Chính trị

Thay đổi tư duy trong giải quyết điểm nghẽn về thể chế

Bảo Hân thực hiện 16/01/2025 - 06:46

Bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ ra thể chế là “điểm nghẽn của điểm nghẽn” cần tập trung giải quyết.

Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, PGS. TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia đã đưa ra những quan điểm thẳng thắn, sâu sắc về thay đổi tư duy trong giải quyết điểm nghẽn về thể chế.

dinh-thien.jpg
PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam. Ảnh: Như Loan

- Phát biểu tại phiên khai mạc kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XV, Tổng Bí thư Tô Lâm đã thẳng thắn chỉ ra, thể chế là “điểm nghẽn của điểm nghẽn”. Theo ông, chúng ta cần phải tập trung giải quyết điểm nghẽn này như thế nào để không bỏ lỡ thời cơ, vận hội, cơ hội cho đất nước phát triển trong kỷ nguyên mới?

- Điểm nghẽn của điểm nghẽn là thể chế, đây chính là một trong những phần trung tâm, gai góc nhất hiện nay. Tôi cho rằng, phải thay đổi tư duy trong giải quyết vấn đề. Đầu tiên, chúng ta đã chọn kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa thì luật pháp phải theo kinh tế thị trường và phục vụ phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, chủ động bám sát thị trường để xử lý các vấn đề. Nhưng thực tế, nguyên tắc xây dựng thể chế theo hướng này dường như chưa được tuân thủ. Bởi vì đây đó vẫn tồn tại phân bổ nguồn lực theo cơ chế “xin - cho”, trong khi thị trường là cách phân bổ nguồn lực theo cạnh tranh. Mà muốn cạnh tranh phải xây dựng một loạt thể chế đặc biệt.

Tiếp đó, chúng ta chỉ quan tâm thể chế ở khía cạnh là bộ máy nhưng thể chế thị trường mới là thể chế nền tảng, trên cơ sở đó hoạch định chức năng để bộ máy nhà nước định hướng theo. Tôi lấy ví dụ, thị trường đất đai, bất động sản ách tắc thời gian qua là câu chuyện thể chế phải gỡ và gỡ theo nguyên tắc thị trường, chứ không chỉ gỡ trong bộ máy nhà nước. Bộ máy nhà nước căn cứ vào yêu cầu của thị trường đất đai để điều hành, giải quyết những vấn đề của nó.

Thay đổi tư duy giải quyết điểm nghẽn về thể chế phải theo xu thế thời đại mà chúng ta định thiết lập. Ví dụ, lao động của chúng ta hiện nay còn một bộ phận lao động chân tay, doanh nghiệp công nghệ thấp. Nhưng tới đây sẽ chuyển rất nhanh sang thời đại tri thức, thời đại công nghệ cao, đổi mới sáng tạo. Lực lượng tri thức sẽ là lực lượng quyết định sự phát triển. Pháp luật về lao động của chúng ta hiện nay chủ yếu xử lý những vấn đề của lao động chân tay như giảm giờ làm, tăng tiền công theo giờ… trong khi đó với lao động sáng tạo thì hầu như chưa đề cập nhiều. Chính vì thế, cách tiếp cận của luật là phải hướng tới tương lai. Đây là định hướng tư duy tháo gỡ điểm nghẽn. Chúng ta phải chuẩn bị mở ra cho tương lai là những cái mới chứ không chưa làm lại đã nghẽn.

Chốt lại, muốn tháo gỡ “điểm nghẽn của điểm nghẽn” thì phải thay đổi tư duy, hướng tới nguyên tắc thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, chủ động bám theo thị trường để giải phóng nguồn lực. Việc tháo gỡ phải mở ra cho tương lai, tạo không gian sáng tạo, chủ động đón nhận cơ hội phát triển chứ không lại tự tạo ra điểm nghẽn, trói buộc cho tương lai.

- Vấn đề tháo gỡ điểm nghẽn về thể chế khi nhìn vào Thủ đô Hà Nội tại thời điểm hiện nay sẽ như thế nào thưa ông?

- Ngày 14-1 vừa qua, tôi đã dự hội nghị công bố 2 quy hoạch của Hà Nội vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Những quy hoạch này làm rất công phu, trên cơ sở kế thừa những quy hoạch trước đây và tìm ra được những tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh mới; đồng thời chỉ ra được những mâu thuẫn, thách thức, tồn tại, yếu kém để có giải pháp thực hiện.

Thành phố Hà Nội đã và đang nhận diện lại các tiềm năng, lợi thế của mình theo cách tiếp cận mới, không theo truyền thống, có những yếu tố mới, khác đã được đặt vào. Ở đây, phải đánh giá theo quan điểm thời đại, thành phố Hà Nội có vai trò, chức năng dẫn dắt. Thời đại hiện nay chuyển sang kinh tế số, công nghệ cao, Hà Nội là nơi hội tụ tinh hoa - đất văn hiến thì lợi thế này là tuyệt đối. Cho nên, thành phố đánh giá lại tiềm năng, lợi thế trên cách tiếp cận mới, nền tảng mới, định hướng mới, cho thấy tầm nhìn của Hà Nội đã khác.

Trên cơ sở đó, thành phố Hà Nội mở ra các tuyến, khu vực chức năng căn cứ không chỉ vào yếu tố truyền thống mà định hướng dẫn dắt cho cả vùng, cả quốc gia và nhập vào xu thế thời đại. Ví dụ thiết kế đô thị cũng khác, trung tâm khoa học công nghệ, văn hóa đều trên tầm khác. Tổng hợp những yếu tố đó cho thấy, Hà Nội định vị mình một cách chính xác trên tất cả các tuyến, các chức năng phát triển, qua đó bảo đảm quy hoạch của Hà Nội đúng tầm, đúng vai trò.

Tất nhiên phải khẳng định, quy hoạch hay thì thực hiện khó vì phá vỡ nhiều quy hoạch cũ. Việc thành phố Hà Nội đưa ra chương trình hành động, quyết tâm hành động cao, đúng tầm là thách thức lớn. Thủ tướng Chính phủ khẳng định, Trung ương luôn luôn ủng hộ Hà Nội, cả nước cùng với Thủ đô thì tôi nghĩ với tầm nhìn, cách tiếp cận như vậy, Hà Nội có đủ khí thế, khí phách để hành động.

- Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ rõ một số giải pháp, định hướng chiến lược phát triển kinh tế, đẩy lùi nguy cơ tụt hậu, bẫy thu nhập trung bình, trong đó huy động, khơi thông mọi nguồn lực bên trong, bên ngoài, nguồn lực trong dân. Vậy với Thủ đô Hà Nội, ông đánh giá thế nào về nguồn lực hiện có của thành phố?

- Những lợi thế, nguồn lực của thành phố Hà Nội là rất lớn, không có tỉnh, thành phố nào có. Hà Nội cần biết kết hợp, cộng hưởng các nguồn lực lại. Cụ thể, để tận dụng phát huy nguồn lực hiện có cần có nguồn lực bổ sung về công nghệ, nguồn lực đầu tư. Ở Hà Nội tập trung nhiều tập đoàn kinh tế lớn. Ngân sách nhà nước của Hà Nội cũng cao. Các đơn vị sẵn sàng đầu tư vào Hà Nội. Hà Nội còn thiếu gì cần phải được họp bàn để đưa ra. Hiện nay, Trung ương đang khuyến khích các địa phương tự quyết, tự làm, tự chịu trách nhiệm, Hà Nội cần đi đầu về việc này. Nếu làm được, Hà Nội sẽ không thiếu nguồn lực.

Thủ tướng Chính phủ đã khẳng định, chưa bao giờ khí thế Hà Nội như hiện nay, được hỗ trợ nhiều như bây giờ. Còn vấn đề của Hà Nội là giải pháp cơ chế. Đầu tiên phải thúc đẩy lợi thế về con người, nhân tài tập trung đại đa số ở Thủ đô. Cách tiếp cận của Hà Nội cần tạo nhiều cơ hội cho người tài phát huy. Hiện nay, Hà Nội người có khả năng, trí tuệ nhiều nhưng cơ hội lại hiếm nên chưa vượt lên được. Mục tiêu lớn nhất của Hà Nội là tạo cơ hội cho người tài phát huy; tạo cơ hội cho người tài mở ra cơ hội cho chính họ. Đó là điểm cốt lõi, nếu Hà Nội làm được cả người tài và nguồn lực tài chính sẽ về.

Hà Nội cần tạo ra hình mẫu về thể chế, mở ra cơ hội cho các nguồn lực để phát huy, đặc biệt là nguồn lực về người tài thì thành phố sẽ “bay” lên.

- Theo ông, các cấp, ngành, người dân, doanh nghiệp cần phải có sự chuẩn bị như thế nào để vượt qua khó khăn, tận dụng tối đa các cơ hội, lợi thế, phát triển bứt phá trong kỷ nguyên mới?

- Phải khẳng định, chúng ta đang có khí thế, có đà để đi lên nhưng thực lực còn chưa mạnh, vẫn còn nhiều điểm nghẽn và nút thắt. Do đó, cách đặt vấn đề trong thời gian tới phải căn cứ vào tình hình hiện nay và có tính toán cẩn thận, kỹ lưỡng bởi trước mắt, khó khăn còn chưa bắt đầu. Để giải quyết việc này phải định hình rõ ràng chức năng, nhiệm vụ của mỗi cơ quan, mỗi cá nhân, trong đó tính chuyên nghiệp của công việc cần định vị lại. Thực hiện được việc này, một nguyên tắc chung là Nhà nước phải tạo ra các điều kiện để làm sao những nhiệm vụ đặt ra cho các cơ quan, cá nhân trở thành cơ hội, chứ không chỉ là thách thức, vẫn tiếp tục trói buộc, không có điều kiện khả thi trong thực hiện.

Cách tiếp cận mở, cách tiếp cận trao quyền, tự quyết, tự làm, tự chịu trách nhiệm cần phải được triển khai và thực thi. Tuy nhiên, việc thực hiện không dễ dàng vì trao quyền đến bao nhiêu, thực hiện trên cơ sở nào, nguồn lực nào, rủi ro ra sao, tự chịu trách nhiệm ra làm sao, hiện nay cơ chế cũng chưa rõ ràng. Do đó, một trong những điểm then chốt trong tổ chức bộ máy nhà nước tới đây chính là cách tiếp cận thực sự rõ ràng, biến thành cơ chế, biến thành nguyên tắc vận hành là trao quyền tự quyết, tự làm, tự chịu trách nhiệm cho các chủ thể. Nếu làm được theo tinh thần như vậy sẽ mở ra không gian sáng tạo, không gian cho các cơ hội, từ đó tiếp tục phát huy khí thế hiện đang có và tận dụng cơ hội, thời cơ lịch sử “nghìn năm có một” này.

- Trân trọng cảm ơn ông!