫm tình người, tình đời của Hồ Chí Minh còn tiếp tục soi rọi lương tri, phẩm giá cán bộ, đảng viên và nhân dân ta trên đường bắt kịp và sánh vai với các cường quốc năm châu.

Kỳ vọng bùng nổ thị trường du lịch Tết Ất Tỵ

cac-le-hoi-truyen-thong-tai-thi-xa-sa-pa-tinh-lao-cai-luon-thu-hut-du-khach.-anh-hoang-ha.jpeg
Các lễ hội truyền thống tại thị xã Sa Pa (tỉnh Lào Cai) luôn thu hút du khách. Ảnh: Hoàng Hà

Kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 kéo dài 9 ngày là cơ hội để người dân thực hiện các chuyến du lịch, nghỉ dưỡng và du xuân. Đến nay, các địa phương, doanh nghiệp du lịch đã lên kế hoạch, chương trình kích cầu hấp dẫn với hy vọng thị trường du lịch sẽ bùng nổ, mang lại nguồn thu lớn ngay đầu năm mới.

Các khu, điểm du lịch của Thủ đô Hà Nội đã chuẩn bị “đặc sản” đón khách, như: Hội chữ Xuân tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, biểu diễn múa rối nước tại Hoàng thành Thăng Long, Lễ hội “Thiên đường trên mây" tại khu vui chơi Thiên đường Bảo Sơn, chương trình “Xuân về trên bản” tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam…

Kinh tế khu vực nông thôn Hà Nội bứt phá mạnh mẽ

san-xuat-tai-lang-nghe-co-kim-khi-xa-phung-xa-huyen-thach-that-..jpg
Sản xuất tại làng nghề cơ kim khí xã Phùng Xá (huyện Thạch Thất).

Một trong những dấu ấn đặc biệt của khu vực nông thôn Hà Nội năm 2024 là kinh tế có sự bứt phá mạnh mẽ. Thu nhập bình quân đầu người đạt khoảng 74,8 triệu đồng, nhiều xã có thu nhập bình quân cao hơn so với bình quân chung. Những chuyển mình mạnh mẽ trong phát triển kinh tế đã góp phần thúc đẩy Chương trình xây dựng nông thôn mới ở các địa phương.

Nhìn rộng hơn, theo thống kê của Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội, 100% số huyện, thị xã trên địa bàn Hà Nội đạt chuẩn nông thôn mới và có 3 huyện được Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Thành phố cũng có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, 191 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 84 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.

Xung lực mới cho không gian đô thị Hà Nội

tuyen-duong-sat-do-thi-doan-nhon-cau-giay.-anh-nguyen-quang.jpg
Tuyến đường sắt đô thị đoạn Nhổn - Cầu Giấy. Ảnh: Nguyễn Quang

Nhằm thể chế hóa chủ trương của Đảng tại Nghị quyết số 15-NQ/TƯ ngày 5-5-2022 về “Tập trung triển khai quy hoạch, đầu tư xây dựng, ổn định dân cư hai bên bờ sông Hồng và sông Đuống, quy hoạch phát triển không gian ngầm đô thị, không gian xanh và không gian công cộng”, tạo sự linh hoạt, chủ động cho thành phố Hà Nội, Luật Thủ đô năm 2024 quy định một số chính sách đặc thù, khác với các luật hiện hành. Đích đến là tạo xung lực mới để xây dựng hệ thống không gian đô thị đồng bộ cho Hà Nội.

Hà Nội là đô thị đầu tiên trong cả nước phê duyệt quy hoạch không gian ngầm. Hà Nội cần tiếp tục cụ thể hóa những vấn đề trong chính sách đặc thù đã được xác định trong Luật Thủ đô năm 2024 để tạo ra những đột phá, phát triển mạnh mẽ cho Thủ đô trong kỷ nguyên mới.

Nhà tái định cư bị bỏ hoang ở quận Long Biên: Người cần không có, người có không cần

nha-tai-dinh-cu-tai-phuong-thuong-thanh-quan-long-bien-de-hoang-nhieu-nam..jpg
Nhà tái định cư tại phường Thượng Thanh (quận Long Biên) để hoang nhiều năm.

Để có sẵn quỹ nhà ở cho người dân bị thu hồi đất đủ điều kiện được mua nhà tái định cư, thời gian qua, thành phố Hà Nội đã triển khai xây dựng một số dự án nhà tái định cư trên địa bàn thành phố. Trong đó, tại quận Long Biên, Dự án nhà ở tái định cư tại phường Thượng Thanh với 5 tòa chung cư (NO 15 A, B, C, D, E) dù đã hoàn thành nhiều năm nhưng nhiều tòa nhà vẫn trong tình trạng bỏ hoang, gây lãng phí nghiêm trọng.

Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng quận Long Biên Nguyễn Hùng Vinh cho biết, nguyên nhân dẫn đến tình trạng nhà tái định cư bỏ hoang là do nhiều dự án xây dựng tại khu vực xa trung tâm, thiếu tiện ích cũng như khó khăn cho việc đi lại của người dân. Thậm chí, nhiều nơi còn thiếu hạ tầng xã hội như bệnh viện, chợ, trường học.