Giao thông

Thực hiện Nghị định 168/2024/NĐ-CP:Góp phần xây dựng văn hóa tham gia giao thông an toàn, lành mạnh, văn minh

Chu Dũng 15/01/2025 - 19:14

Sau 15 ngày đầu triển khai thực hiện Nghị định 168/2024/NĐ-CP, dù thời gian còn rất ngắn, kết quả là bước đầu nhưng đủ để chứng minh việc thực hiện xuất phát từ chính đòi hỏi cấp thiết của thực tiễn đời sống xã hội.

Chuyển biến từ thực tiễn

8ca5ab10-b676-463b-935e-d8f58c15fcf6.jpeg
Chuyển biến tích cực về văn hóa giao thông sau 15 ngày triển khai Nghị định 168. Ảnh: Chu Dũng

Theo thống kê, từ ngày 1-1-2025 đến nay, toàn quốc đã phát hiện, xử lý 174.653 trường hợp vi phạm; tước quyền sử dụng giấy phép lái xe, chứng chỉ chuyên môn 17.595 trường hợp; tạm giữ 955 ô tô, 49.649 xe máy; 12.691 trường hợp giấy phép lái xe bị trừ điểm.

Trong đó vi phạm nồng độ cồn là 36.055 trường hợp; 2.888 trường hợp vi phạm quá tải trọng, quá khổ, cơi nới thành thùng; 37.337 trường hợp vi phạm tốc độ; 339 trường hợp người điều khiển xe trên đường mà trong cơ thể có chất ma túy; 3.279 trường hợp không chấp hành hiệu lệnh tín hiệu đèn giao thông...

Ngoài ra, sau khi Nghị định 168/2024/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực trật tự, an toàn giao thông đường bộ; trừ điểm, phục hồi điểm trong giấy phép lái xe (Nghị định 168) có hiệu lực, tai nạn giao thông giảm cả ba tiêu chí so với cùng kỳ và thời gian trước liền kề. Cụ thể, toàn quốc xảy ra 681 vụ tai nạn, làm 365 người chết, 453 người bị thương, so với cùng kỳ giảm 355 vụ (giảm 34,27%), giảm 47 người chết (giảm 11,41%), giảm 426 người bị thương (giảm 34,24%).

Những kết quả trên cho thấy việc triển khai Nghị định 168 đồng bộ trong cả nước nói chung và địa bàn thành phố Hà Nội nói riêng 15 ngày qua đã phát huy hiệu quả đáng kể. Lực lượng chức năng thực thi với mục tiêu cao nhất, lớn nhất là bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe, tài sản cho người tham gia giao thông; triệt để nâng cao ý thức chấp hành pháp luật giao thông; xây dựng văn hóa tham gia giao thông an toàn, lành mạnh, văn minh.

Nghị định mới cũng tạo sự tin tưởng đồng thuận trong nhân dân, nâng cao nhận thức trong giai đoạn đầu và lâu dài sẽ định hình ý thức chấp hành các quy định pháp luật về giao thông, xây dựng văn hóa giao thông bền vững.

bfc32f95-b9f5-4142-830b-6212e486285e.jpeg
Giao thông thông thoáng, hạn chế tối đa ùn tắc và tai nạn tại nhiều tuyến phố trong những ngày đầu năm 2025. Ảnh: Chu Dũng

Trao đổi về những chuyển biến trên địa bàn thành phố Hà Nội, Đại tá Trần Đình Nghĩa, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông (Công an thành phố Hà Nội), cho biết: “Qua 2 tuần đầu tiên triển khai Nghị định 168, ý thức chấp hành của người tham gia giao thông trên địa bàn thành phố đã có nhiều thay đổi. Lực lượng làm nhiệm vụ không phát hiện nhiều hành vi vi phạm thuộc về các lỗi cơ bản như vượt đèn đỏ, không đội mũ bảo hiểm...”.

Ghi nhận trong 15 ngày qua, tại những nút giao thông trọng điểm của thành phố, những khu vực được coi là “điểm đen” về giao thông đã gần như chấm dứt tình trạng các phương tiện cố tình vượt qua chốt khi tín hiệu đèn chuyển từ vàng sang đỏ; cũng gần như không còn tình trạng xe máy đi trên hè, luồn lách, chạy ngược chiều… hay vượt lên dừng quá vạch kẻ cho phép.

Đồng thuận và ủng hộ từ người dân

b7f2ba76-e505-4c1e-af5f-798bfd3991b8(1).jpeg
Hướng dẫn người dân di chuyển an toàn. Ảnh: Chu Dũng

Là một trong những nút giao thông có mật độ giao thông cao của Hà Nội, ghi nhận trong những ngày này tại nút giao Nguyễn Trãi - Khuất Duy Tiến đã cho thấy sự “ngăn nắp” hơn rất nhiều. Tình trạng người điều khiển phương tiện, dù vô tình hay cố lấn vạch, lấn làn hoặc vượt qua nút giao khi đèn tín hiệu giao thông đã chuyển sang màu đỏ đã không còn.

Thường xuyên tham gia giao thông qua nút giao này, anh Trần Văn Công (xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, Hà Nội) nhận xét, ý thức tham gia giao thông của mọi người được nâng cao hơn. Những lỗi phổ biến như vượt đèn đỏ hay đi trên vỉa hè trước kia rất nhiều nhưng sau khi có Nghị định 168 thì hầu hết không còn vi phạm.

b94ae789-b8f5-4f74-a697-807b524b9387.jpeg
Xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm. Ảnh: Chu Dũng

Còn chị Nguyễn Kiều Anh (ở phường Yên Phụ, quận Tây Hồ) bày tỏ, từ khi Nghị định 168 có hiệu lực, đã không còn xảy ra các vụ tai nạn giao thông liên quan đến vượt đèn đỏ, vi phạm nồng độ cồn…

“Câu chuyện về việc bắt buộc phải tuân thủ tín hiệu đèn giao thông được trao đổi, chia sẻ khắp nơi, ở bất cứ lứa tuổi nào. Điều đó cho thấy Nghị định đã đi vào cuộc sống, phát huy mục đích tốt đẹp là hướng tới bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của chính mỗi người dân”, chị Kiều Anh nói.

xu-paht-2-6921-7586.jpeg
Hình ảnh đẹp tại nút giao thông "4 tầng" Khuất Duy Tiến - Nguyễn Trãi. Ảnh: Chu Dũng

Thiếu tá Nguyễn Hoàng Ninh, Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông số 1 (Phòng Cảnh sát giao thông) cho biết, bên cạnh việc tự giác chấp hành nghiêm Luật Giao thông đường bộ của người dân, thì sự vào cuộc của lực lượng Cảnh sát giao thông trên các tuyến đường cũng đã kịp thời giải quyết các điểm ùn tắc, giúp tình hình giao thông Thủ đô những ngày cuối năm “dễ thở” hơn.

Liên quan đến việc nhiều người dân bày tỏ băn khoăn về hiện tượng đèn tín hiệu giao thông "đang xanh bỗng dưng đỏ" khiến họ có thể bị “phạt oan”, Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) cho biết, do một số đèn tín hiệu giao thông thế hệ cũ, phải điều khiển thủ công, nên có độ trễ khi điều chỉnh chu kỳ đèn trong ngày (từ khung giờ cao điểm sang thấp điểm hoặc ngược lại). Để khắc phục tình trạng này, Cục Cảnh sát giao thông kiến nghị đơn vị vận hành, quản lý đèn tín hiệu giao thông sớm nâng cấp các đèn đã cũ.

db27357c-b78a-4667-bc4c-a1b50e076da8.jpeg
Nghị định mới đi vào cuộc sống góp phần định hình văn hóa giao thông. Ảnh: Chu Dũng

Cục Cảnh sát giao thông nhấn mạnh, người tham gia giao thông sẽ không bị phạt oan, phạt sai trong bất kỳ trường hợp nào. Cụ thể, đối với phạt nguội, người vi phạm sẽ được lực lượng chức năng cho xem lại clip diễn biến toàn trình trước khi lập biên bản.