Góc nhìn

Không thể phủ nhận tính tích cực của Nghị định 168/NĐ-CP

Nguyễn Vân Thiêng 16/01/2025 - 14:13

Tròn nửa tháng Nghị định số 168/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ với mức phạt cao hơn rất nhiều lần quy định cũ có hiệu lực, nhìn chung, tinh thần chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông đã tốt hơn, vì ai cũng thấy được tính tích cực của chủ trương này.

Nửa tháng thực hiện Nghị định 168/2024/NĐ-CP của Chính phủ, quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ; trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe, đã bước đầu tạo hiệu quả tích cực.

b46f64ca-c34e-408a-aa31-9994178bdc81.jpeg
Hình ảnh người dân tuân thủ luật giao thông trong đêm ăn mừng chiến thắng của đội tuyển bóng đá Việt Nam. Ảnh: Chu Dũng

Những lỗi vi phạm phổ biến trước đây như không chấp hành đèn tín hiệu, vượt đèn đỏ, lạng lách đánh võng, chạy ngược chiều, vi phạm về nồng độ cồn, không chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển giao thông, chạy mô tô trên vỉa hè, chống người thi hành công vụ… đã giảm đáng kể. Ngay cả những lúc phấn khích cao độ như khi ăn mừng đội tuyển Việt Nam vô địch bóng đá Đông Nam Á vào đêm 5-1 vừa qua, các cổ động viên cũng đã thực hiện khá nghiêm túc quy định về an toàn giao thông, dừng xe khi có đèn đỏ.

Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an cho biết: Sau 15 ngày thực hiện Nghị định 168, số vụ tai nạn giao thông giảm cả về 3 tiêu chí so với cùng kỳ và thời gian trước liền kề. Cụ thể, toàn quốc đã xảy ra 681 vụ tai nạn giao thông, làm 365 người chết, 453 người bị thương, so với cùng thời gian này năm trước, giảm 355 vụ (34,27%), giảm 47 người chết (11,41%), giảm 426 người bị thương (34,24%). Còn so với thời gian trước liền kề (nửa cuối tháng 12-2024), giảm 347 vụ (34,53%), giảm 94 người chết (20,47%), giảm 301 người bị thương (39,92%).

Ý nghĩa tích cực của Nghị định 168 là điều không thể phủ nhận. Tuy nhiên, lợi dụng một số ý kiến còn băn khoăn, lo ngại về khả năng thích ứng của người dân, đặc biệt là người lao động, thu nhập thấp trước mức phạt cao của Nghị định này, các thế lực phản động, cơ hội chính trị như Việt Tân, trang RFA tiếng Việt, một số trang mạng xã hội như “Nhật ký yêu nước”, “Chân trời mới Media”… đã đăng nhiều hình ảnh, bài viết lan truyền thông tin sai lệch, gây nghi ngờ giữa người dân với chính quyền, nhất là với lực lượng công an.

Các luận điệu xuyên tạc chủ yếu cho rằng, tăng mức xử phạt giao thông chỉ là công cụ để "tận thu ngân sách", "tiền phạt được dùng phần lớn để thưởng cho lực lượng công an, không quan tâm gì đến khó khăn của người dân”. Để đạt mục đích của mình, họ bịa đặt ra nhiều thông tin giật gân như: Có người tự tử khi bị phạt hành vi vượt đèn đỏ, hoặc có bệnh nhân tử vong vì xe cấp cứu không được nhường đường...

Họ còn cắt ghép thông tin, đặc biệt là cắt xén những nội dung quy định của pháp luật làm cho người dân hiểu sai, như việc xử phạt đối với hành vi sang đường không đúng quy định, hay với phương tiện vi phạm đèn đỏ vì nhường đường cho xe ưu tiên… Họ cho rằng, vì xử phạt nặng quá mà người dân không dám đi, gây ra cảnh ùn tắc giao thông, khó khăn cho người lao động, thiệt hại cho nền kinh tế… Đây là thủ đoạn rất nguy hiểm mà các đối tượng muốn lợi dụng để làm dư luận hoang mang, gây chia rẽ giữa chính quyền, lực lượng công an với người dân. Từ đó, kích động tụ tập đông người, dừng xe giữa đường, lái xe đồng loạt ngưng việc, khiến xã hội bất ổn, gây sức ép để thay đổi chính sách…

Đúng là thời gian gần đây, ở các thành phố lớn, tình trạng kẹt xe, ùn tắc giao thông xảy ra nhiều hơn các tháng trước. Nhưng đó cũng là quy luật bình thường vào tháng cuối năm, khi hoạt động buôn bán, mua sắm của người dân tăng lên. Hà Nội những ngày này cũng khổ sở vì tắc đường, kể cả không phải giờ cao điểm. Nhưng nếu nhìn lại thời điểm cận Tết Giáp Thìn, một năm trước khi Nghị định 168/NĐ-CP ra đời, thì sao? Điểm lại tít một số bài báo năm ngoái: “Đường phố Hà Nội ùn tắc từ sáng đến tối trong những ngày giáp Tết” (Lao Động, ngày 30-1-2024); “Đường phố Thủ đô ùn tắc tối ngày dịp cận Tết Nguyên đán” (Việt Nam Plus, ngày 1-2-2024); “Ùn tắc cả ngày, người Hà Nội chật vật đi lại dịp giáp Tết” (Tuổi Trẻ, ngày 2-2-2024); “Tắc đường ngày cận Tết - Năm mới vẫn chuyện cũ” (Kinh tế & Đô thị, ngày 5-2-2024)… sẽ thấy rằng, đổ lỗi cho Nghị định 168/NĐ-CP chỉ là luận điệu của những kẻ phá rối, đánh lừa dư luận, muốn xã hội bất ổn để phục vụ cho mưu đồ đen tối của một số đối tượng xấu mà thôi.

Cũng phải thừa nhận rằng cơ sở hạ tầng giao thông ở các thành phố lớn, hệ thống biển báo, đèn tín hiệu chỗ này chỗ kia vẫn chưa hoàn thiện, lỗi tín hiệu vẫn còn xảy ra… nhưng không vì thế mà chúng ta lại tự cho mình được quyền muốn làm gì thì làm, muốn đi đâu thì đi, bất chấp các quy định của pháp luật, chẳng những làm cho giao thông hỗn loạn, mà còn gây nguy hiểm đến tính mạng của chính mình và người khác.

Nhìn lại năm 2024, cả nước xảy ra 21.532 vụ tai nạn giao thông đường bộ, làm chết 9.954 người, bị thương 16.044 người. Trong số này, có tới 3.065 vụ là do người điều khiển phương tiện đi không đúng chiều đường, phần đường quy định, làm chết 1.423 người, bị thương 2.764 người. Bên cạnh đó, có 360 vụ tai nạn do người điều khiển phương tiện không chấp hành tín hiệu đèn giao thông (vượt đèn đỏ), làm chết 122 người, bị thương 301 người. Có 143 vụ tai nạn do phương tiện giao thông đi ngược chiều, làm chết 38 người, bị thương 141 người…

Vì vậy, việc ban hành Nghị định 168/NĐ-CP với mức xử phạt mạnh tay hơn không mục đích nào khác là nhằm tăng tính răn đe với các hành vi vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường bộ. Từ sợ bị phạt đến hình thành thói quen, ý thức chấp hành pháp luật khi ra đường là cả một quá trình lâu dài. Nhưng nếu hôm nay không làm, thì chúng ta sẽ mãi mãi không có gì để nói chuyện vào ngày mai.

Không quốc gia văn minh nào lại tự hào đã phát triển kinh tế nhờ vào một xã hội không có kỷ cương, người dân sống tùy tiện, bất tuân pháp luật. Những bất cập về cơ sở hạ tầng, trang thiết bị kỹ thuật, kể cả các quy định, chúng ta có thể điều chỉnh, sửa đổi cho phù hợp với thực tế cuộc sống. Nhưng không thể chờ đến khi đất nước giàu có, hệ thống hạ tầng giao thông hiện đại, đầy đủ mới tính đến chuyện xây dựng văn hóa giao thông cho người dân. Không thể vì để được việc cho mình mà lại cổ vũ cho lối sống vô tổ chức, ra đường mạnh ai nấy đi, mạnh ai nấy chen, tạo nên hình ảnh giao thông xấu xí của người Việt. “Triết lý điền vào chỗ trống” chính là cách nói mỉa mai về kiểu giao thông xấu xí ấy.