Siết chặt quản lý an toàn thực phẩm dịp Tết
“Đến hẹn lại lên”, dịp cuối năm, thị trường thực phẩm lại sôi động để chuẩn bị cho mùa lễ, Tết. Lợi dụng nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng tăng mạnh, một số cơ sở chế biến, kinh doanh thực phẩm tung ra thị trường nhiều loại thực phẩm không bảo đảm chất lượng.
Khi câu chuyện về việc Đoàn kiểm tra an toàn thực phẩm của thành phố phát hiện cơ sở bánh cốm Nguyên Ninh (quận Ba Đình) mắc 4 sai phạm về an toàn thực phẩm và cơ sở sản xuất bim bim tại điểm công nghiệp La Phù (huyện Hoài Đức) có cả chuột chết trong khu để nguyên liệu khiến người tiêu dùng chưa hết “rùng mình”, thì mới đây một vụ việc khác tại Hà Nội lại khiến dư luận bàng hoàng khi cơ quan chức năng phát hiện khoảng 3,2 tấn thịt không rõ nguồn gốc được tẩm hóa chất khử mùi hôi thối, rồi đóng gói bán ra thị trường.
Không chỉ dừng lại ở các loại thịt, nội tạng, thực phẩm không rõ nguồn gốc còn xuất hiện nhiều ở các mặt hàng như xúc xích, thịt bò khô, bánh, kẹo... Tại huyện Đan Phượng, cơ quan chức năng phát hiện khoảng 13 tấn thực phẩm hết hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc…
Nguyên nhân dẫn đến những vi phạm nêu trên thì nhiều, nhưng một trong những nguyên nhân chính, theo Đoàn kiểm tra liên ngành số 4 của Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm, đó là việc xử phạt vi phạm an toàn thực phẩm ở tuyến quận, huyện và xã, phường, nhất là tuyến xã chưa kiên quyết.
Nhằm ngăn chặn tình trạng buôn bán, vận chuyển thực phẩm không rõ nguồn gốc, thực phẩm bẩn, mới đây, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Vũ Thu Hà đã ký Công văn số 116/UBND-KGVX về việc tăng cường công tác chỉ đạo, triển khai các hoạt động bảo đảm an toàn thực phẩm trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ, lễ hội Xuân năm 2025. Theo đó, các sở, ngành, địa phương cần tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao vai trò, trách nhiệm của người quản lý, người sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng trong việc bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm theo quy định; đẩy mạnh công tác kiểm tra liên ngành, chuyên ngành trước, trong và sau Tết, đặc biệt chú trọng đến các thực phẩm được sử dụng nhiều trong dịp Tết.
Tính từ ngày 15-12-2024 đến 10-1-2025, Hà Nội đã thanh tra, kiểm tra được 6.829 cơ sở sản xuất, kinh doanh an toàn thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ, qua đó tiến hành xử phạt 954 cơ sở vi phạm với số tiền hơn 4,8 tỷ đồng. Nhưng có lẽ đó chỉ là phần nổi của “tảng băng thực phẩm bẩn”. Để công tác thanh tra, kiểm tra an toàn thực phẩm được triển khai có hiệu quả, thời gian tới, các cơ quan chức năng, địa phương cần tăng cường kiểm tra đột xuất, không báo trước, phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng nhằm kịp thời phát hiện các nguy cơ gây mất an toàn thực phẩm. Đối tượng kiểm tra tập trung vào các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, những cơ sở sản xuất, kinh doanh các mặt hàng thực phẩm được sử dụng nhiều trong dịp Tết Nguyên đán và các lễ hội...
Bên cạnh xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về an toàn, vệ sinh thực phẩm, các địa phương đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến, nhất là về chế tài xử phạt, việc xử lý các hành vi vi phạm về vệ sinh, an toàn thực phẩm, từ đó nâng cao nhận thức của người dân về vấn đề này.
Các cấp, ngành, địa phương cũng cần tiếp tục thực hiện tốt Chỉ thị số 17-CT/TƯ, ngày 21-10-2022 của Ban Bí thư về tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới, kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân, các cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm quy định về bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm; đẩy mạnh công tác vận động quần chúng phát hiện, tố giác các hành vi vi phạm an toàn thực phẩm, để mọi người dân được đón năm mới an toàn, vui tươi.