Mỹ tuyên bố đưa Cuba ra khỏi danh sách các quốc gia bị cáo buộc hỗ trợ khủng bố:Tín hiệu tích cực cho quan hệ song phương
Việc chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden vừa tuyên bố đưa Cuba ra khỏi danh sách các quốc gia bị cáo buộc hỗ trợ khủng bố sẽ đảo ngược quyết định trước đó trong nhiệm kỳ đầu tiên của Tổng thống đắc cử Donald Trump khi đưa đảo quốc Caribbean vào danh sách này.
Đây được đánh giá là một quyết định có ý nghĩa quan trọng, mở ra cơ hội cải thiện quan hệ song phương theo chiều hướng tích cực hơn.
Theo truyền thông Mỹ, chính quyền Tổng thống Joe Biden thông báo đưa Cuba ra khỏi danh sách các nước bị cáo buộc hỗ trợ khủng bố, như một phần trong thỏa thuận thả tù nhân. Nhà Trắng nêu rõ, quyết định đưa Cuba ra khỏi danh sách này diễn ra sau khi chính quyền Mỹ hoàn tất đánh giá và xác định rằng, không có bằng chứng nào cho thấy La Habana đang hỗ trợ khủng bố quốc tế.
Trong bức thư gửi tới Quốc hội Mỹ, Tổng thống Joe Biden nhấn mạnh, quyết định mới là “cần thiết cho lợi ích quốc gia của Mỹ và đẩy nhanh tiến trình dân chủ ở Cuba”. Chính phủ Mỹ cũng đã ký một bản ghi nhớ an ninh quốc gia nhằm điều chỉnh các chính sách liên quan đến giao dịch tài chính giữa một số cá nhân và tổ chức của Cuba và Mỹ, thay thế quy định được ban hành vào năm 2017 dưới thời Tổng thống Mỹ khi đó là ông Donald Trump.
La Habana ngay lập tức hoan nghênh quyết định của Washington. Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Cuba Bruno Rodríguez nhận định, quyết định của Mỹ loại Cuba khỏi danh sách các quốc gia hỗ trợ khủng bố là bước đi “đúng hướng”. Tuy nhiên, quan chức này vẫn bày tỏ quan ngại về lệnh bao vây cấm vận vẫn chưa được gỡ bỏ.
Trong một động thái riêng rẽ, Chủ tịch Cuba Miguel Diaz-Canel cho biết, nước này sẽ tuần tự thả 553 tù nhân đang bị giam giữ vì “các tội danh khác nhau”. Bộ Ngoại giao Cuba khẳng định, quyết định này phản ánh "bản chất nhân đạo của hệ thống tư pháp Cuba", nhưng không liên hệ việc thả tù nhân với các thông báo mới của chính quyền Mỹ. Dù vậy, giới quan sát vẫn nhận định, hai thông báo nối tiếp nhau cho thấy, Washington và La Habana đang sẵn sàng định hình lại mối quan hệ Mỹ - Cuba theo chiều hướng tích cực hơn.
Cụ thể, giới quan sát cho rằng, những quyết định mới của Mỹ và Cuba có ý nghĩa quan trọng, mở ra cơ hội cải thiện quan hệ song phương. Dù một viễn cảnh tương lai thật sự sáng lạn chưa hiển hiện, nhưng động thái này chắc chắn là tiền đề để hai bên tiến tới đối thoại về các vấn đề gây tranh cãi khác. Việc được đưa ra khỏi “danh sách đen” cũng cơ bản chấm dứt các hạn chế đối với một số cá nhân và tổ chức của Cuba thực hiện giao dịch tài chính với các cá nhân và tổ chức của Mỹ. Điều này giúp ích đáng kể tình hình kinh tế đang gặp nhiều khó khăn của đảo quốc Caribbean.
Quyết định đưa Cuba ra khỏi danh sách các quốc gia bảo trợ khủng bố của Mỹ được quốc tế hoan nghênh. Nhận định đây là “một bước tiến lớn”, Tổng thống Colombia Gustavo Petro đánh giá cao việc Mỹ đã có cách tiếp cận dựa trên đối thoại. Trong khi đó, Tổng thống Bolivia Luis Arce nhấn mạnh sự kiện này đánh dấu một bước tiến quan trọng trong nỗ lực "loại bỏ ngay những biện pháp phong tỏa kinh tế, tài chính và thương mại mà Mỹ áp đặt trong hơn 6 thập kỷ đối với người dân Cuba dũng cảm" - một yêu cầu được đại đa số quốc gia nhiều lần thông qua bằng nghị quyết tại Đại hội đồng Liên hợp quốc. Hội đồng chính trị khối Liên minh Bolivar cho châu Mỹ - Hiệp định thương mại của các dân tộc (ALBA - TCP) cũng ra thông báo, hoan nghênh quyết định của Xứ Cờ hoa.
Tuy nhiên, một số ý kiến phân tích cũng chỉ ra, vẫn có những rủi ro đối với thỏa thuận lần này, bởi chưa rõ liệu Tổng thống đắc cử Donald Trump có đảo ngược quyết định mới nhất này khi trở lại Nhà Trắng hay không. Thêm vào đó, Thượng nghị sĩ Marco Rubio - người được đề cử làm Ngoại trưởng Mỹ tiếp theo, từ lâu đã bày tỏ ủng hộ các biện pháp trừng phạt đối với Cuba.
Từ những vấn đề nêu trên có thể khẳng định, dù con đường tiến tới chấm dứt hoàn toàn lệnh cấm vận dài nhất trong lịch sử do Mỹ áp đặt đối với một quốc gia vẫn còn rất khó khăn, động thái mới của Washington đối với Cuba là tích cực và đáng hoan nghênh.