Pháp luật

Thi hành án đạt kết quả cao nhất từ trước đến nay

Hà Phong 16/01/2025 - 13:10

Sáng 16-1, Bộ Tư pháp tổ chức họp báo thông tin kết quả công tác Tư pháp năm 2024 và nhiệm vụ trọng tâm trong quý I-2025.

img_20250116_121552.jpg
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh thông tin tại họp báo. Ảnh: PV

Thông tin tại họp báo, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh cho biết, kết quả công tác năm 2024 trên hầu hết các lĩnh vực của bộ, ngành Tư pháp đều tăng so với cùng kỳ năm 2023.

Bên cạnh đó, kết quả thi hành án dân sự năm 2024 đạt mức cao nhất từ trước đến nay, nhất là thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế.

Cụ thể, các cơ quan thi hành án dân sự đã thi hành xong 620.657 việc, tăng 45.838 việc (tăng 7,97%) so với cùng kỳ năm 2023; đạt tỷ lệ 83,88% (tăng 0,62%) so với cùng kỳ năm 2023, cao hơn 0,63% so với chỉ tiêu được giao. Về tiền, đã thi hành xong hơn 116.531 tỷ đồng, tăng hơn 27.119 tỷ đồng (tăng 30,33%) so với cùng kỳ năm 2023; đạt tỷ lệ 51,84% (tăng 5,06%) so với cùng kỳ năm 2023, cao hơn 5,39% so với chỉ tiêu được giao.

Việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong chỉ đạo, điều hành, giải quyết công việc cho người dân được tăng cường, nhất là thực hiện các dịch vụ công trực tuyến liên thông về khai sinh, khai tử, xác nhận tình trạng hôn nhân; thực hiện cấp Phiếu lý lịch tư pháp trên ứng dụng VNeID...

Nhấn mạnh các nhiệm vụ trọng tâm trong quý I-2025, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh cho biết, Bộ Tư pháp sớm xây dựng, trình Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị về "Đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới".

Cùng với đó, Bộ Tư pháp tập trung rà soát cơ cấu, chức năng, nhiệm vụ, đề xuất và triển khai các phương án sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy Bộ Tư pháp bảo đảm tinh gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả và phù hợp với quy định, chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương, Ban Chỉ đạo của Chính phủ về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TƯ và các nhiệm vụ được Chính phủ giao.

Với công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật và pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật sẽ thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, bám sát thực tiễn và gắn với nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật, kỷ luật, kỷ cương trong công tác xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, góp phần bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, thống nhất, khả thi, minh bạch, dễ tiếp cận của hệ thống pháp luật, tạo thuận lợi cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc áp dụng và thực hiện pháp luật.